Biên phòng - Sau một ngày trên nương rẫy trở về nhà, khi màn đêm buông xuống, rất nhiều phụ nữ đồng bào dân tộc Mông ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An lại sáng đèn đến lớp học chữ. Lớp học về đêm nơi biên giới do cán bộ Đồn Biên phòng Tri Lễ, BĐBP Nghệ An và đoàn viên tri thức trẻ Đoàn Kinh tế quốc phòng 4, Quân khu 4 trực tiếp giảng dạy đã giúp nhiều chị em trên địa bàn đọc thông, viết thạo, tự tin hơn trong cuộc sống.
Chiều muộn của một ngày tháng 11/2022, chị Sồng Y Đà, dân tộc Mông, ở bản Mường Lống mới từ trên nương rẫy trở về nhà. Khi trời đã sẩm tối, chị khẩn trương tắm rửa cho các con, rồi cùng gia đình ăn cơm đã được chồng chuẩn bị sẵn từ trước. Sau bữa cơm tối đầm ấm, chị Y Đà quay sang nói với chồng điều gì đó bằng ngôn ngữ bản địa, rồi lên nhà trên chuẩn bị sách, vở, bảng, phấn để đến lớp học xóa mù chữ. Người phụ nữ dân tộc Mông này bước ra khỏi nhà, lúc này trên con đường trung tâm bản cũng có nhiều phụ nữ khác cùng đi học chữ.
Trên đoạn đường ngắn, qua câu chuyện, chị Y Đà chia sẻ: “Ngày trước, phụ nữ đồng bào dân tộc Mông chỉ biết làm nương rẫy rồi đến tuổi lấy chồng, không được học hành gì đâu. Không biết chữ khổ lắm, muốn thi bằng lái xe máy cũng không được, nhiều người trẻ muốn về thành phố làm công nhân cũng không biết phải làm sao? Nên khi nghe tin Đồn Biên phòng Tri Lễ mở lớp xóa mù chữ, chị em trong bản vui lắm và đã đăng ký được đi học”.
Đêm đến, bản làng biên giới tĩnh lặng, dưới màn sương bao phủ, chỉ một số căn nhà gỗ có ánh đèn dầu yếu ớt lọt ra ngoài. Khuôn viên Trường Tiểu học Tri Lễ 4 ở trung tâm bản, cũng chỉ có duy nhất một phòng học sáng đèn điện năng lượng mặt trời, đó là lớp học “đặc biệt”. Ở cửa phòng học, Thượng úy Xồng Bá Khư, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tri Lễ đã đứng chờ “học trò” từ bao giờ. Đến 19 giờ 30 phút, phòng học đã gần kín chỗ, sĩ số lớp học đã đầy đủ, buổi học được bắt đầu. Buổi học tối hôm đó, “thầy giáo quân hàm xanh” giảng bài môn Tiếng Việt, cũng như bao lớp học khác, mở đầu là phần ôn lại bài cũ, trước khi chuyển sang bài mới. Trên bục giảng, Thượng úy Xồng Bá Khư nêu nội dung yêu cầu “kiểm tra” bài cũ, một số cánh tay đã giơ lên để phát biểu.
Lớp học hôm nay trở nên đặc biệt hơn khi có Đại úy Nguyễn Xuân Cương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tri Lễ và Trưởng bản Vừ Bá Mại cùng “dự giờ”. Thỉnh thoảng, Đại úy Nguyễn Xuân Cương lại được chỉ huy đơn vị cử vào Mường Lống để kiểm tra việc duy trì lớp học xóa mù chữ do tổ công tác địa bàn phụ trách.
Đại úy Nguyễn Xuân Cương chia sẻ, xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, Đồn Biên phòng Tri Lễ phối hợp với Đoàn Kinh tế quốc phòng 4; Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tri Lễ và Trường Tiểu học Tri Lễ 4 tổ chức mở lớp học từ 4 tháng trước. Lớp học được duy trì vào từ tối thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, kéo dài trong vòng 6 tháng với mục tiêu khi kết thúc sẽ giúp “học sinh” đọc thông, viết thạo. Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tri Lễ cho biết thêm, ban đầu, chỉ có 25 chị em đăng ký tham gia, nhưng đến thời điểm hiện tại, lúc nào lớp học cũng có 31 “học sinh” theo học.
Cụm dân cư bản biên giới Mường Lống nằm ở một thung lũng hẹp, cách xa trung tâm xã Tri Lễ khoảng 20km với đường sá đi lại khó khăn, chưa có điện lưới quốc gia. Nơi đây có 130 hộ/800 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông định cư. Khó khăn chung ở vùng đất biên giới này là phụ nữ chịu thiệt thòi nhất, nhiều người không biết đọc, biết viết chữ phổ thông. Cũng vì lý do này, số đông phụ nữ ở Mường Lống chẳng mấy khi ra khỏi bản, họ khao khát có thể đọc thông, viết thạo, biết tính toán để phục vụ những nhu cầu thiết yếu nhất.
Đại úy Nguyễn Xuân Cương cho biết: “Ban chỉ huy đơn vị đã thống nhất với các đơn vị phối hợp duy trì lớp học vào buổi tối vì ban ngày phụ nữ phải lên nương rẫy lao động sản xuất. Chúng tôi lựa chọn, bố trí thầy giáo là người dân tộc Mông vốn am hiểu ngôn ngữ, văn hóa của người dân để trực tiếp đứng lớp. Chương trình học và giáo trình giảng dạy được giáo viên đứng lớp phối hợp với Trường Tiểu học Tri Lễ 4 biên soạn”.
Đã 4 tháng nay, hằng đêm, Thượng úy Xồng Bá Khư đều đặn lên lớp dạy chữ cho đồng bào. Anh thừa nhận đã gặp phải không ít khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ: “Phần lớn học sinh của lớp đều đã lên chức mẹ, chức bà và chưa bao giờ biết cầm bút. Chúng tôi phải chỉ cho chị em từ động tác cầm bút, rồi hướng dẫn từng người đưa nét chữ viết lên bảng, trên giấy... Thỉnh thoảng giữa giờ, chúng tôi lại tổ chức vui văn nghệ để mọi người hứng khởi học tập”. Nhưng với quyết tâm hướng dẫn để nhân dân biết đọc, biết viết, biết làm những phép toán cơ bản, “thầy giáo” Biên phòng đã tham khảo, nhờ giáo viên ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4 hỗ trợ thêm về biện pháp lên lớp, soạn giáo án cho phù hợp.
Sự tận tâm, chịu khó của “thầy giáo” Khư đã giúp phụ nữ bản Mường Lống vượt qua bỡ ngỡ ban đầu, chăm chỉ đến lớp mỗi đêm để học chữ. Sau 4 tháng khai giảng, phần lớn học viên trong lớp đều có thể đọc thông, viết thạo.
Nói về niềm vui này, chị Và Y Ai phấn khởi cho biết: “Những ngày đầu đi học, chúng tôi tập cầm bút đau ngón tay lắm, hai mắt cay xè, buồn ngủ. Nhưng được cán bộ Biên phòng động viên, chỉ dạy, mọi người đã cố gắng vượt qua. Giờ đây, ai cũng có thể đọc được, viết được nên vui lắm!”.
Trong mỗi buổi lên lớp, cùng với việc dạy chữ, Thượng úy Xồng Bá Khư còn khéo léo lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương đến với những “học sinh” đặc biệt này.
Viết Lam