Biên phòng - Tôi đặt câu hỏi với những ngư dân kỳ cựu trong nghề câu mực từ Trường Sa trở về và được biết nước ngọt và máy thông tin trên từng thúng câu là 2 nỗi lo lớn nhất của họ giờ đã không còn. Nghề câu mực một thời thường được các nhà báo khai thác ở góc độ những câu chuyện chông chênh; giờ đây đã gắn với tháng ngày vui giữa biển khơi.
Giải cơn khát
Ngày mở biển của đoàn tàu câu mực ở cửa biển Sa Cần, tỉnh Quảng Ngãi. Mỗi con tàu làm nghề câu mực thường đội trên nóc một chiếc giàn to để phơi mực, hầm tàu chứa 30 ngàn lít dầu, chở theo vài tấn lương thực, 45 ngư dân. Dù chở nặng, nhưng tàu vẫn nổi vì thân tàu đã được đóng lớn hơn so với cách đây 3-4 năm trước và không còn phải “gánh” nước ngọt ra khơi. Làm nghề câu mực khơi, những ngư dân có thâm niên thường nói về những cơn khát đã trải qua. Mỗi khi tàu mở biển phải chở theo 10 phi loại 220 lít và 300 can nước ngọt loại 50 lít.
Ngư dân Nguyễn Tấn Đại (55 tuổi), quê ở cửa biển Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam nhớ lại chuyện từng đi câu mực và bị nạn ở Hoàng Sa vào tháng 5-1991. Chiếc tàu chết máy trôi nổi, các ngư dân lấy áo mưa làm cánh buồm để tàu tự xiêu theo gió. Cái đói cồn cào hành hạ, nhưng đáng sợ nhất là cơn khát. Giữa đại dương nước mênh mông mà khát nước và bất lực. Có đêm, ngư dân nằm thiếp đi và mơ vốc nước biển đổ lên mặt, lên người, sau đó giật mình tỉnh dậy.
Giấc mơ vốc nước biển đổ lên mặt mà ông Đại và các ngư dân từng mơ thì mãi 25 năm sau mới thành sự thật. Từ mùa biển năm 2016, tàu câu mực đã lắp đặt máy lọc nước biển thẩm thấu RO, máy lọc nước biển hiện đại Watts. Chủ tàu đã khỏi lo chuyện tốn nhiên liệu vì chở nặng và tàu thêm chật chội vì nhường chỗ để chứa nước ngọt.
Báo chí đã từng khai thác rất nhiều lần về chuyện tàu câu mực thả thúng cho ngư dân đi câu. Nửa đêm, gió lốc ập tới đẩy thúng con lạc tàu mẹ. Thúng trôi mãi không bờ bến nên ngư dân bỏ mạng. Còn 5 năm trở lại đây, giấc mơ kết nối thông tin giữa tàu mẹ và tàu con đã thành sự thật. Chiếc máy Icom 3 băng trị giá 1,5 triệu đồng đã cứu sống nhiều ngư dân câu mực.
Qua câu chuyện trên cũng cho thấy, ngành khoa học hàng hải ở Việt Nam và nhiều ngành khoa học liên quan khác đã không bắt nhịp với yêu cầu của cuộc sống. Vì chuyện thiết kế một chiếc máy liên lạc giữa tàu mẹ và tàu con là vấn đề quá đơn giản. Và cũng vì thiếu chiếc máy này mà số ngư dân câu mực đã bỏ mạng không thể đếm hết.
Phận đời…vui
Trong quá khứ, cứ nhắc đến nghề câu mực là nói đến nước mắt và số phận của những ngư dân không may mắn nằm lại vùng biển Trường Sa. Ngư dân Bùi Trung Tư (quê ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) là người có thâm niên câu mực trên 20 năm và từng suýt bị úp thúng, bỏ mạng trên biển. Anh Tư cho biết: “Hồi trước đi biển, vợ dặn dò đủ thứ, nói chung là lo sợ chồng ra đi nguy hiểm, nhưng bữa nay thì vui vẻ rồi, nghề câu mực bây giờ đã an toàn”.
