Biên phòng - Từ ngày 30-10 đến 8-11, tại công viên Sun World Hạ Long (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) diễn ra Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam 2018. Triển lãm là một “điểm nhấn” trong chuỗi các sự kiện văn hóa nghệ thuật của Năm Du lịch quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh. Không chỉ giúp công chúng cảm nhận sâu sắc về cuộc sống, văn hóa, thiên nhiên, con người của vùng đất Hạ Long - Quảng Ninh nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, những tác phẩm ảnh được giới thiệu tại triển lãm còn góp phần quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu, phát triển du lịch Việt Nam đến du khách trong nước và quốc tế.

Được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần, Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam (trước đây gọi là Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc) nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động sáng tạo nghệ thuật nhiếp ảnh, đồng thời là dịp để tập hợp lực lượng sáng tác ảnh trong cả nước; giới thiệu đến công chúng thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật của giới nhiếp ảnh Việt Nam trong 2 năm qua.
Năm 2018, Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam được phát động với chủ đề là “Hạ Long - Quảng Ninh - Góc nhìn mới” và chủ đề sáng tác “Tự do”. Sau gần 3 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 10.190 tác phẩm của 1.436 nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước gửi tham dự. Hội đồng nghệ thuật đã chấm, chọn ra 245 tác phẩm trưng bày triển lãm, trong đó có 22 tác phẩm xuất sắc được lựa chọn để trao giải (5 giải thưởng chủ đề “Hạ Long - Quảng Ninh - Góc nhìn mới” và 17 giải thưởng chủ đề sáng tác “Tự do”), gồm: 2 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, 6 Huy chương Đồng và 10 giải Khuyến khích.
Theo nhận định của Ban tổ chức, đây là triển lãm ảnh có số lượng tác phẩm tham dự nhiều và số lượng tác giả tham dự đông nhất trong những năm gần đây do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Không chỉ thu hút đông đảo tác giả tham gia, các tác phẩm dự thi cũng được đánh giá cao về chất lượng.
Theo ông Mã Thế Anh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật: “Các tác phẩm trong triển lãm lần này chất lượng nghệ thuật tốt, giá trị thẩm mỹ cao, có tìm tòi, sáng tạo trong bố cục, góc máy, tạo được hiệu quả thị giác ấn tượng, phong phú, đáp ứng được tiêu chí mà Ban tổ chức đặt ra; nhiều tác phẩm được sáng tác mới, đa dạng, có góc máy độc đáo, tư duy tốt, bộ ảnh mới lạ và sáng tạo”.
245 tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm thể hiện những góc nhìn chân thực và sống động về những vấn đề của cuộc sống đương đại, đồng thời, lột tả vẻ đẹp con người, văn hóa, phong cảnh trên mọi miền Tổ quốc. Người xem như được hòa mình trong “Lễ hội cầu nước” ở thôn Yên Yên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; thưởng thức bức tranh tuyệt đẹp của “Sa Pa mùa tuyết rơi”, nét đặc trưng của miền Tây Nam bộ trong “Vị ngọt Cửu Long”, hay khoảnh khắc bình yên ở những “Ngôi nhà giữ biển” (Nhà giàn DK1-Vùng 2 Hải quân).
Những ngôi nhà bình dị được làm từ đất, đá, gỗ và ngói là một nét duyên thầm kín của Hà Giang cũng đã được thu vào ống kính của tác giả Lê Hữu Dũng trong bộ ảnh “Giữ gìn nét xưa”. Những con đường mới, những giao lộ lớn được hình thành đã tô điểm vẻ đẹp của thành phố Hồ Chí Minh được tác giả Giang Sơn Đông thu lại trong bộ ảnh “Những con đường tỏa sáng”. Và không thể không nhắc đến những khoảnh khắc vô cùng ấn tượng trong các tác phẩm ảnh đơn “Đưa tang ngày lũ”, “Cố lên!”, “Đôi mắt Ba Na”, “Mùa vàng Bắc Sơn”, “Bứt tốc”...
Đặc biệt, bộ ảnh chủ đề “Hạ Long - Quảng Ninh - Góc nhìn mới” đã phản ánh sinh động hiện thực của cuộc sống, vẻ đẹp con người, văn hóa, phong cảnh, du lịch... đem đến cho người xem những hiểu biết sâu sắc hơn về vùng đất và con người Quảng Ninh. Nếu bộ ảnh “Hạ Long nhìn từ trên cao” (tác giả Huỳnh Văn Truyền) cho thấy vẻ đẹp cũng như sự phát triển đi lên của thành phố biển thì bộ ảnh “Bạch Đằng những khoảnh khắc” (tác giả Nguyễn Tuấn Anh) lại ghi dấu thời khắc hết sức đặc biệt trong ngày hợp long cây cầu trên tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng.
Và ấn tượng không kém là bộ ảnh “Người Dao bên cột mốc 1327”. Bộ ảnh được Trần Cao Bảo Long chụp tháng 5-2018 khi anh đến thị trấn Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh công tác. Bản người dân tộc Dao đỏ ở vùng biên giới Việt-Trung được phản ánh trong bộ ảnh với sắc phục truyền thống và những bữa ăn no đủ, cuộc sống sung túc... như một mình chứng cho cuộc sống yên vui, hạnh phúc của người dân nơi đây.
Có thể nói, dù vẫn còn một số hạn chế nhất định như có tác giả còn đi theo lối mòn, chưa bứt phá, tìm tòi, sáng tạo, tư duy mới như mong đợi của Ban tổ chức và còn có hiện tượng quá lạm dụng vào photoshop..., tuy nhiên, đa số các tác phẩm đều có ngôn ngữ ảnh độc đáo, ấn tượng, giàu tính chân, thiện, mỹ, giúp người xem cảm nhận được hơi thở của cuộc sống đương đại; đồng thời cho thấy những bước tiến đáng kể của giới nhiếp ảnh Việt Nam. Đây cũng điều mà không chỉ giới nhiếp ảnh, mà cả công chúng mong đợi và kỳ vọng.
Đặng Thủy