Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:43 GMT+7

Triển khai toàn diện công tác dân tộc gắn với thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia

Biên phòng - Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn xác định công tác dân tộc (CTDT) có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng ta luôn đề ra đường lối, chủ trương, chính sách để không ngừng củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP.

Đối với Quân đội, việc thực hiện CTDT được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu, ngày 05/10/2012, Thường vụ Quân ủy Trung ương ban hành Chỉ thị số 572-CT/QUTW “Về Quân đội thực hiện CTDT trong tình hình mới” (viết tắt là Chỉ thị 572); tiếp đó, ngày 16/10/2012, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam có Hướng dẫn số 1617/HD-CT về thực hiện Chỉ thị 572. Điều đó đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và CTDT; đồng thời, xác định đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị về CTDT trong thời kỳ mới.

Khu vực biên giới (KVBG) nước ta có 1.083 xã, phường, thị trấn thuộc 233 huyện, quận, thị xã; 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; có 51 dân tộc anh em cùng sinh sống, dân số khoảng 2,4 triệu hộ/9,7 triệu khẩu, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 16,15%. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS ở KVBG, nhờ đó, đời sống của đồng bào tại địa bàn này ngày càng ổn định, từng bước phát triển, quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, tăng cường. Tuy nhiên, cho đến nay, KVBG vẫn là địa bàn khó khăn, chậm phát triển so với các địa bàn khác, hệ thống cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, văn hóa... chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Đời sống của một bộ phận Nhân dân, nhất là DTTS còn thiếu thốn, hộ nghèo chiếm khoảng 6,3%; hộ cận nghèo chiếm 4,9%; hộ chưa có điện lưới quốc gia chiếm 0,75%; hộ thiếu đất sản xuất chiếm 1,15%, một số bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc đang bị mai một, biến dạng, một số hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại. Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã và đang ráo riết lợi dụng những vấn đề về dân tộc, tôn giáo ở KVBG để tiến hành các hoạt động tuyên truyền, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Quán triệt, thực hiện Chỉ thị 572, từ năm 2012 trở lại đây, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai toàn diện các nội dung CTDT gắn với thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đến nay, bằng nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, cách làm hay, sáng tạo, BĐBP đã thiết thực góp phần làm thay đổi rõ nét diện mạo vùng đồng bào DTTS, đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng lên, KVBG ngày càng vững mạnh. Bức tranh chung có gam màu tươi sáng đó được thể hiện trên một số nội dung nổi bật sau:

Thứ nhất, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các đơn vị BĐBP đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế trên các tuyến biên giới, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Điển hình là đã triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo” giai đoạn 2013-2016 và giai đoạn 2017-2021, tổ chức Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất nhập cảnh trái phép” ở KVBG với những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Quá trình tổ chức thực hiện, đã xuất hiện nhiều mô hình hay như: “Thôn, bản không có hoạt động tôn giáo trái pháp luật”, “Thôn không có người vi phạm pháp luật”, “Dòng họ gương mẫu”, “Gia đình người Mông văn hóa”, “Phòng đọc biên giới”, “Tiếng loa Biên phòng”, “Tiếng kẻng vùng biên”...

Cùng với đó là các hoạt động xây dựng tủ sách, ngăn sách pháp luật ở các đơn vị BĐBP và các xã biên giới, đặc biệt, việc tổ chức Cuộc thi tìm hiểu Luật Biên giới quốc gia; “Biên giới và BĐBP”; tổ chức các hội nghị tập huấn Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết đã giúp cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc nắm vững đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, góp phần củng cố thế trận biên phòng toàn dân, nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền với nội dung tập trung vào những vấn đề mới, có trọng tâm, trọng điểm, liên quan trực tiếp đến địa phương và đồng bào các dân tộc cũng được đẩy mạnh. Các đơn vị BĐBP đã phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức cho đồng bào các dân tộc thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng làng, bản, dòng họ, gia đình văn hóa... Qua công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo; góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, kiềm chế tội phạm, đồng thời, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và sức mạnh của Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Thứ hai, BĐBP tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS ở KVBG vững mạnh toàn diện. 10 năm qua, trên cơ sở quy chế phối hợp giữa Đảng ủy BĐBP với các tỉnh, thành ủy biên giới và thực hiện Kết luận số 68-KL/TW ngày 5/2/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã thống nhất với các địa phương triển khai thực hiện một số chủ trương về BĐBP tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, cụ thể là chỉ định cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã.

