Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 11/09/2024 10:43 GMT+7

Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023)

Trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng

Biên phòng - Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” (năm 1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”1.

Những thành tựu to lớn và toàn diện của đất nước là nhờ đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Trong ảnh: Toàn cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 1/2021). Ảnh: TTXVN

Những tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời

Tháng 7/1930, đồng chí Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng và được giao nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Tháng 10/1930, tại Hồng Kông (Trung Quốc), Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư. Ngày 18/4/1931, đồng chí bị địch bắt ở Sài Gòn. Sống trong điều kiện hết sức nghiệt ngã của nhà tù đế quốc thực dân, chịu đựng mọi thủ đoạn tra tấn tàn độc của kẻ thù, đồng chí vẫn một lòng son sắt thủy chung với Đảng và nêu cao khí tiết người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Ngày 6/9/1931, trước lúc hy sinh, đồng chí đã truyền lại khí phách của người cộng sản Việt Nam với các đồng chí của mình: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (ngày 3/2/1930), đồng chí Ngô Gia Tự được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Ngô Gia Tự, phong trào cách mạng ở Nam Kỳ đã phát triển mạnh mẽ. Đêm 31/5/1930, đồng chí bị mật thám của thực dân Pháp bắt. Trong nhà tù đế quốc ở Côn Đảo, đồng chí thường xuyên động viên các đồng chí của mình: “Phải biến nhà tù đế quốc thành trường học, không nên bỏ phí thời giờ. Bất kỳ ở đâu chúng ta cũng có thể hoạt động cho chủ nghĩa cộng sản được. Người cộng sản phải bảo vệ Đảng, ta vì Đảng, vì cách mạng mà hy sinh, đừng vì ta mà cách mạng bị hy sinh”. Đầu năm 1935, khi mới 26 tuổi, trên đường vượt biển trở về đất liền để tiếp tục hoạt động cách mạng, đồng chí đã hy sinh.

Cuối năm 1931, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Cộng sản của những người lao động phương Đông, đồng chí Lê Hồng Phong nhận trọng trách từ Quốc tế Cộng sản trở về nước chỉ đạo việc tổ chức khôi phục và phát triển các cơ sở Đảng, tiếp tục đưa phong trào cách mạng tiến lên. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Lê Hồng Phong, cuối năm 1932, ban lãnh đạo lâm thời của Đảng được thành lập. Tiếp đó, tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư. Cuối năm 1937, đồng chí về nước hoạt động bí mật tại Sài Gòn. Ngày 22/6/1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt. Cuối năm 1940, đồng chí bị đày ra Côn Đảo. Bọn thực dân đã dùng những trận đòn thù tàn ác, dã man và liên tục để làm đồng chí dần dần kiệt sức và đi đến cái chết. Đồng chí Lê Hồng Phong đã vĩnh biệt các đồng chí của mình vào trưa ngày 6/9/1942. Trước lúc hy sinh, đồng chí nói: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.

Trong bài phát biểu kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (năm 1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Trong 15 năm đấu tranh trước Cách mạng Tháng Tám và trong tám, chín năm kháng chiến, biết bao đảng viên ưu tú và quần chúng cách mạng đã vì dân, vì Đảng mà hy sinh một cách cực kỳ oanh liệt. Chỉ riêng trong cấp Trung ương của Đảng đã có 14 đồng chí bị đế quốc Pháp bắn, chém, hoặc đập chết trong nhà tù. Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”2.

Đảng đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được sáng lập. Kể từ đó, đúng như đáng giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta đã giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong”3.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, công cuộc đổi mới đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trong ảnh: Một góc Hà Nội ngày nay. Ảnh: CTV

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở mỗi đảng viên và cán bộ phải “thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”4 và “những chính sách và nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của nhân dân”5. Điều mong muốn cuối cùng của Người được viết trong Di chúc là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”6.

Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, Đảng đã lãnh đạo toàn dân giành lại độc lập dân tộc và xây dựng cuộc sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại...

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 ước tính tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người; tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.

Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 191 quốc gia trên toàn cầu, trong đó, 3 nước có quan hệ đặc biệt, 17 đối tác chiến lược (4 đối tác chiến lược toàn diện), 13 đối tác toàn diện; có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đang là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc. Việt Nam hiện là một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 (nhiệm kỳ 2022-2023) đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đem lại cuộc sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam, khẳng định con đường đi lên CNXH của nước ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

Nguyễn Văn Toàn

------------------------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 284.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 401.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 401.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 510.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 298.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 500-501.

Bình luận

ZALO