Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:54 GMT+7

Triều Tiên tìm phương thức mới

Biên phòng - "Nếu Mỹ không giữ lời hứa mà nước này đã đưa ra trước sự chứng kiến của toàn thế giới... và vẫn khăng khăng áp đặt các biện pháp trừng phạt cũng như gây sức ép đối với Triều Tiên, chúng tôi buộc phải tìm phương thức mới để bảo vệ chủ quyền đất nước và lợi ích tối thượng của mình". Theo giới phân tích, hình như nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang thực hiện lời tuyên bố đó trong chuyến thăm đầu năm tới Trung Quốc.

5c3702d23f5e020f5b001613
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay trước buổi hội đàm. Ảnh: Tân hoa xã

Khẳng định chỗ dựa

Không có nhiều thông tin về chuyến thăm của ông Kim tới Trung Quốc, chỉ biết rằng ngày 8-1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới Bắc Kinh để có cuộc gặp cấp cao lần thứ 4 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tìm kiếm sự ủng hộ cần thiết khi Bình Nhưỡng đang nỗ lực kêu gọi cộng đồng quốc tế nới lỏng trừng phạt mà không phải đánh đổi quá nhiều thứ liên quan đến các hoạt động phi hạt nhân hóa. Chuyến công du 4 ngày của ông Kim diễn ra sau khi nhà lãnh đạo này công khai thể hiện trong bài phát biểu đầu năm mới sự thất vọng đối với tiến trình đàm phán không mấy tiến triển với Washington sau cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore cách đây 7 tháng. Ông Kim cảnh báo nếu tình hình không được cải thiện, cụ thể là nếu các đề xuất nới lỏng trừng phạt và bảo đảm an ninh không được đưa ra, Bình Nhưỡng có thể sẽ phải tìm “hướng đi mới”.

Trung Quốc hiện vẫn là đối tác thương mại lớn và quan trọng nhất của Triều Tiên, cung cấp cho quốc gia bị cô lập này mọi thứ, từ nhiên liệu cho tới thực phẩm. Các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Triều Tiên tới Trung Quốc và tuyến đường sắt nối liền 2 nước là những tuyến giao thông duy nhất kết nối Triều Tiên với thế giới bên ngoài, và cũng là huyết mạch của nền kinh tế nước này.

Căng thẳng thương mại leo thang giữa Washington và Bắc Kinh đem đến cho ông Kim Jong-un một cơ hội mới. Trung Quốc chưa bao giờ ủng hộ việc áp đặt trừng phạt Bình Nhưỡng như Washington. Vì vậy, ông Kim có lý khi tìm cách thuyết phục Tập Cận Bình không áp dụng chính sách gây “áp lực tối đa” của Tổng thống Trump. Từ sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, Bình Nhưỡng từng bóng gió nói về “kế hoạch B” tương tự nếu các cuộc đàm phán với Mỹ đổ vỡ. Theo giới phân tích, rất có thể một trong những mục tiêu chính của chuyến công du Trung Quốc lần này mà ông Kim hướng đến là tạo dựng nền tảng và tìm kiếm lời khuyên từ ông Tập trước khi tham gia một cuộc gặp cấp cao khác với Tổng thống Trump. Đó cũng là tín hiệu cho thấy khả năng thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp diễn ra trong tương lai gần. Qua chuyến thăm, ông Kim Jong-un chắc hẳn nóng lòng muốn nhắc nhở chính quyền Trump rằng Bình Nhưỡng còn có những lựa chọn ngoại giao và kinh tế khác ngoài thứ mà Washington và Seoul có thể mang lại.