Theo đó, nhiệm kỳ 2020-2025, có 165 cán bộ Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện; 517 đồng chí tham gia cấp ủy cấp xã. Bên cạnh đó, BĐBP còn tăng cường 311 cán bộ cho các xã biên giới; giới thiệu 2.388 đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại 1.806 chi bộ thôn, bản biên giới. Trên các cương vị công tác, đội ngũ cán bộ, đảng viên đồn Biên phòng đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm được giao, cùng với cấp ủy các xã, phường, thị trấn biên giới đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Song song với đó, các đơn vị BĐBP còn trực tiếp tham mưu, giúp đỡ các chi bộ thôn, bản duy trì, đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng; chú trọng bồi dưỡng, phát huy vai trò, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo của cấp ủy viên; quản lý, rèn luyện đội ngũ đảng viên và nâng cao hiệu quả công tác phát triển đảng, nhất là đảng viên người đồng bào DTTS. Qua đó, phát triển được 18.948 đảng viên, trong đó có 5.796 đảng viên là người DTTS; xóa 365 thôn, bản “trắng” đảng viên và tổ chức đảng, từng bước xây dựng đội ngũ đảng viên, tổ chức đảng ở cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới.

Trong các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhất là ở cấp xã biên giới, BĐBP đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát hiện, lựa chọn cán bộ đủ tiêu chuẩn bầu vào cơ quan chính quyền các cấp, trong đó, có nhiều cán bộ người DTTS tại chỗ, đồng thời, giới thiệu cán bộ Biên phòng tham gia ứng cử, bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp tại địa bàn biên giới. Hiện nay, BĐBP có 2 đại biểu Quốc hội; 26 đại biểu HĐND tỉnh; 74 đại biểu HĐND huyện; 155 đại biểu HĐND xã. Đội ngũ này đã góp phần quan trọng trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở KVBG ngày càng vững mạnh.

Thứ ba, BĐBP tích cực tham gia phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở KVBG, làm thay đổi diện mạo đời sống mọi mặt ở địa bàn này. Từ năm 2012 đến nay, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, nhất là Chương trình phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Ủy ban Dân tộc; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam triển khai nhiều chương trình, hoạt động hướng về đồng bào các dân tộc ở KVBG, hải đảo.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành thực hiện có hiệu quả các chương trình như: Tặng 25.098 con bò giống cho người nghèo nơi biên giới với tổng giá trị trên 376 tỷ đồng trong Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”; huy động kinh phí hơn 150 tỷ đồng thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; thực hiện có hiệu quả các Đề án: “Bảo tồn và phát triển dân tộc Chứt” ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh; “Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ” ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu; “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai” ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An...

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng đã chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát, đánh giá cụ thể về tình hình phát triển KT-XH của địa phương, đề ra chủ trương, giải pháp và đề xuất phương án đầu tư, hỗ trợ. Đồng thời, triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, phát triển KT-XH, xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương, như: Chương trình 135, 134, 167, Nghị quyết 30a, Nghị quyết 80 của Chính phủ, Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Tính đến nay, BĐBP đã nhận đỡ đầu 87 xã ở KVBG; triển khai các mô hình giúp dân phát triển KT-XH, trong đó, mỗi đồn Biên phòng lựa chọn ít nhất 1 mô hình giúp dân phát triển kinh tế; phân công hàng nghìn lượt đảng viên đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở KVBG, trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ Nhân dân lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình...

Đặc biệt, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị BĐBP tích cực, chủ động phối hợp, tham gia nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở KVBG, nhất là vùng đồng bào DTTS, với những việc làm thiết thực, cụ thể như: Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Chương trình “Đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập” ở địa bàn biên giới, hải đảo; tổ chức Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, hằng năm, hỗ trợ gần 3.000 lượt em học sinh có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng; các đồn Biên phòng nhận nuôi 359 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; mở các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, lớp học tình thương cho con em đồng bào DTTS; tuyên truyền, vận động trẻ em người DTTS trong độ tuổi đến trường, học sinh bỏ học trở lại trường; phối hợp vận động hỗ trợ trang thiết bị dạy học cho các nhà trường, tu sửa, từng bước kiên cố hóa trường học, xóa các phòng học tranh tre, nhà tạm...

Thứ tư, BĐBP thực hiện tốt chính sách dân tộc đối với quân nhân là DTTS. Trong công tác tuyển quân hằng năm, các đơn vị BĐBP đã tham mưu, đề xuất với Hội đồng nghĩa vụ quân sự địa phương ưu tiên tuyển chọn thanh niên ở KVBG nhập ngũ vào BĐBP. Từ năm 2012 đến năm 2022, lực lượng BĐBP đã tuyển nhận 67.921 chiến sĩ mới, trong đó, có 17.791 chiến sĩ mới là người DTTS, chiếm tỉ lệ 26,2%. Đến nay, nhiều đồng chí sau khi hết nghĩa vụ quân sự trở về địa phương đã phát huy được năng lực, giữ các chức vụ chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương ở KVBG.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, BĐBP Hà Giang thường xuyên xuống địa bàn nắm tình hình, động viên đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Văn Quý

Các cấp ủy, tổ chức đảng trong BĐBP cũng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, đào tạo nghề đối với quân nhân là người DTTS. Kết quả, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, 100% đồng chí được kết nạp vào Đoàn, 4.019 đồng chí đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng; 3.657 đồng chí được đào tạo nghề. Khi xuất ngũ, đội ngũ này đã phát huy vai trò nòng cốt, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, xây dựng cơ sở chính trị, thực sự trở thành cầu nối giữa Nhân dân với cấp ủy chính quyền ở cơ sở.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/ĐU ngày 12/7/2001 của Đảng ủy BĐBP về việc xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc trong BĐBP. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp luôn quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch, sử dụng, phát triển đội ngũ cán bộ là người DTTS ở từng cơ quan, đơn vị; chủ động mở và liên kết, phối hợp với các trường trong và ngoài Quân đội, các cơ quan liên quan để mở các lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc và học tiếng dân tộc tại chỗ cho cán bộ, chiến sĩ.

