Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:40 GMT+7

Trên cánh sóng Bình Ba

Biên phòng - Nhìn từ trên cao xuống vịnh Cam Ranh, đảo Bình Ba có hình một con chim biển lớn mà dưới đôi cánh sải rộng là ngôi làng biển san sát trù phú. Viền trong ánh nắng chiều là bãi cát lấp lánh trong làn nước trong xanh. Tôi lên chuyến tàu muộn nhất của ngày ra Bình Ba. Rủi thay, trải qua hành trình xa ngái tới được cảng Ba Ngòi, thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa, biển chiều lại nổi giông gió. Tôi khá ngạc nhiên vì quá đông người trên cảng, khách du lịch xen trong cư dân đảo đang cùng đợi biển êm, tàu mới được cấp phép dời bến.

vipu_10a
Cảng Bình Ba vào ngày đông khách du lịch. Ảnh: TTH

Một chiều biển động

Bình Ba là hòn đảo nhỏ nằm ngay cửa vịnh Cam Ranh, phía Bắc giáp cửa nhỏ vịnh Cam Ranh, phía Nam giáp cửa lớn của vịnh. Đảo Bình Ba thuộc xã Cam Bình, cách trung tâm thành phố Cam Ranh 7 hải lý, chỉ cao hơn mặt nước biển khoảng 200m. Trên đảo có những eo biển hiểm trở và hoang dã, con người không thể đặt chân tới. 3 thôn trên đảo là Bình Ba Đông, Bình Ba Tây và Bình An, người dân sống hiền hòa, giản dị. Bãi tắm trong lành và đặc sản tôm hùm hảo hạng là bảo vật của hòn đảo, vì nó mà gần đây, Bình Ba bỗng dưng trở thành một địa chỉ “sôi sục” của dân du lịch.

Từ thế kỷ XVIII, ngư dân Phú Yên đã “dạt” tới đây để tránh bão, thấy vùng vịnh này biển êm lạ kỳ, nên đặt tên đảo là Bình Ba, nghĩa là chắn sóng. Chỉ có vài ngày trong năm, những chuyến tàu khách bị ách lại chờ gió lặng mới được dời bến như chiều nay, dù vùng vịnh nước sâu Cam Ranh xưa nay là vùng biển êm. Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Ba Ngòi, Đồn Biên phòng Ba Ngòi thận trọng không cho tàu dời bến vì 2 lý do, chiều nổi gió và con tàu khách có nguy cơ quá tải vì quá đông. Cư dân đảo trở về nhà và khách du lịch háo hức xếp chật ních xuống khoang tàu tạo sức ép cho các cán bộ Biên phòng. Các anh trao đổi với chủ tàu, cương quyết yêu cầu các chủ tàu san khách sang 2 tàu lớn, mỗi tàu không quá 60 người. Khi hoàng hôn sắp tắt, đoàn người chờ đợi dài trên cảng Ba Ngòi mới tới được Bình Ba. Đây là một trải nghiệm khó quên với khách du lịch, vì họ cảm thấy tính mạng mình dù chỉ đi qua một eo biển nhỏ, cũng đã được cân nhắc kỹ và chỉ số an toàn cần đảm bảo.

Có thể, do có đảo Bình Ba nằm ngáng 2 bên cửa vịnh để chắn gió và sóng, nên vịnh Cam Ranh trở thành một cảng nước sâu mang giá trị vượt trội. Giờ đây, nỗi niềm cách trở đò giang không phải là vấn đề lớn với dân du lịch. Thoát khỏi cuộc sống ồn ào nhiều sức ép ở thành phố, thì Bình Ba là điểm đến quá lý tưởng. Sự cách biệt cho họ cảm giác có thể bỏ lại tất cả sau lưng để đến nơi mà biển hiền hòa, đặc sản biển quá ngon, và con người trên đảo quá thân thiện.

Đặc sản của Khánh Hòa gói trong câu ca: “Tôm hùm Bình Ba, nai khô Diên Khánh, cáu tràu Võ Cạnh, vịt lội Ninh Hòa...”. Thế nên tôm hùm giờ đây vẫn là món ăn đắt đỏ nhất ở Bình Ba. Người ta gọi tôm hùm Bình Ba là “vật nuôi tiền tỉ”. Mỗi năm ngư dân Bình Ba đổ tiền tỉ xuống các lồng nuôi căng lưới màu xanh để ươm các con giống tôm hùm bằng đầu đũa. Đến vụ thu hoạch, tôm hùm to bằng bắp tay người lớn, giá không dưới tiền triệu mỗi ki-lô-gam. Ngoài việc bán tại chỗ cho khách du lịch, tôm hùm trên vịnh Cam Ranh được xuất đi khắp nơi. Người dân Bình Ba không nghèo, nhưng đáng quý là họ không bị chi phối bởi kiểu thị trường, giành giật, tham lam vì lợi nhuận mà kinh doanh du lịch chụp giật.

