Biên phòng - Việt Nam tham gia Công ước về Quyền Trẻ em 1989, được ký kết ngày 26-1-1990, Quốc hội phê chuẩn ngày 28-2-1990; hai Nghị định thư bổ sung về trẻ em trong xung đột vũ trang cũng được Việt Nam ký kết ngày 8-9-2000, phê chuẩn ngày 20-12-2001 và Nghị định chống sử dụng trẻ em trong các hoạt động mại dâm và tranh ảnh khiêu dâm được ký kết ngày 8-9-2000, phê chuẩn ngày 20-12-2001. Do đó, trẻ em luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, cộng đồng và đặc biệt là chính các gia đình. Trẻ em ngày càng được quan tâm tốt hơn, các em được quyền tham gia vào những vấn đề liên quan đến trẻ em.
Theo thống kê, cả nước hiện có 26 triệu trẻ em, trong đó 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và tập trung nhiều ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách, giải pháp trong công tác trẻ em, chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ trẻ em được cắp sách tới trường ngày càng cao. Trong đó, tập trung thực hiện phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về thực hiện quyền trẻ em thông qua các kế hoạch, chương trình... công tác quản lý Nhà nước tiếp tục được tăng cường, nhiệm vụ xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng hoàn thành đúng hạn, có chất lượng.
Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em được bổ sung, sửa đổi để từng bước đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới, 87% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp. Chính phủ đã tăng cường nguồn lực cho công tác trẻ em, tạo điều kiện trẻ em tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em đã được quy định tại Hiến pháp và Luật Trẻ em. Cùng đó nhiều mô hình, hoạt động để trẻ tham gia được triển khai. Theo thống kê hằng năm, tổng kinh phí phân bổ cho công tác trẻ em thông qua ngành Lao động, Thương binh và Xã hội của cả nước trên dưới 147 tỷ đồng. Nhằm tăng cường nguồn lực cho công tác trẻ em. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội luôn tích cực vận động, tranh thủ nguồn lực, mở rộng hợp tác cả song phương và đa phương, cả về tài chính và kỹ thuật trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt khoảng 98,6%; 100% trẻ em từ 1 đến 6 tuổi đều được cấp miễn phí bảo hiểm y tế... Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi là 14,35%o; tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi là 21,55%o. Hiện tỷ lệ huy động trẻ đến nhà trẻ đạt 27,7%; trẻ đi mẫu giáo đạt 90,9%, trong đó trẻ 5 tuổi đi mẫu giáo đạt 99,7%; duy trì 100% trường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trung học phổ thông. Tuy nhiên, tình trạng thiếu trường, lớp mầm non ở các tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu đông dân cư vẫn chưa được khắc phục.
Tuy nhiên, tổng hợp số liệu từ các địa phương cho thấy, mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại. 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em. Trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,3%; bởi thầy giáo; nhân viên nhà trường là 6,2%; bởi người quen, hàng xóm là 59,9%; người lạ là 12,6%. Tuy nhiên, việc xử lý một số vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em chưa kịp thời, chưa thỏa đáng, còn kéo dài dẫn đến bức xúc trong xã hội. Các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em, đuối nước… có xu hướng ngày càng phức tạp. Các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là bạo lực, xâm hại trẻ em thu hút sự quan tâm và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước thực trạng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt hạn chế vấn đề này để hạn chế vấn đề này.
Đồng thời, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, rà soát hệ thống pháp luật để hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến trẻ em. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thực hiện quyền trẻ em, trong đó tập trung vào việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về trách nhiệm thực thi các quy định của pháp luật về công tác trẻ em ở các bộ, ngành, địa phương. Đề nghị Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật, chính sách liên quan đến trẻ em, trong đó tập trung vào việc bố trí nhân lực, nguồn lực và giải quyết các vụ việc liên quan đến thực hiện quyền trẻ em.
Danh Anh