Những năm trước đây, khi tàu mẹ thả khoảng 30 chiếc thúng con đi câu trong đêm thì mỗi khi có gió là bầy thúng con rất dễ bơ vơ lạc mẹ. Hiện nay, các ngư dân đã có “thế võ” để phòng bị trước những cơn lốc bất thần lúc nửa đêm trên biển Trường Sa. Anh Tư cho biết, mùa câu năm 2017, anh có 2 lần gặp gió lốc. Lúc đó, cứ 10 chiếc thúng quây lại và buộc sát nhau thành chùm để bảo vệ nhau, sau đó gọi Icom để tàu mẹ chạy tới kéo ngư dân lên tàu.
Mỗi lần gặp gió lốc bất ngờ như vậy, những ngư dân làm nghề mực lâu năm không thể quên những lần từng lâm nạn. Đó là nửa đêm thì vùng biển Trường Sa tự dưng nhô lên một đụn sóng cao. Sóng ùa đến rất bất ngờ và mạnh đến mức khiến chiếc thúng không kịp nhô lên trên ngọn sóng mà bị hất nghiêng, xoay tròn, nước tràn vào thúng. Khi đợt sóng này tràn qua thì chiếc thúng chòng chành gần chìm vì chứa đầy nước. Nếu có một lượn sóng đi song song với con sóng lạ đó thì chiếc thúng sẽ lập tức bị vùi dưới biển sâu.
Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra những vụ mất tích bí ẩn đối với ngư dân làm nghề câu mực. Ngày 25-12-2017, Đài Thông tin Duyên hải Nha Trang đã phát đi thông tin tìm kiếm ngư dân Võ Thành Công, sinh năm 1989, đi trên tàu cá Phú Yên 90015 TS. Ngư dân này xuống thúng đi câu mực và mất tích lúc 1 giờ sáng tại tọa độ 13 độ 20 phút vĩ Bắc - 115 độ 30 phút kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây 133 hải lý về hướng Đông Đông Bắc. Có 4 tàu Phú Yên tổ chức tìm kiếm nhưng không thấy dấu vết.
Trước đó, vào ngày 1-10, ngư dân Đoàn Duy Linh, ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xuống thúng đi câu ở Trường Sa và đột nhiên biến mất cùng với mái chèo, chỉ còn để lại chiếc thúng dập dềnh trên sóng nước mênh mông. Những con sóng lạ đó ám ảnh ngư dân, nên làng chài làm nghề câu mực thường thờ cúng thần Nam hải Đại tướng quân rất trọng vọng. Trước khi ra khơi, các chủ tàu đều đến thắp hương vái lạy. Đối với các ngư dân từng gặp con sóng lạ kia thì khi trở về bờ thường đội mâm gà đến vái ngài và cầu mong những chuyến biển sau được thần Nam hải hộ mệnh.

Một tàu 45 ngư dân
Những ngày mở biển của ngư dân câu mực Trường Sa khác hẳn với các nghề biển khác. Vì phiên biển kéo dài 3 tháng, nên các ngư dân phải xem con tàu này là chính ngôi nhà của mình trên sóng nước. Mỗi ngư dân tự bỏ ra khoảng 10 triệu đồng để mua thêm lương thực, thức ăn. Nửa đêm ngồi câu trên thúng, ngư dân sẽ chế cà phê thơm lựng, sau đó đánh chén bát mì tôm, mở điện thoại nghe nhạc, nhưng tay vẫn phải giật liên hồi. Bình quân mỗi đêm ngư dân câu được khoảng 400 con mực khơi. Âm thanh róc rách của tiếng mực nhảy luôn đồng hành với cuộc đời câu mực của họ ở Trường Sa.
Niềm vui ngày ra khơi tăng lên, vì cuối năm 2017, đầu năm 2018, giá mực tự nhiên tăng gấp đôi, từ 100 ngàn đồng lên đến 180-210 ngàn đồng/kg. Mỗi ngư dân đi câu mực đã kiếm được 120 đến 200 triệu đồng. Ngư dân đi trên tàu của ông Tuất ở xã Bình Chánh có người kiếm được 350 triệu đồng. Vì mực được giá nên nhiều ngư dân đi bạn nghề lưới vây đã sắm thúng xuống tàu để xin đi câu. Mỗi chiếc tàu thường chở theo 30 thúng, giờ chở 45 thúng. Không còn chỗ để đặt thúng nên tàu mẹ phải kéo theo cả chùm thúng như dắt bầy con trở lại Trường Sa.
Lê Văn Chương