Biên phòng - Chỉ còn thời gian rất ngắn để Việt Nam chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) nhằm gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản Việt Nam (dự kiến tháng 6/2023). Hiện nay, các cấp chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan và BĐBP theo chức năng, nhiệm vụ của mình đang tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, với quyết tâm cao nhất để gỡ được “thẻ vàng” cho ngành thủy sản Việt Nam. Phóng viên Báo Biên phòng có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh BĐBP về những giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới.
- Theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của BĐBP qua các hoạt động tuần tra, quản lý và giải quyết các vấn đề liên quan đến việc ngư dân nước ta khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài, Thiếu tướng đánh giá như thế nào về việc chấp hành pháp luật của ngư dân nước ta?

- Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của ngư dân theo hướng tích cực, nhận thức pháp luật của ngư dân đang dần được cải thiện. Minh chứng cho điều đó là các vụ việc tàu cá của ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài giảm dần hằng năm, trong đó, năm 2017 xảy ra 93 vụ với 163 tàu và 1.440 ngư dân; năm 2022 xảy ra 30 vụ với 44 tàu và 305 ngư dân. So sánh từ năm 2017 đến năm 2022, giảm 63 vụ với 119 tàu và 1.135 ngư dân, giảm 17,7% số tàu vi phạm. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động ngư dân của các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương hiệu quả còn thấp; ý thức tuân thủ pháp luật của một số ngư dân chưa nghiêm túc, vì lợi ích kinh tế cố tình khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài...
- Đến nay, có rất nhiều địa phương đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình sử dụng và quản lý. Theo Thiếu tướng, cần có biện pháp như thế nào để tất cả các chủ tàu cá chấp hành nghiêm quy định khi khai thác hải sản ở vùng biển xa?
- Tính đến thời điểm hiện nay, số lượng tàu cá của ngư dân nước ta đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo khuyến nghị của EC là 28.519 tàu/29.930 tàu, đạt tỷ lệ 95,29%. Số chưa lắp đặt là 1.411 tàu, số này chủ yếu nằm bờ, hết thời hạn đăng ký, đăng kiểm, không còn khả năng hoạt động. Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật của một số ngư dân, nhất là các chủ tàu, thuyền trưởng còn hạn chế, dùng nhiều thủ đoạn trốn tránh lực lượng chức năng như: Tháo hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình, không đóng phí vệ tinh hàng tháng.
Đáng lưu ý, thời gian gần đây xảy ra tình trạng thuyền trưởng tự ý tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình gửi sang tàu khác để tránh bị lực lượng chức năng quản lý, giám sát vị trí tàu. Điển hình như BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu, BĐBP Kiên Giang và lực lượng Cảnh sát Biển phát hiện 4 vụ với 4 tàu và 68 thiết bị giám sát hành trình. Bên cạnh đó, trên thực tế đã xảy ra một số lỗi kỹ thuật làm mất tín hiệu trên tàu cá...
Do vậy, biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm quy định về việc lắp đặt, duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình, đó là: Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những vướng mắc, bất cập, khó khăn trong thực hiện; tham mưu, đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí lắp đặt, duy trì hoạt động của hệ thống giám sát hành trình; ban hành quy chuẩn quốc gia về thiết bị giám sát hành trình và quy định cụ thể về trách nhiệm của các đơn vị cung cấp thiết bị trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng do lỗi kỹ thuật.
- Những hình thức xử phạt hiện nay với các tàu cá vi phạm đã đủ sức răn đe chưa, thưa Thiếu tướng?
- Việt Nam đã luật hóa và thiết lập khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành và phân cấp triệt để cho địa phương. Đặc biệt, Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã hình thành định hướng phát triển, cơ sở pháp lý xử phạt các hành vi vi phạm khai thác IUU. Tuy nhiên, cần có sự triển khai thống nhất giữa các địa phương, lực lượng chức năng. Tránh tình trạng có nơi xử phạt nghiêm, có nơi xem nhẹ. Như vậy mới tăng cường tính răn đe với các trường hợp cố tình vi phạm.
- Theo Thiếu tướng, chúng ta cần có những giải pháp nào để tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài không tái diễn?
