Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 10/06/2023 09:37 GMT+7

Triển vọng của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

Biên phòng - Khả năng trong quý I - 2018, có 11 quốc gia sẽ ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hành trình hơn 15 năm các quốc gia thành viên đã theo đuổi, đàm phán, tranh luận và thống nhất chuẩn bị ký kết và Quốc hội các nước phê chuẩn để hiệp định thực thi vào thực tiễn, mở ra triển vọng tự do thương mại và phát triển ở khu vực năng động bậc nhất thế giới.

i694_6a
Ông Justin Trudeau, Thủ tướng Canađa tại buổi họp báo quốc tế trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Ảnh: Hải Luận

Cuộc đàm phán “nảy lửa” tại Đà Nẵng

Bên lề Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, các Bộ trưởng Tài chính (Công thương) đã đàm phán Hiệp định CPTPP hết sức căng thẳng, thậm chí có cuộc họp cấp Bộ trưởng phải họp đến 2 giờ sáng mới kết thúc. Đỉnh điểm là ông Justin Trudeau, Thủ tướng Canada không đến tham dự cuộc họp giữa 11 lãnh đạo các nước thỏa thuận Hiệp định CPTPP tại Đà Nẵng. Sau đó, đích thân Thủ tướng Canada phải tổ chức họp báo quốc tế riêng để “giải thích” lý do không có mặt trong cuộc họp.

Có lẽ, đây là hiệp định được các nước “cò cưa” lâu năm nhất, bắt đầu Hội nghị cấp cao APEC 2002, ba nguyên thủ quốc gia Chile, New Zealand, Singapore phát động đàm phán hiệp định. Đến năm 2018, có nhiều nước nộp đơn xin gia nhập và có nước xin rút khỏi hiệp định, trải qua hàng chục cuộc đàm phán cấp chuyên viên, cấp bộ trưởng, để rồi “chốt” lại bản hiệp định có 11 quốc gia: Việt Nam, Canada, Brunei, Chile, New Zealand, Singapore, Nhật Bản, Peru, Australia, Malaysia, Mexico. Tại sao hiệp định lâu ký như vậy? Thực ra, vấn đề cốt cõi nhất là lợi ích của các quốc gia.

Ông Justin Trudeau, Thủ tướng Canada thẳng thắn nói tại buổi họp báo quốc tế: “Chúng tôi đã hoàn thành rất nhiều công việc, có nhiều tiến triển, nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm. Tuy nhiên, điều quan trọng mà tôi đã nói rất nhiều lần, là chúng tôi sẽ không vội tham gia một thỏa thuận, ví dụ như CPTPP, trừ khi nó có lợi cho người Canada. Trách nhiệm của tôi là đảm bảo các hiệp định thương mại, các thỏa thuận mình ký là các hợp đồng đúng đắn cho người Canada và mang lại giá trị cho họ”. Ở nghi thức ngoại giao quốc tế, họ bắt tay và nói rất “ngọt”, nhưng khi vào đàm phán chuyện làm ăn cụ thể, họ cân nhắc từng vấn đề, nếu xét thấy bị thiệt hại, lập tức họ tranh cãi và sẵn sàng yêu cầu hủy bỏ hoặc hoãn một số điều của hiệp định gây bất lợi cho nhân dân họ.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có độ dài 8.000 trang tài liệu, bao trùm mọi vấn đề của các nước: Kinh tế, thuế quan, khoa học, công nghệ thông tin, viễn thông, văn hóa, quyền sở hữu trí tuệ, kinh tế kỹ thuật số... Dù đã trải qua hơn 15 năm đàm phán, nhưng đến tháng 11-2017, vẫn có 20 điều khoản của hiệp định bị tạm hoãn thực thi, vì nhiều nước còn đắn đo thua - thiệt.

Vai trò của Việt Nam  

Ngày 3-2-2009, Việt Nam gửi thư đến các quốc gia thành viên chính thức đề nghị tham gia đàm phán với tư cách “thành viên liên kết”. Đề nghị của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ cao của các quốc gia trong hiệp định. Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định: “Việt Nam tham gia thành công vào CPTPP đã góp phần gia tăng sự đa dạng trong khuôn khổ đàm phán hiệp định và hài hòa lợi ích, quyền lợi giữa các nền kinh tế có trình độ phát triển không tương đồng. Việt Nam hứa hẹn sẽ tạo một làn sóng đầu tư mới đối với các ngành nghề thương mại dịch vụ từ các nước thành viên”.

mfvb_6b
Hiệp định CPTPP có hiệu thực sẽ giúp nông sản Việt Nam thâm nhập các thị trường quốc tế dễ dàng. Trong ảnh: Đặc sản vải thiều huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh: Hải Luận

Năm 2017, Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định CPTPP, nhiều quốc gia lo lắng và sợ hiệp định bị “đứt gánh” nửa chừng. Việt Nam đăng cai tổ chức APEC 2017, đồng thời cùng với Nhật Bản đồng chủ trì tổ chức nhiều cuộc đàm phán “nước rút” cấp Bộ trưởng thành viên tham gia Hiệp định CPTPP. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Từ sau cuộc họp các Bộ trưởng phụ trách kinh tế của thành viên hiệp định tại Hà Nội vào tháng 5-2017, tiếp đó, lần lượt tổ chức các cuộc làm việc ở cấp Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ. Thông qua 4 vòng đàm phán, các Bộ trưởng đã thông qua nhiều nội dung. Trên cơ sở các kết quả đó, trong các phiên họp tháng 11-2017, tại Đà Nẵng, các Bộ trưởng đã nhất trí nội dung cơ bản của Hiệp định CPTPP”.

Nhật Bản với vai trò nền kinh tế lớn của thế giới, được cho là thay thế vị trí nội dung của Mỹ, đã chủ động cùng với các nước thành viên thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định CPTPP. Ông  Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Bản, chia sẻ: “Bản chất của thỏa thuận là tất cả mọi quốc gia đều đồng ý được các nội dụng của hiệp định, đó là thỏa thuận có chất lượng cao, cân bằng, có thực chất. Trong quá trình đàm phán, nếu đặt nhiều điều khoản quá ngặt nghèo thì có những thành viên muốn rời bỏ thỏa thuận này, nhưng trong trường hợp này, cả 11 thành viên đều đạt được đồng thuận. Phía Việt Nam đã rất nỗ lực tổ chức, chủ trì các cuộc đàm phán quan trọng, tiếp tục hoàn thiện toàn văn hiệp định, dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp”.

Cơ hội và thách thức

Các thỏa thuận trong các nền kinh tế thành viên APEC không mang tính ràng buộc. Còn Hiệp định CPTPP mang tính ràng buộc cao, các quốc gia có quyền khởi kiện ra toà trọng tài nếu xét thấy đối tác vi phạm hiệp định. Vì lẽ đó, các đoàn đàm phán phải “soi” thật kỹ từng vấn đề, điều khoản, tránh bị thua thiệt về phía quốc gia họ. Ông  Toshimitsu Motegi bật mí: “Trong quá trình đàm phán, nhiều thành viên đã đề xuất các điều khoản tạm hoãn. Nếu cứ đi quá sâu vào việc này có thể dẫn đến đổ vỡ thỏa thuận. Vì thành viên nào cũng muốn thêm - bớt để có lợi về phía mình. Do đó, đã thống nhất đưa ra, mỗi thành viên liệt kê danh sách các điều khoản tạm hoãn và cần có giới hạn để các thành viên có thể sớm đạt được thỏa thuận chung”.

Hiệp định CPTPP được ký kết là khu vực thương mại tự do lớn nhất gần 800 triệu dân, tổng GDP lên tới 28.000 tỉ USD, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. Đến năm 2025, CPTPP ước tính có thể đem lại gia tăng thu nhập cho nền kinh tế toàn cầu lên đến trên 100 tỉ USD. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các nền kinh tế. Điểm mấu chốt nhất là các quốc gia tiếp cận thị trường một cách toàn diện và dễ dàng.

Có ít nhất 90% các dòng thuế sẽ được cắt giảm theo lộ trình và giảm đến 0%. Ví dụ, hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam tiếp cận dễ dàng với thị trường thành viên Hiệp định CPTPP, không còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư mới, tạo ra nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu do CPTPP đem lại. Ngược lại, Việt Nam phải chịu thách thức và đối mặt với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ của các tập đoàn khổng lồ từ các nước tràn vào.

Hải Luận

Bình luận

ZALO