Biên phòng - Trong khi nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa hồi tháng 8 còn chưa thực thi thì ngày 3-9, Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch (hay còn gọi là bom H), đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục phóng tên lửa trong thời gian tới. Động thái “đổ thêm dầu vào lửa” trên của Bình Nhưỡng khiến bán đảo Triều Tiên vốn không bình yên từ nhiều tháng nay giờ càng trở nên căng thẳng.

Ngày 3-9, Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom H và vụ thử trên được tiến hành theo mệnh lệnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, loại bom H có thể gắn vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Các nhà khoa học Triều Tiên đã nâng cấp các đặc tính kỹ thuật của loại bom H nói trên đến một mức độ vô cùng tối tân, dựa trên những thành công thu được từ vụ thử bom H đầu tiên. Loại bom H này có thể được kích nổ ở độ cao lớn để tạo ra những vụ tấn công bằng xung điện từ (EMP) vô cùng nguy hiểm.
Theo các thông tin và tài khoản trên mạng xã hội, vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đã được cảm nhận rộng rãi ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, và làm rung chuyển một số thành phố Trung Quốc trong 8 giây. Theo kênh truyền hình nhà nước CCTV của Trung Quốc, trận động đất do vụ thử hạt nhân của Triều Tiên gây ra có thể cảm nhận được ở thành phố Trường Xuân, cách bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên 400km về phía Tây Bắc. Còn ở thị xã Diên Cát, cách biên giới Trung - Triều 20km, một số người cho biết trận động đất đã gây ra sự rung chuyển lớn đến mức mà họ đã chạy khỏi nhà.
Tuy nhiên, cả Nga và Trung Quốc đều cho biết, nồng độ phóng xạ ở vùng Viễn Đông nước này vẫn duy trì "ở mức bình thường" sau khi Triều Tiên tuyên bố thử một quả bom H. Trong khi đó, phía Hàn Quốc cho biết, nếu xác định đây là vụ thử hạt nhân thì sức công phá của nó lên tới 100 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT), mạnh gấp 4-5 lần so với quả bom hạt nhân từng thả xuống thành phố Nagasaki năm 1945 tại Nhật Bản.
Một ngày sau vụ thử, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã triệu tập một cuộc họp khẩn theo đề nghị của các nước Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại cuộc họp, Mỹ hối thúc HĐBA LHQ áp đặt "các biện pháp mạnh mẽ nhất có thể" nhằm phản ứng với vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và được cho là lớn nhất của Triều Tiên.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nêu rõ, các biện pháp trừng phạt mà HĐBA áp đặt đối với Triều Tiên kể từ năm 2006 đã không phát huy hiệu quả, trong khi chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng ngày càng tân tiến và nguy hiểm hơn bao giờ hết, bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Bà Nikki Haley nhấn mạnh, chỉ có những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất mới có thể mở đường cho các giải pháp ngoại giao trong vấn đề Triều Tiên.
Các đại diện của Nhật Bản, Pháp và Anh tại LHQ cũng nhất trí cho rằng HĐBA cần nhanh chóng thông qua một nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Tuy nhiên, đề xuất này được cho là sẽ vấp phải sự phản đối của Nga và Trung Quốc vốn cho rằng chỉ đơn thuần áp đặt trừng phạt sẽ không thể giải quyết cuộc khủng hoảng.
Nhằm đáp trả hành động được cho là “vi phạm trắng trợn”, Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí tiến hành các biện pháp quân sự đối với Triều Tiên trong thời gian sớm nhất có thể. Thậm chí, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin tuyên bố sẽ chuẩn bị một gói biện pháp trừng phạt mới, theo đó có thể cắt đứt tất cả các hoạt động thương mại của Triều Tiên.
Tuy nhiên, dẫn lời các chuyên gia phân tích, hãng CNN của Mỹ cho biết, bất chấp các lời đe dọa mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington vẫn không có bất cứ lựa chọn quân sự thực tế và thực tiễn nào đối với Triều Tiên. Theo các nhà phân tích, bất cứ hành động quân sự nào của Mỹ sẽ khiến hàng triệu dân thường ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, gặp nguy hiểm, bởi vậy điều này không thể xảy ra.
Trong khi đó, Trung Quốc tái khẳng định lập trường rằng các giải pháp quân sự không nằm trong danh sách các biện pháp mà Bắc Kinh theo đuổi để giải quyết tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng dứt khoát đối với vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vào ngày 3-9 của Triều Tiên, tuy nhiên nhấn mạnh tình hình đang vô cùng phức tạp và cần được giải quyết một cách hòa bình.
Thu Uyên