Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 09:34 GMT+7

Trọn đời với nhạc cụ truyền thống dân tộc Cor

Biên phòng - Cách dòng sông Kót hơn 500m, nằm ẩn mình dưới chân núi Răng Cưa, bao đời nay, người Cor thôn 2A, xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) tự hào khi được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp hoang sơ, cùng sắc màu độc đáo của những lời ca, tiếng đàn níu giữ bước chân những người đến từ phương xa...

tmu5_9-1.JPG
Nghệ nhân Hồ Văn Bình đang chơi đàn Kađlóc bên dòng sông Kót quê ông.
Từ nhỏ, tâm hồn ông đã thấm đẫm giai điệu thánh thót, trầm bổng của tiếng đàn, lời ca, điệu múa của bà con đồng bào Cor trong các lễ hội truyền thống. Ông trở thành một trong những người am hiểu nhạc cụ dân tộc nhất ở thôn 2A, xã Trà Kót của huyện vùng cao Bắc Trà My này. Đồng bào Cor ở xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) từ xa xưa đã có một nền văn hóa đặc sắc. Theo thời gian, một số nhạc cụ truyền thống ấy đang mất dần trong đời sống tinh thần của bà con đồng bào Cor nơi đây. Ðược cha truyền dạy cùng với tâm huyết của mình, ông Hồ Văn Bình đã tìm tòi, khôi phục các nhạc cụ của dân tộc mình như: Đàn Vơró, đàn Kađlóc, kèn Amáp, sáo Tà lía, kèn Ra ngoái (kèn môi)... Ông cho biết, việc khôi phục các loại đàn này vô cùng khó khăn. Mình không thể làm nhanh được, vừa làm vừa chỉnh sửa từng đoạn, từng nốt sao cho âm thanh hay và hợp với mỗi loại. Đây là những nhạc cụ mang tình cảm, tinh thần của người Cor. Nghe đàn, lòng người xao động, thanh thản và sẽ quên hết mệt nhọc trong những lúc lên rẫy, lên nương.

Mang đàn Vơró, một loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Cor ra chơi, ông Bình bảo với chúng tôi: Đối với người Cor, đàn Vơró là loại nhạc cụ sử dụng thông dụng cho mọi người với mục đích thể hiện tâm tư tình cảm của riêng mình, nó có thể sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi ở trong từng mái nhà, trên nương rẫy, ở sông suối hoặc đi chơi nhà bà con, bạn bè... Thoạt nhìn, đàn Vơró của người Cor giống tựa chiếc đàn cò của người Kinh (Việt). Thùng đàn là một loại cây khoét rỗng. Cần đàn làm từ một thân cây lồ ô và có khóa đàn. Đàn có một dây được làm từ dây rừng se lại. Nối từ hộp đàn lên khóa đàn là một miếng lồ ô vát mỏng có tác dụng tăng âm. Đàn Vơró được sử dụng trong những giờ phút rảnh rỗi, vui chơi trong lễ hội truyền thống tưng bừng của làng. Tiếng đàn Vơró cũng chính là tiếng lòng, là tâm tình thay câu nói, là lời tỏ tình của những đôi trai gái đang yêu, cũng có khi là lời răn dạy con cái hay dùng nó để nói hộ với xóm làng. Người Cor lúc vui chơi đàn, lúc buồn cũng chơi đàn này. Ngày trước, ông rất tâm huyết với cây đàn này nên dân chúng trong vùng ai cũng biết và yêu quý. Nhờ tiếng đàn Vơró mà tôi lấy được vợ, bà ấy ưng tôi cũng vì say mê tiếng đàn Vơró của tôi đó.