Lợi thế cho Trung Quốc

Chuyến công du Trung Quốc của ông Kim Jong-un diễn ra trùng với ngày đàm phán thứ 2 giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc ở Bắc Kinh nhằm giải quyết cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước. Theo giới phân tích, đây là một lợi thế lớn hơn bao giờ hết đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, cho thấy Bắc Kinh rõ ràng nắm trong tay quân bài Triều Tiên để có thể vận dụng khi cần thiết. Trung Quốc có thể dễ dàng biến chiến lược “gây áp lực tối đa” của ông Trump trở nên vô nghĩa bởi hầu hết dòng chảy thương mại nước ngoài của Triều Tiên đều đi qua Trung Quốc. Và quan hệ Trung-Triều thì đang rất tốt đẹp.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rõ lập trường, quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên liên quan đến lợi ích quan trọng của Trung Quốc, ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo này là lập trường lâu dài, kiên định của Trung Quốc. Nhu cầu địa chính trị ngắn hạn và lợi ích của việc coi vấn đề Bán đảo Triều Tiên là một quân bài đều không tương xứng với lợi ích của Trung Quốc trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo này, Trung Quốc quyết không vì lợi ích ngắn hạn mà đánh mất lợi ích lâu dài, to lớn.

5c3702b83f5e020f5b001611
Quang cảnh hội đàm cấp cao giữa Trung Quốc và Triều Tiên tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 8-1. Ảnh: Tân hoa xã

Chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Kim sẽ làm ông Tập rất hài lòng bởi nó giúp nâng cao vị thế của Trung Quốc trong tiến trình tìm kiếm hòa bình và an ninh cho Bán đảo Triều Tiên. Để hỗ trợ Triều Tiên thực hiện mong muốn thúc đẩy đời sống nhân dân ngày càng ấm no (như trong bài phát biểu Năm mới của ông Kim Jong-un), trợ giúp kinh tế là điều Bắc Kinh có thể cân nhắc, nhất là khi năm nay hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Cơ chế hợp tác mới

Cơ chế hợp tác duy nhất ở Đông Bắc Á hiện nay là có sự tham gia của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Hiện có nhiều ý tưởng mới về phát triển Triều Tiên, song lý tưởng nhất là một cơ chế hợp tác ba bên. Để Triều Tiên tin tưởng cộng đồng quốc tế, cần có sự hợp tác ba bên này để phát triển Triều Tiên. Đây là vấn đề lớn nhất hiện nay ở Đông Bắc Á.

Thứ nhất, cần phải hỗ trợ cho những sự thay đổi của Triều Tiên. Đối với Triều Tiên, quyết định chuyển sang phi hạt nhân hóa hay xây dựng kinh tế không bao giờ là dễ dàng. Nói cách khác, xây dựng kinh tế thành công là cực kỳ quan trọng đối với ông Kim Jong-un. Nếu vô tình Triều Tiên không đạt được các kết quả tích cực về kinh tế thì điều đó có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực không chỉ tới Triều Tiên mà còn cả Bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, cần tiếp cận kế hoạch phát triển quốc gia mới của Triều Tiên trên cơ sở tập trung xây dựng kinh tế.

Thứ hai, việc hỗ trợ xây dựng nền kinh tế Triều Tiên không nên do Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản độc lập tiến hành, mà nên cùng nhau thực hiện để về phần mình, Triều Tiên sẽ không lệ thuộc vào một nước đặc biệt nào trong việc nhận nguồn lực phát triển mà sẽ nỗ lực duy trì một mức độ cân bằng nào đó trong quan hệ với ba nước trên. Việc xây dựng hạ tầng như điện, đường bộ và đường sắt cần cho tái thiết nền kinh tế Triều Tiên cũng sẽ khó thực hiện nếu một nước nào đó làm một mình. Vì vậy, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản nên hình thành cơ chế hợp tác kinh tế 3 bên này.

Thứ ba, nên có tư duy và cách tiếp cận chiến lược đối với những sự thay đổi mới ở Triều Tiên. Hiện nay, cũng cần mời Triều Tiên hay Mông Cổ tham gia cơ chế hợp tác ba bên này. Nếu điều này là không khả thi, ít nhất Triều Tiên nên được chấp nhận như một quan sát viên để có thể tạo ra một môi trường giúp Triều Tiên khẳng định mình là một phần của khu vực Đông Bắc Á.

Hồng Ngọc

Bình luận

ZALO