Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 07/09/2024 10:14 GMT+7

Trồng dâu tây công nghệ cao kết hợp với du lịch trải nghiệm

Biên phòng - Bản lĩnh, tự tin, hoạt bát, cởi mở là những ấn tượng đầu tiên của tôi về chị Đỗ Thị Kim Dung, Giám đốc Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi, phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Mô hình trồng dâu tây ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch trải nghiệm của chị đã vượt lên hàng trăm ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ trên cả nước để được hỗ trợ 100 triệu đồng trong Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Chị Đỗ Thị Kim Dung tại trang trại dâu tây của gia đình mình. Ảnh: Dung Đỗ

Khởi nghiệp với trang trại dâu tây ứng dụng công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giúp nâng cao giá trị nông sản Việt đang là xu hướng hiện nay. Nắm bắt được xu hướng đó và tận dụng thế mạnh về điều kiện tự nhiên của Sa Pa, tháng 10-2016, chị Dung và chồng chị đã mạnh dạn tìm tòi kiến thức, góp vốn, thuê đất của người dân để đầu tư xây dựng trang trại dâu tây. Đây là trang trại trồng dâu tây đầu tiên tại phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa.

Ngược dòng thời gian, nhớ lại những ngày đầu mới khởi nghiệp, chị Dung chia sẻ: “Năm 2016, vợ chồng tôi cùng 2 người bạn góp vốn mở trang trại dâu tây nhưng chưa có kinh nghiệm, chưa đủ kiến thức kỹ thuật nên dâu tây thường bị bệnh và thối. Sang tới năm thứ hai, với bài học xương máu từ năm đầu, chúng tôi chuyển sang trồng dâu tây trong nhà lưới tự chế bằng tre và thử nghiệm giống mới. Tuy cây dâu tây đã bớt bệnh và bớt hỏng hơn, nhưng vì chưa làm chủ được kỹ thuật nên cây cho năng suất thấp, quả chua, xuất hiện nhiều sâu. Năm ấy, chúng tôi mất trắng với số tiền thua lỗ rất lớn khoảng 200-300 triệu đồng”.

Thất bại không làm chị Dung nản chí mà khiến chị càng quyết tâm hơn. Chị nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi trồng dâu tây theo hướng công nghệ cao. Đã có định hướng khởi nghiệp rõ ràng, nhưng gia đình chị thiếu vốn sau những lần thất bại. Áp dụng trồng dâu tây theo hướng công nghệ cao đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn. “Lúc này, chẳng còn cách nào khác, chúng tôi phải thuyết phục bố mẹ thế chấp sổ đỏ của gia đình, vay ngân hàng hơn 2 tỷ đồng”.

Khi đã có vốn, chị Dung cùng chồng bắt tay ngay vào làm trang trại với việc san gạt đất, làm nhà lưới, chuẩn bị giá thể, hệ thống tưới tự động... “Cơ ngơi” đã sẵn sàng cho mùa dâu tây mới. Thay vì trồng đại trà các giống dâu tây như trước đây, chị Dung chỉ tập trung vào trồng các giống dâu tây chọn lọc từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Những giống dâu tây này cho quả to, có vị ngọt đậm đà, chua dịu, thơm ngon hấp dẫn khi chín. Nhưng để có được những quả dâu tây không sâu bệnh, ngon ngọt như vậy, đòi hỏi quá trình chăm sóc kỹ lưỡng.

Chị Dung cho biết: “Mùa trồng dâu tây ở Sa Pa bắt đầu từ tháng 10 và thu hoạch sau 3 tháng. Chúng tôi đã áp dụng hệ thống tưới tự động, nhưng hằng ngày vẫn phải cắt tỉa lá già, nhặt quả hỏng, thối nên vẫn rất mất thời gian và đặc biệt tỉ mỉ. Ngoài ra, chúng tôi nuôi thêm ong để giúp cây được thụ phấn. Vất vả là vậy, nhưng thành quả đổi lại là chúng tôi mang đến cho người dân sản phẩm dâu tây được trồng bằng phương pháp giá thể trong nhà kính theo công nghệ hiện đại, không sử dụng các loại thuốc, chất hóa học nên quả dâu tây có chất lượng tốt, an toàn cho người dùng”.

Kết hợp nông nghiệp và du lịch trải nghiệm

Khi trang trại dâu tây dần hoàn thiện và bắt đầu cho doanh thu thì chị lại vấp phải khó khăn về xây dựng, quảng bá thương hiệu. Lúc này, chị Dung và chồng chị đã nảy ra ý tưởng kết hợp trồng dâu tây ứng dụng công nghệ cao với phát triển du lịch trải nghiệm.

“Ngoài thu hoạch dâu tây xuất đi các cửa hàng, địa phương thì chúng tôi mở cửa trang trại, đón du khách thập phương tới để họ tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm hái, thưởng thức dâu tây ngay tại vườn và cũng có thể mang về làm quà cho người thân. Việc kết hợp hái dâu tây với du lịch đã hạn chế được các chi phí về công và thị trường đầu ra cho sản phẩm, giúp đầu ra ổn định hơn. “Hữu xạ tự nhiên hương”, chất lượng sản phẩm tốt thì sẽ được thị trường đón nhận. Điều đó là động lực cho chúng tôi tiếp tục đầu tư và phát triển theo con đường đã lựa chọn. Mô hình này đã góp phần thu hút khách du lịch tới với Sa Pa, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đẩy mạnh nhận thức về vệ sinh, an toàn thực phẩm ở vùng cao” - chị Dung chia sẻ.

Với hiệu ứng tốt từ khách du lịch và thị trường, năm 2019, chị Dung đầu tư xây dựng thêm 5.000m2 nhà lưới, nâng tổng số diện tích nhà lưới lên 3ha và trồng thử nghiệm giống dâu tây chịu nhiệt. Để đa dạng sản phẩm, hấp dẫn du khách và tận dụng cơ sở vật chất, sau khi hết vụ dâu tây, chị Dung trồng thêm các loại cây nông nghiệp ngắn ngày có giá trị dinh dưỡng cao như dưa hấu, dưa lưới, dưa chuột bao tử, dưa lê, dưa pepino; đồng thời, chế biến các sản phẩm dâu tây thành thạch, mứt, sữa chua... Hiện nay, với mô hình trên, trang trại dâu tây công nghệ cao của gia đình chị Dung thu về khoảng 20 tấn dâu tây, đón hơn 40 nghìn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm thu hái dâu tây, doanh thu trung bình 3 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, hơn 2 năm qua, dù dịch Covid-19 liên tục diễn biến phức tạp, lượng khách du lịch giảm đáng kể, nhưng nhờ sự tháo vát, linh hoạt trong tìm đầu ra và sản phẩm chất lượng mà mô hình của chị Dung vẫn đứng vững, cho doanh thu ổn định. Thời điểm hiện tại, khi ngành du lịch đang dần phục hồi, trang trại dâu tây công nghệ cao của gia đình chị Dung tiếp tục là điểm đến “check-in” không thể bỏ qua của du khách, nhất là các bạn trẻ khi đến Sa Pa. Những trái dâu tây to, đỏ mọng trên cây luôn sẵn sàng làm nền cho các bạn trẻ chụp ảnh làm kỷ niệm.

Thùy Trang

Bình luận

ZALO