Còn nhớ vào tháng 7-2008, chúng tôi cùng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV3) về xã Trà Kót để làm chương trình Làng Việt: "Người Cor ở huyện Bắc Trà My", chúng tôi rất may mắn được gặp ông. Hôm đó, là ngày vui, ông Bình cầm cây đàn Vơró vừa gẩy và hát ngay một làn điệu dân ca Xàru truyền thống của người Cor cho chúng tôi nghe. Tạm dịch là: Người Cor đi trồng quế, quế sẽ lớn lên nhanh, xanh tươi mơn mởn... Anh em mình ơi xuống đồng bằng, mình đừng học những điều xấu, đừng bắt chước điều không hay... Ông bảo tiếc thay những lời ca, điệu nhạc, tiếng cồng chiêng hay các làn điệu dân ca truyền thống của người Cor, bây giờ nam nữ thanh niên không phải ai cũng hiểu được. Thanh niên trong làng lớn lên về xuôi học hành, làm thuê kiếm sống, lâu ngày không còn biết đánh chiêng, chẳng nhớ tiếng đàn, điệu múa, hát các làn điệu dân ca Cor, không thuộc phong tục của tổ tiên, ông bà Cor. Đấy cũng chính là nỗi niềm trăn trở của già Hồ Văn Bình: Mình phải tìm cách khơi dậy cho lớp trẻ trong làng niềm tự hào về âm nhạc dân tộc để chúng lưu giữ phát triển, tránh nguy cơ thất truyền.

Ông Bình năm nay đã 67 tuổi. Ông là người được kế thừa những hiểu biết sâu sắc về cội nguồn, những nét đặc sắc của văn hóa người Cor và từ người cha, một nghệ nhân nổi tiếng với cây đàn Kađlóc, sáo Tà lía và một kho kiến thức về vốn âm nhạc cổ truyền, những làn điệu dân gian như Klu, Xàru, Agiới... những  phong tục tập quán truyền thống. Ông Bình là một trong số ít người Cor vừa biết chơi đàn, vừa chế tác được một số nhạc cụ dân tộc, làm những vật dụng cổ truyền như cây nêu, cây gu, la vang cho những lễ hội truyền thống của dân tộc mình như lễ ăn trâu, lễ mừng lúa mới, lễ mừng nhà mới, lễ ngả rạ, lễ cưới hỏi... Ông còn là một trong số ít người vẫn dành thời gian dạy con những phong tục tập quán hay của người Cor. Từ lâu rồi, cứ mỗi dịp các con về nhà khi Tết đến, xuân về hay vào mùa lễ hội là ông lại lấy đàn, lấy cồng chiêng cho các con tập đánh. Thanh niên nam nữ trong làng kéo đến nghe thấy thích rồi dần dà, lân la tập theo, chỗ nào đánh sai, ông lại sửa. Chính vì những cố gắng và sự kiên trì của ông mà thanh niên nam nữ trong làng, các con trai ông ai cũng biết đàn, con gái thì thuần thục điệu múa Kađấu truyền thống dân tộc. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng, qua chiến tranh, sau nhiều năm, văn hóa cổ truyền của người Cor xã Trà Kót quê ông nói riêng và người Cor sinh sống trong huyện vùng cao Bắc Trà My bị mất mát quá nhiều. Những người già Cor và cha tôi ngày xưa biết mười phần thì tôi chỉ biết sáu, bảy, còn con cái và những thanh niên Cor chúng tôi chỉ còn biết được hai, ba phần về vốn văn hoá cổ truyền của ông bà, tổ tiên.

Không biết từ bao giờ, các nhạc cụ truyền thống đã thấm sâu vào tâm thức của người Cor như máu thịt để hôm nay, những loại nhạc cụ độc đáo này vẫn được bà con người Cor nơi đây gìn giữ, bảo tồn và có sức hút mạnh mẽ trong cuộc sống hằng ngày và cả trong những lễ hội truyền thống, góp phần làm nên bức tranh tổng thể văn hóa đặc sắc của người Cor huyện miền núi Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Nhờ cố gắng giữ gìn, hiện riêng ở thôn 2A, xã Trà Kót vẫn còn giữ được nhiều bộ cồng chiêng, hàng chục cây đàn Vơró, đàn Kađlóc, kèn Amáp, nhiều sáo Tà lía, kèn Ra ngoái... hầu hết các gia đình vẫn còn giữ được phong tục, tập quán hay, lễ hội truyền thống, trong đó có đóng góp không nhỏ của già Hồ Văn Bình .
Nguyễn Văn Sơn

Bình luận

ZALO