Biên phòng - Với hoài bão được thử sức, cống hiến, nhiều bạn trẻ đã tình nguyện mang theo tri thức và quyết tâm đến vùng sâu, vùng xa với mong muốn được góp sức mình làm đổi thay đời sống người dân ở những miền quê nghèo.

Chọn nơi gian khó để trưởng thành
6 năm trước, chàng trai miền quan họ Bắc Ninh Đàm Đức Đông (sinh năm 1989) về giữ cương vị Phó Chủ tịch xã Hồ Bốn, xã xa nhất huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái (theo Dự án 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã). Xã Hồ Bốn, cuộc sống của đồng bào còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm tới 90%. Những ngày đầu đặt chân đến Hồ Bốn, Đông xác định việc đầu tiên của anh là phải thích nghi, tích cực học hỏi để làm việc phù hợp với điều kiện địa phương. Vậy mà, khi tiếp cận với thực tế, anh vẫn không hình dung hết được nỗi khó khăn gặp phải, như xã có tới 4/8 bản chưa có điện, chưa có sóng điện thoại, đường giao thông nối giữa các bản chỉ đi được mùa khô, có nơi phải cuốc bộ cả buổi men theo đường núi...
Bỡ ngỡ, khó khăn, nhưng chưa bao giờ anh có ý định từ bỏ. Là một thanh niên trẻ ở miền xuôi lên, đòi hỏi Đông phải rất nỗ lực để khẳng định bản thân. Là Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa, xã hội, nhưng với lòng nhiệt huyết, anh xung phong làm cả việc vận động nhân dân chuyển đổi diện tích lúa nương sang trồng ngô, hay trồng rừng và chỉ huy chữa cháy rừng, làm đường giao thông, xây trường, lớp học...
Nhưng, điều không may mắn đã đến với anh. Anh bị tai nạn giao thông, 4 lần mổ, chân của anh vẫn chưa bình thường trở lại. Anh không thể đi được trên đoạn đường dốc, không thể một mình chạy xe máy vượt qua những con đường núi cao đầy sỏi đá để vào bản... Dự án kết thúc vào tháng 6-2017, Đàm Đức Đông đành đề đạt nguyện vọng, trở lại quê hương.
Chị Lý Thị Huyền đã xây dựng gia đình trước khi về làm Phó Chủ tịch xã Cao Tân, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Cô gái tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên này bộc bạch: Cơ hội để được lao động, cống hiến ai cũng mong mỏi, nhưng vợ chồng Huyền phải đấu tranh quyết liệt. Bởi quãng đường từ nhà ở thành phố Bắc Kạn lên huyện nghèo Pác Nặm dài 100 cây số, qua đủ các loại đèo cao, vực sâu và sự trăn trở lớn nhất khi ấy, là cô con gái đầu lòng kháu khỉnh của Huyền mới hai tuổi, nếu chị đi, con sẽ vắng mẹ... Được chồng động viên, Huyền đã quyết tâm lên đường nhận nhiệm vụ. Những ngày mới nhận công tác, thấy cô gái còn quá trẻ, nhiều cán bộ xã nhìn ái ngại, lo cho chị không biết có đủ sức khỏe để lên bản không.
Bước vào công tác, những chuyến đi bản liên tục trong 45 ngày đầu như một thách thức mà nhiều lúc Huyền tưởng như không thể vượt qua. Nhiều hôm lên bản gặp trời mưa, chị phải lội bộ cả chục cây số, nửa đêm mới về đến xã. Một lãnh đạo xã Cao Tân, huyện Pác Nặm nhận xét, cán bộ trẻ năng nổ nhiệt huyết như Huyền chính là điều các địa phương vùng sâu, vùng xa đang thiếu. Những dự án kinh tế do Huyền phụ trách như gieo sạ lúa, hỗ trợ nuôi trâu bò sinh sản, nuôi gà thả vườn... đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Nhờ vậy, kết thúc 5 năm làm nhiệm vụ theo dự án, Huyền đã được quy hoạch bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Cao Tân.
Hai trí thức trẻ trong Dự án 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã kể trên là hai ví dụ khá điển hình về sự nhiệt tình của những người đã tham gia dự án.
Để trí thức trẻ được cống hiến hết mình
Dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ có trình độ đại học về làm Phó Chủ tịch các xã thuộc 64 huyện nghèo trong cả nước đã kết thúc. Có trên 80% số Phó Chủ tịch xã trẻ này được bố trí làm công chức, còn lại gần 20% chưa được bố trí. Chị Nguyễn Thị Thanh Lam, người từng có 5 năm làm Phó Chủ tịch xã ở Yên Bái cho rằng, những ai tâm huyết với công việc đều mong muốn được gắn bó lâu dài tại nơi công tác. Thế nhưng khi kết thúc dự án, chính quyền địa phương không chỉ cấp xã, mà cả cấp huyện khó bố trí công việc cho họ, vì phải tinh giản biên chế và không có chỉ tiêu tuyển cán bộ.
Được biết, hiện Bộ Nội vụ đang đồng thời triển khai Dự án 500 trí thức trẻ làm công chức cấp xã, đến năm 2020. Nhiều trí thức trẻ thuộc dự án này mà chúng tôi gặp đều có sự háo hức nhận nhiệm vụ, song vẫn có những băn khoăn là khi dự án kết thúc, họ sẽ đi đâu, về đâu. Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ cho rằng, thời gian tới, từ phía địa phương phải xem các đội viên trí thức trẻ là cán bộ của mình và có phương án bố trí sử dụng sao cho hiệu quả.
Phía những trí thức trẻ, bên cạnh công tác chuyên môn, cần tham mưu, đề xuất các chương trình, đề án, mô hình về phát triển kinh tế địa phương, phát triển cộng đồng, thể hiện hết sự sáng tạo và lòng nhiệt huyết của mình. Như vậy thì đề án mới hiệu quả, góp phần đào tạo một lớp cán bộ tốt để các địa phương quy hoạch, bố trí sử dụng.
Tuyển chọn đưa trí thức trẻ về với đồng bào còn khó khăn cũng chính là giúp đồng bào thoát nghèo một cách bền vững. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tuyển chọn trí thức trẻ cần bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn của địa phương, đang thiếu cán bộ ở lĩnh vực nào. Với các địa bàn khó khăn, miền núi, những ngành học được ưu tiên là nông - lâm nghiệp, y tế - giáo dục. Cùng với đó, để những dự án mang lại hiệu quả tốt hơn, cần có chính sách thu hút, đãi ngộ thỏa đáng, nhất là đối với các trí thức trẻ có trình độ chuyên môn cao, nhiệt huyết với công việc, sẵn sàng làm việc ở nơi đặc biệt khó khăn.
Nam Khánh