tkxv_10b
Ngư dân nuôi tôm hùm trên đảo Bình Ba. Ảnh: TTH

Có thể bắt gặp trên dãy lồng bè tôm hùm dài mấy cây số bám ven đảo Bình Ba những chủ lồng tôm hiền lành, tài sản trăm tỉ nhưng hàm răng xỉn màu trà mạn, thuốc lá, kể cho bạn nghe những thú vị quanh nghề nuôi tôm hùm. Cái nghề “đổ bạc” xuống biển khơi, nhưng “hốt” lên cũng bạc tỉ. Ngư dân Nguyễn Một - người theo đuổi nghề gần cả đời người, từ tôm xây được nhà lớn trên đảo, để con trai lớn kinh doanh du lịch khách sạn, chứ lão cứ cả ngày loanh quanh ở biển, trên lồng nuôi. Lão bảo: “Sống đây mới là sống, mặn mòi gió biển quen rồi, ngày cũng chỉ vệ sinh lồng nuôi rồi cho tôm ăn, rồi rảnh ngắm mây trời, có vất vả đâu”. Người nuôi tôm hùm già cười vang, cái cười hào sảng mà chỉ có dân đảo mới có. Ông lão nói, người ở đảo sợ nhất là bãi hẳm ở biển, ghe tàu qua lại hụp xuống bãi hẳm dễ đắm. Người ở đảo trong lòng không có bãi hẳm nào, sống ở Bình Ba không phải dè chừng gì, quen rồi.

Sóng ở Bình Ba

Dân cư trên đảo Bình Ba chưa tới 5 ngàn người, nhưng mỗi năm số lượng khách du lịch tới đây vượt xa con số này. Vì sao “cơn sốt” Bình Ba đã vài năm qua vẫn chưa hết sức hút. Hiện tại, trên đảo Bình Ba, phía khu dân cư gần cảng và bãi biển chính của hòn đảo đã có hiện tượng quá tải. Điều đáng tiếc nhất là trước sức ép của khách du lịch đổ về quá đông, du lịch tự phát bung ra thiếu kiểm soát, người dân vốn không thiếu tiền đầu tư đã xây dựng vô tội vạ. Phía bãi biển, mặt tiền đẹp nhất của hòn đảo, một số chủ đầu tư đã chiếm dụng các lô đất, xây khách sạn nhô ra biển quá lố, dựng các quán nhậu tạm bợ. Khung cảnh bãi biển như một cô gái đẹp mà mặc váy vá nham nhở, chỗ quá sang trọng, chỗ lại quá rách rưới, lem nhem. Vậy mà phòng trọ cuối tuần nào cũng hết công suất phục vụ. Tôm hùm nướng phô mai đặt trên các vỉ nướng lớn, cứ hết lớp này lại xếp thêm lớp khác.

Chị Nguyệt - một người phụ nữ trung niên, người dân đảo Bình Ba mà tôi đã ngồi cạnh trên chuyến tàu ra đây, rất thân thiện đưa tôi qua các khu dân cư san sát trên đảo. Lối đi hẹp chỉ có thể đi bộ từ cảng ra bãi biển. Người dân chăm bẵm những thứ hải sản khô và đồ lưu niệm mà hằng ngày khách du lịch vẫn ghé tới mua. Chị Nguyệt nói tôi phải tìm tới những nhà dân bán đồ ăn, ngủ trọ bình dân, chứ mấy khách sạn lớn mới xây đều dành cho giới nhiều tiền. Bình Ba nhỏ bé đã bắt đầu chia hạng sự ăn chơi. Chỉ có tài nguyên nắng gió cứ thừa thãi thế. Sáng sớm, eo biển bãi Nhà cũ, bãi Chướng - bãi tắm lớn nhất đảo đã có sóng ầm ã dội vào. Suốt chiều tới đêm, cả bãi biển bị tra tấn bởi những cái loa thùng lộ thiên mà bất cứ ai cũng có thể cất tiếng hát trong những cuộc nhậu thâu đêm tới sáng.

Những “con sóng” ở Bình Ba không đến từ biển, mà từ đất liền. Ngẫm nhận xét này đúng với thế sự của hòn đảo. Thứ phá đi cái hoang sơ hiền hòa của hòn đảo đẹp như tranh chắc không có cơn bão biển nào. Nếu không được quy hoạch lại, Bình Ba gánh lượng khách du lịch quá đông và nhu cầu tiện nghi càng tăng cao, nơi này sẽ chật ních, ngộp thở vì gió biển không thể len qua các khối hộp bê tông khách sạn, hàng quán. Mỗi buổi chiều trên cảng Ba Ngòi tới cảng Bình Ba, ca nô nhỏ chở khách nhanh gọn lướt như chuồn chuồn trên nước qua các lồng tôm hùm đặt san sát như một thành phố nổi. Đó là tương lai gần của Bình Ba, dịch vụ tự phát tăng nhanh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi lượng khách du lịch nội địa tới hòn đảo đẹp tuyệt này có tăng mà không giảm.

Khi tôi rời khỏi hòn đảo này, cảnh sắc Bình Ba chìm trong ráng đỏ hoàng hôn. Đó là thời khắc người ta chờ đợi nhất khi tới vùng vịnh Cam Ranh, bởi hiệu ứng ánh sáng từ nước, mây, trời, gió biển tạo thành hợp sắc sáng tuyệt đẹp cuối ngày. Vẻ đẹp của Bình Ba là một “tài sản” của biển Việt Nam.

Trương Thúy Hằng

Bình luận

ZALO