Biên phòng - Với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thời gian qua, các đối tượng buôn lậu động vật hoang dã (ĐVHD) đã bất chấp pháp luật, cấu kết với người nước ngoài, hình thành đường dây buôn lậu xuyên quốc gia để vận chuyển “hàng” từ châu Phi về Việt Nam.
Thủ đoạn tinh vi
Những năm trở lại đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện các vụ mua bán, vận chuyển ĐVHD với số lượng lớn từ châu Phi về Việt Nam qua cảng biển Tiên Sa, thành phố (TP) Đà Nẵng. Đáng chú ý, các đối tượng đã thiết lập nên các đường dây với thủ đoạn vô cùng tinh vi. Qua điều tra, lực lượng chức năng đã làm rõ thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, đó là sử dụng giấy chứng minh nhân dân của nhiều người lập ra nhiều công ty.
Điểm chung các công ty này đều đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa, lấy trụ sở ảo, không biển hiệu, không có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng có hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ các nước châu Phi về Việt Nam qua cảng Tiên Sa. Nắm rõ được thủ đoạn của các đối tượng, lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện các vụ việc “trộn” hàng cấm vào các container hàng hóa nhập khẩu.
Cụ thể: Ngày 26/3/2019, Cục Hải quan TP Đà Nẵng, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), Bộ Chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng, Đội Kiểm sát chống buôn lậu khu vực miền Trung (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan), Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Đà Nẵng) khám xét lô hàng thuộc vận đơn số MAT 800013200 gồm 3 container được vận chuyển trên tàu SUNSHINE BANDAMA nhập khẩu về cảng Tiên Sa vào ngày 20/3/2019 của Công ty TNHH Tâm Kiều (đăng kí trụ sở tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên trong container mang số hiệu PCIU 345028 có chứa 9.124kg ngà voi được giấu trong các hộp gỗ, 2 container còn lại là gỗ xẻ thành phẩm.
Tiếp đó, sáng ngày 17/7/2021, ngay sau khi lô hàng cập cảng Tiên Sa, Cục Hải quan TP Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Cảnh sát môi trường, Công an TP Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 và Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng (BĐBP TP Đà Nẵng) tiến hành khám xét một container khai báo hải quan là gỗ nhập từ châu Phi về Việt Nam. Qua kiểm tra, lực lượng liên ngành phát hiện hơn 138kg sừng động vật nghi là sừng tê giác, hơn 3,1 tấn xương hổ. Số hàng hóa trên được đóng gói bằng các thùng carton, xung quanh được quấn chặt bằng dây nilon với kích thước, chủng loại, trọng lượng khác nhau và được xếp rời trong container.
Mới đây nhất, ngày 5/1/2022, lực lượng chức năng phát hiện một container khai tên hàng hóa là hạt điều nhập từ Nigeria, nhưng bên trong chứa hơn 456kg khúc ngà voi và 6.232kg vảy tê tê. Đơn vị gửi hàng là Công ty Cargo Trade Nigeria Limited (32 Cha, Llawa Industrial Estate Kano Niger, IA, Nigeria), đơn vị nhận hàng là Công ty TNHH Quang Nhật Long (145 Đống Đa, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Xử lý mạnh tay đối tượng cầm đầu
Ngày 22/6/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Đà Nẵng) thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Đức Tài (33 tuổi, quê Hà Tĩnh) về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm được quy định tại khoản 3, Điều 244 Bộ luật Hình sự. Tài được xác định là chủ mưu trong vụ buôn lậu bị phát hiện ngày 17/7/2021 và 5/1/2022. Khám xét nơi ở của Tài, Công an thu giữ nhiều tang vật có liên quan, trong đó có một bao chứa vảy tê tê.
Bước đầu, Tài khai nhận là cất giấu để làm hàng mẫu, chào hàng cho các đầu nậu tiêu thụ. Như vậy, lực lượng chức năng đã thu giữ được tổng số tang vật là 138,784kg sừng tê giác, 3.108kg xương sư tử, 456,9kg ngà voi, 6.232kg vảy tê tê. Ước tính, tổng giá trị số hàng hóa trên lên đến 300 tỷ đồng, bởi vậy, đây là một trong những vụ buôn lậu ĐVHD với quy mô, số lượng lớn hàng đầu từ trước đến nay tại Việt Nam bị phát hiện, bắt giữ.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê từ các nước châu Phi nhập khẩu trái phép về Việt Nam chủ yếu được bán sang Trung Quốc, Lào, Campuchia. Do những năm gần đây, lực lượng chức năng các nước tăng cường kiểm tra, xử lý nạn buôn lậu các mặt hàng này nên trên thị trường chợ đen, chúng được bán với giá cao ngất ngưởng.
Cụ thể, 1kg sừng tê giác có giá dao động ở mức khoảng 100.000 USD (khoảng 2 tỷ đồng), 1kg ngà voi khoảng 3.000 USD (khoảng 60 triệu đồng), 1kg vảy tê tê khoảng 300 USD (khoảng 6 triệu đồng). Vì lợi nhuận kếch xù, các đối tượng buôn lậu ở Việt Nam bất chấp pháp luật, cấu kết với người nước ngoài, lập nên các đường dây buôn lậu xuyên quốc gia, trong đó có buôn lậu bằng đường biển. Mặc dù bị bắt, nhưng các đối tượng vẫn tiếp tục vi phạm. Điều đó lí giải vì sao bị bắt lô hàng ngày 17/7/2021, nhưng Nguyễn Đức Tài vẫn tiếp tục buôn lậu để rồi bị bắt tiếp lô hàng khác vào ngày 5/1/2022.
Theo cơ sở dữ liệu vi phạm về ĐVHD của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, tính từ năm 2018 đến nay, có gần 60 tấn ngà voi và vảy tê tê bị phát hiện và thu giữ tại các khu vực cảng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, việc điều tra, bắt giữ và xử lý những đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán ĐVHD quy mô lớn có yếu tố xuyên quốc gia không hề dễ dàng do chúng không trực tiếp thực hiện các thủ tục hải quan hay tham gia vào công đoạn buôn lậu như thu gom, đóng gói, vận chuyển.
Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, việc thu giữ hàng chục tấn ĐVHD bị buôn bán, vận chuyển trái phép là rất quan trọng. Thế nhưng, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận vấn đề xa hơn là chỉ thu giữ tang vật. “Chỉ khi những đối tượng cầm đầu bị xử lý mạnh tay, chúng ta mới có thể cho các đối tượng này và những đối tượng khác thấy được rủi ro từ hoạt động buôn bán mang lại lợi nhuận bất chính đặc biệt lớn này” - bà Hà nhấn mạnh.
Trúc Hà