Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 06:32 GMT+7

Tròn vai trò chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân vùng sâu

Biên phòng - 30 năm qua, với sự nỗ lực cố gắng, lực lượng quân dân y trên toàn quốc đã sát cánh bên nhau thực hiện được mục tiêu: bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bộ đội và góp phần củng cố quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Quân y Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần, BĐBP Hà Giang kiểm tra thân nhiệt công dân từ Trung Quốc trở về tại khu cách ly. Ảnh: Bích Nguyên

Do đặc thù địa lý, thôn Đrang Phôk nằm cách xa trung tâm xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk hơn 20km. Khoảng cách xa như vậy khiến bà con nhiều khi ngại đi khám bệnh. Để khắc phục sự bất tiện về khoảng cách đó, Trạm quân dân y kết hợp Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, BĐBP Đắk Lắk được dựng lên ngay đầu thôn Đrang Phôk, biên chế một nhân viên quân y và một cán bộ vận động quần chúng.

Thôn Đrang Phôk có 129 hộ dân với 495 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Ê đê, M Nông, Gia Rai. Cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi tới đây là khung cảnh sạch sẽ, yên bình, người dân vui vẻ, cởi mở. Nhìn khung cảnh hiện tại, khó có thể hình dung, trước đây bà con thường nuôi nhốt trâu dưới gầm sàn, thả rông heo, gà, gây mất vệ sinh môi trường. Chính thói quen ấy cộng với việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh khiến người dân thường mắc bệnh về tiêu hóa. Trong quá khứ, Drang Phôk từng bị một trận dịch tả hoành hành khiến rất nhiều người chết.

Mọi chuyện thay đổi từ khi có cán bộ quân y Biên phòng cắm chốt tại đây. Thiếu tá Phạm Văn Trà, nhân viên quân y từng có 5 năm gắn bó với người dân Đrang Phôk (anh Trà nguyên là cán bộ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, mới được điều chuyển về công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê) kể: “Ở đây, bà con thường hay mắc bệnh tiêu chảy do ăn uống không hợp vệ sinh và bị sốt rét do ngủ không mắc màn. Khi về đây, việc đầu tiên chúng tôi làm là tuyên truyền, vận động bà con thực hiện ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh môi trường, ngủ trong màn, nhưng khó nhất là vận động phụ nữ đi khám thai và từ bỏ tập tục sinh con tại nhà”.

Phụ nữ Ê Đê, M Nông vốn rất ngại tiếp xúc với người lạ, nhất là khi sinh con. Vì vậy, từ nhiều đời nay, khi mang thai, chị em không hề đi khám thai, cũng không tới trạm y tế sinh con mà chỉ nhờ bà đỡ trong thôn tới đỡ đẻ tại nhà. Anh Trà vận động phụ nữ tới trạm y tế sinh con, mọi người đều bảo anh là đàn ông, biết gì mà nói. “Mình phải lấy sách, chỉ cho mọi người thấy ngôi thai ngược, thai nằm ngang là như thế nào, giải thích lúc sinh mà thai không thuận sẽ gây nguy hiểm ra sao, nói cả nguy cơ tai biến tiền sản giật... Ở trạm y tế, có nhân viên y tế được đào tạo bài bản, có trang thiết bị có thể giúp hạn chế những tai biến xảy ra với thai phụ. Nói có sách, mách có chứng, mọi người mới tin, mới ngộ ra trong quá trình sinh nở có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn tới sức khỏe của người mẹ và thai nhi”- anh Trà cho biết.

Với sự nỗ lực của anh Trà và đồng đội, nhận thức của người dân Đrang Phôk đã thay đổi rõ rệt. Người dân không còn nuôi nhốt trâu bò dưới gầm sàn nhà, thực hiện ăn chín, uống sôi, mắc màn khi ngủ. Tỉ lệ người dân bị sốt rét đã giảm tới 90%, phụ nữ khi mang thai đều đi khám thai định kỳ và sinh con tại trạm y tế.

Hiện nay, cả nước có 10 bệnh viện quân dân y, 5 trung tâm y tế quân dân y huyện đảo, 33 bệnh xá quân dân y đang hoạt động. Những người thầy thuốc mặc áo lính như anh Trà đã trở thành cánh tay nối dài của ngành y tế tới vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nơi mà hệ thống cơ sở y tế chưa bao phủ được hết.

Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ khám chữa bệnh trong điều kiện bình thường, các đơn vị quân dân y đã phát huy được vai trò của mình trong khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Ban Quân dân y các quân khu, các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo tổ chức hàng trăm phân đội cấp cứu, vận chuyển, điều trị, xử lý vệ sinh phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường sau thiên tai, lũ lụt, bảo đảm không có dịch bệnh xảy ra. Lực lượng quân y toàn quân cũng là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, đặc biệt là phòng, chống dịch Covid-19.

Thực hiện Dự án Quân dân y kết hợp thuộc Chương trình mục tiêu y tế dân số giai đoạn 2016 -2020, hơn 30 cơ sở khám chữa bệnh quân dân y khu vực biên giới, hải đảo đã được hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị, bảo đảm được nguồn cung cấp oxy phục vụ cấp cứu điều trị. Hằng năm, ban quân dân y các quân khu, các tỉnh, thành phố, các đơn vị quân đội đã tổ chức hàng trăm lượt đoàn y bác sĩ tới vùng sâu, vùng xa, khám chữa bệnh miễn phí cho hàng chục ngàn lượt người dân, góp phần bảo đảm an ninh khu vực biên giới, hải đảo. Dự án đã hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho gần 3.000 học viên lực lượng quân dân y là các bác sĩ tuyến cơ sở, quân y các đồn Biên phòng...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá: “Qua 30 năm triển khai thực hiện, Chương trình Kết hợp quân dân y đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần bảo đảm y tế cho sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phục vụ sức khoẻ nhân dân. Hoạt động kết hợp quân - dân y được triển khai ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, hải đảo, các khu vực trọng điểm quốc phòng - an ninh, nơi điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Chính vì vậy, kết quả hoạt động kết hợp quân dân y không chỉ đơn thuần góp phần giữ vững và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân và bộ đội, mà còn là chủ trương đúng đắn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc góp phần củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc”.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO