Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 11:07 GMT+7

Triển lãm thư, nhật ký thời chiến

Biên phòng - Chào mừng kỷ niệm 43 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2018). Ngày 26-4, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã tổ chức triển lãm “Thư, nhật ký thời chiến”. Tới dự triển lãm có Trung tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, cùng các đồng chí lãnh đạo quân, binh chủng; đại diện chủ nhân, thân nhân các trang thư, nhật ký được giới thiệu tại triển lãm.

yuhgfwp81d-75277_1407350873141658673_anh_2
Các đại biểu cắt băng triển lãm “Thư, nhật ký thời chiến”. Ảnh: Kim Nhượng

Thư, nhật ký thời chiến là cầu nối giữa tiền tuyến, hậu phương và ngược lại, là nơi con người gửi gắm, bày tỏ tâm tư tình cảm chân thật về cuộc chiến tranh, phản ánh sinh động cuộc sống thời chiến. Những lá thư, những trang nhật ký thời chiến được viết mọi lúc, mọi nơi, có khi ở dưới hầm trú ẩn, lúc dừng chân trên đường hành quân ra trận, hoặc trong khoảng khắc bình yên giữa hai trận đánh.

Do sự tàn khốc trong chiến tranh, những cánh thư đi về không trọn vẹn, có khi mất tới cả năm, người thân mới nhận được. Nhiều lá thư, cuốn nhật ký đã cũ, phai bạc theo năm tháng, nét chữ bị nhòe đi do điều kiện chiến tranh và môi trường khắc nghiệt. Qua mỗi trang thư, nhật ký thời chiến, người xem hiểu thêm được những hy sinh nơi sâu thẳm trái tim của mỗi người chiến sỹ nơi tuyền tuyến, người ở lại hậu phương.

rvd09xjcs4-75277_450524526370957666_anh_1
Đại tá Phạm Văn Phi, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phát biểu khai mạc buổi triển lãm. Ảnh: Kim Nhượng

Trong buổi triển lãm “Thư, nhật ký thời chiến” Ban Tổ chức đã giới thiệu gần 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu và được chia làm 3 phần: Phần mở đầu giới thiệu một số thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội đã viết để cổ vũ, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận. Phần 2 là những bức thư của cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận gửi về hậu phương và người thân ở hậu phương gửi ra mặt trận. Phần 3 trưng bày những cuốn nhật ký viết tại chiến trường, ghi chép về quá trình chiến đấu, công tác, học tập, những tâm tư, tình cảm và tinh thần lạc quan yêu đời của người lính.

fd584bvuy6-75277_1853782696833748237_anh_3
Bà Hạ Thị Ho xúc động khi nhìn lại những trang thư của con trai mình là liệt sĩ Nguyễn Văn Dân, hy sinh tại mặt trận phía Nam. Ảnh: Kim Nhượng

Triển lãm cho người xem thêm một cách tiếp cận về chiến tranh với tình yêu quê hương, đất nước, con người và thiện chí hòa bình để cuộc chiến tương tự không còn lặp lại.

Triển lãm còn góp phần tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hiểu về truyền thống lịch sử, trên cơ sở đó xây dựng ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt nam trong tình hình mới.

Kim Nhượng

Bình luận

ZALO