- Để ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm, các ngành chức năng cần tăng cường tổ chức tuyên truyền chuyên sâu, thực hiện kế hoạch 180 ngày chống khai thác IUU theo Quyết định số 81/QĐ-TTg, ngày 13/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ; các cơ quan báo chí thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kết quả thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống khai thác IUU. Đồng thời, cần tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để xác lập biện pháp quản lý chặt chẽ từ sớm các trường hợp tàu cá thuộc nhóm có “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài; kịp thời phát hiện và đấu tranh, xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm về IUU theo Điều 60 của Luật Thủy sản năm 2017.
Cùng với đó, tăng cường hiệu quả công tác quản lý người, tàu cá trước khi xuất, nhập bến và khi hoạt động trên biển, bảo đảm 100% tàu cá ra khơi có đầy đủ giấy tờ, trang thiết bị an toàn kỹ thuật theo quy định, nhất là đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; kiểm tra, giám sát 100% tàu đánh bắt hải sản, tàu vận chuyển, chuyển tải hải sản, sản phẩm hải sản có nguồn gốc khai thác đến các cảng chỉ định để thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu quá cảnh hải sản, sản phẩm hải sản trước khi thực hiện thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng.
- Để ngăn chặn tình trạng tàu cá của ngư dân nước ta vi phạm vùng biển nước ngoài, BĐBP đã triển khai những giải pháp nào, thưa Thiếu tướng?
- Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo đồng bộ các biện pháp phòng, chống khai thác IUU; gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời khắc phục, điều chỉnh, bổ sung các biện pháp thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU. Trong đó, BĐBP xác định việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm phòng, chống khai thác IUU đúng chủ trương, đối sách, pháp luật của Việt Nam và luật pháp quốc tế. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với các Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố tuyến biển tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cấp bách nhằm ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác IUU theo Công văn số 4198/BĐBP-TS ngày 13/10/2021 của Bộ Tư lệnh BĐBP về việc phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cấp bách nhằm ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác IUU.
Thứ hai, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Hải quân, Cảnh sát Biển, Kiểm ngư, Công an địa phương nắm chắc tình hình, kịp thời chia sẻ, phối hợp kiểm tra thông tin về hoạt động của tàu cá, ngư dân để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát tàu cá và kịp thời xử lý các vi phạm. Tăng cường công tác quản lý, điều tra cơ bản đối với tàu cá, ngư dân. Phân loại rõ từng nhóm tàu cá để xác lập biện pháp quản lý chặt chẽ từ sớm các trường hợp thuộc nhóm có “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài.
Kết hợp chặt chẽ giữa biện pháp quản lý hành chính với tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục cho các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết… để vận động họ trực tiếp tham gia vào công tác chống khai thác IUU. Kiên quyết xử lý và tham mưu cho địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tổ chức thông báo, công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để tăng cường giáo dục, răn đe, từ đó, nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức tự giác chấp hành pháp luật đối với ngư dân; xác định rõ không có “vùng cấm” trong xử lý và tham mưu cho địa phương xử lý vi phạm về IUU.
Thứ ba, phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ các tàu cá của địa phương khác đến địa phương mình hoạt động hoặc trốn, tránh xử lý vi phạm IUU; tham mưu đúng, trúng, kiên quyết không để xảy ra tình trạng địa phương này xử lý nhẹ tay so với địa phương khác dẫn đến tình trạng tàu cá ở địa phương này chạy sang địa phương khác tạm trú hoạt động làm ảnh hưởng đến kết quả công tác đấu tranh chống khai thác IUU của cả hệ thống chính trị.
Thứ tư, phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới biển, đảo chấp hành nghiêm quy định của pháp luật với nhiều nội dung phong phú, hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả. Tăng thời lượng, chất lượng thông tin tuyên truyền; phát huy tác dụng nêu gương, nhân rộng gương điển hình tiên tiến trong đấu tranh chống khai thác IUU để động viên, khích lệ kịp thời. Đặc biệt, là phối hợp duy trì hoạt động của các tổ tàu thuyền đoàn kết, an toàn, bến bãi tự quản, tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tố giác tội phạm các hoạt động vi phạm pháp luật trên biển.
Thứ năm, phối hợp với ngành thủy sản tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thủy sản qua hoạt động cập cảng, lên cá của tàu nước ngoài theo Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của FAO; khai thác hệ thống giám sát hành trình tàu cá toàn quốc, thông tin chia sẻ qua hộp thư điện tử; thường xuyên phối hợp quản lý, theo dõi, giám sát và kịp thời có các biện pháp ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác IUU.
- Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
Trần Đức (Thực hiện)