Công tác tuyển sinh đối với quân nhân là người DTTS trong lực lượng luôn được quan tâm và chỉ đạo chặt chẽ. 10 năm qua, các học viện, nhà trường của BĐBP đã đào tạo 587 sĩ quan, 1.046 quân nhân chuyên nghiệp là con em đồng bào DTTS. Đội ngũ cán bộ là người DTTS cơ bản phát huy tốt vai trò trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều đồng chí cán bộ BĐBP là người DTTS được đào tạo, quy hoạch, phát triển giữ các chức vụ chủ chốt ở các cấp trong BĐBP; đội ngũ cán bộ là người DTTS từng bước được bổ sung, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy, phát triển.

Hiện nay, cán bộ là người DTTS trong lực lượng BĐBP có 1.691 sĩ quan (chiếm 14,65%), quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng: 1.991 đồng chí (chiếm 11,06%); có 1 đồng chí là Thủ trưởng Bộ Tư lệnh; 4 đồng chí là chỉ huy Bộ Tham mưu, các Cục; 120 đồng chí là chỉ huy BĐBP cấp tỉnh. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn xây dựng, phát huy tốt tinh thần đoàn kết, gắn bó với đồng bào các dân tộc ở KVBG, giữ nghiêm kỷ luật trong quan hệ với Nhân dân.

Những năm tới, Đảng, Nhà nước và các địa phương sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư mọi mặt cho KVBG nói riêng, vùng đồng bào DTTS nói chung, song, trên thực tế, những vấn đề khó khăn, vướng mắc khó có thể giải quyết triệt để một sớm, một chiều. Để đáp ứng yêu cầu tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP xác định thực hiện tốt CTDT là giải pháp quan trọng, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài, trong đó, gắn thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia với CTDT trong tình hình mới là một giải pháp cần đặc biệt ưu tiên. Quán triệt quan điểm đó, thời gian tới, các đơn vị BĐBP cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa các quan điểm, nhiệm vụ, chủ trương, giải pháp CTDT của Đảng, Nhà nước, Quân đội sát tình hình thực tế và nhiệm vụ của đơn vị, nhằm bảo đảm cho CTDT của BĐBP đi vào nề nếp, hướng mạnh về cơ sở. Không ngừng đổi mới và đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động Nhân dân, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong củng cố, phát huy vai trò của hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS. Tích cực tham gia phát triển KT-XH, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, phòng, chống có hiệu quả chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phát huy sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp trong thực hiện CTDT của BĐBP.

Hai là, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cấp ủy đảng trong BĐBP với cấp ủy đảng địa phương các cấp; chủ động làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong quán triệt và triển khai thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, Quân đội; kịp thời có chủ trương, giải pháp tham mưu giải quyết các vấn đề lớn về dân tộc ở KVBG. Duy trì, bổ sung chương trình phối hợp với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương trong tổ chức các hoạt động hướng về biên giới, vùng đồng bào DTTS.

Ba là, tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ BĐBP tham gia cấp ủy cấp tỉnh, huyện, xã; cán bộ là đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; cán bộ tăng cường xã, đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt ở chi bộ thôn, bản biên giới trong tham mưu, tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xóa các thôn, bản “trắng” đảng viên, đảm bảo sức chiến đấu, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương ở KVBG.

Bốn là, phối hợp làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách dân tộc, các chủ trương, chính sách đầu tư phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân ở KVBG...

Năm là, tiếp tục duy trì, nhân rộng các phong trào, chương trình, mô hình của BĐBP giúp đồng bào các dân tộc ở KVBG phát triển KT-XH, trọng tâm trước mắt là các chương trình: “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh” và Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” cho các đối tượng thụ hưởng là con em vùng đồng bào DTTS ở KVBG.

Sáu là, tiếp tục quan tâm, chăm lo xây dựng, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người DTTS tại địa phương thuộc KVBG. Phối hợp mở các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc về kiến thức, cách làm kinh tế hộ gia đình. Chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác vận động quần chúng của BĐBP. Đồng thời, tăng cường công tác bồi dưỡng, giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ BĐBP là người DTTS có đủ phẩm chất và năng lực công tác...

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP

Bình luận

ZALO