Biên phòng - Sau gần 8 năm thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67), mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được nhưng trước nguy cơ tan rã của đội tàu vỏ thép, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo nghị định mới trình Chính phủ thay thế Nghị định 67 nhằm tiếp tục hỗ trợ ngư dân bám biển, khai thác tốt tiềm năng từ kinh tế biển.

Thực tế, thời gian qua, các chính sách của Nghị định 67 đã phát huy hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân. Số lượng tàu khai thác gần bờ giảm 13,2%, lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng hơn 20%. Nghị định 67 cũng góp phần đầu tư, nâng cấp hàng chục cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, các dự án hạ tầng sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản...
Tuy vậy, quá trình thực hiện Nghị định 67 cũng bộc lộ nhiều bất cập như vốn vay lưu động cho ngư dân có mức lãi suất tương đối cao; cơ chế, phương thức cho vay không thuận lợi cho ngư dân.
Tàu vỏ thép thường xuyên xảy ra hư hỏng do chất lượng xuất xưởng thấp nhưng chính sách bảo hiểm mới chỉ đáp ứng được 62% số tàu cá xa bờ và có đến 260/335 tàu vỏ thép không được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa đúng quy trình.
Ngoài ra, tàu vỏ thép được trang bị máy móc hiện đại và cách vận hành cũng khác xa các con tàu vỏ gỗ truyền thống nên ngư dân chưa có kinh nghiệm quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả, dẫn tới doanh thu không đủ bù chi, nhiều chủ tàu thua lỗ nặng.
Hiện, tổng dư nợ của 1.132 tàu đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 còn 9.520 tỷ đồng, trong đó, nợ xấu lên tới 6.397 tỷ đồng. Trong đó 176 tàu vỏ thép hoạt động thua lỗ phải nằm bờ. Tình trạng khởi kiện ra tòa có xu hướng tăng nhanh mà chưa có giải pháp tháo gỡ đang gây nhiều khó khăn cho cả chủ tàu và phía ngân hàng cho vay.
Lý giải vì sao nhiều tàu vỏ thép đánh bắt không hiệu quả, nhiều chuyên gia cho biết, sai lầm của nhiều địa phương là chỉ lo đóng tàu to, máy lớn mà không quan tâm phát triển đồng bộ về phương án, kỹ thuật đánh bắt và cả ý thức lao động. Tàu mới, hiện đại nhưng cách quản lý cũ khiến nhiều ngư dân có kinh nghiệm, giỏi nghề, từng làm ăn hiệu quả nay trở thành con nợ xấu, phá sản.
Lo sợ rủi ro, nhiều công ty Bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm cho tàu vỏ thép. Tàu không có bảo hiểm thì phía ngân hàng cho vay lại không cho tàu ra khơi. Tàu không đi biển được, ngư dân càng không có tiền trả nợ ngân hàng. Nếu chủ tàu không trả nợ đúng hạn thì không còn được hưởng lãi suất ưu đãi 1% của Nghị định 67 mà phải chịu 7% lãi suất thương mại. Nghịch lý luẩn quẩn này khiến nhiều chủ tàu 67 lâm vào cảnh nợ xấu, buộc phải phá sản.
Dư luận kỳ vọng, Nghị định mới nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với tàu vỏ thép 67 sớm được ban hành để nghề cá phát triển bền vững. Bởi, chính sách mới được xây dựng theo hướng tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá; khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ để ngư dân tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay sửa chữa, nâng cấp tàu, tạo điều kiện cho các chủ tàu duy trì hoạt động sản xuất, trả nợ vốn vay.
Đối với chính sách đào tạo sẽ chi trả 100% kinh phí đào tạo kỹ thuật điều khiển tàu, thuyền trưởng, máy trưởng... nâng cao trình độ cho ngư dân. Chính sách bảo hiểm thân vỏ tàu cũng điều chỉnh nâng mức hỗ trợ từ 50% hiện tại lên 70%, giảm gánh nặng cho chủ tàu...
Với những nội dung mang tính đột phá, chính sách mới được kỳ vọng sẽ tạo thêm “cú huých”, trợ lực cho nghề cá bứt phá, phát triển.
Thiết nghĩ, con tàu 67 vươn khơi không chỉ đơn thuần là kinh tế mà còn góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Vì vậy, cần tiếp tục đánh giá lại một cách toàn diện, kịp thời có những chính sách mới tháo gỡ những bất cập để đưa đội tàu cá Việt Nam tiếp tục vươn ra khơi xa.
Thanh Thảo