Biên phòng - Sau 5 năm triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, một ngày cuối tháng 3-2022, Thủ đô Hà Nội lại chào đón sự có mặt của 20 em học sinh, sinh viên được hỗ trợ trong chương trình đã nỗ lực vượt khó vươn lên, đạt thành tích học tập xuất sắc, tiêu biểu trong giai đoạn 2016-2021.

Để có được niềm vui ấy, là biết bao tâm sức của những người lính Biên phòng trấn giữ nơi địa đầu Tổ quốc. Con số trên 15.000 lượt trẻ em đã được hưởng sự hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng từ chương trình là một con số vô cùng ấn tượng, thể hiện rõ phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” và tinh thần “Trao con chữ, truyền hy vọng” của BĐBP.
Những lời tri ân
Xúc động biết bao khi đọc những lá thư, bài viết của những em nhỏ đã tìm lại được tuổi thơ, tìm lại được mùa xuân mới của đời mình khi may mắn được trở thành con, cháu của các chú bộ đội quân hàm xanh. Bố mất sớm, mẹ tần tảo khuya sớm trên nương nên em Lý Hồng Hải, sinh ra và lớn lên tại xóm Bó Pu, thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa, Cao Bằng thiếu thốn tình yêu thương từ nhỏ. Tương lai của em vốn định sẵn sẽ phải nghỉ học và đi làm lao động phổ thông như chúng bạn thì “ngôi sao xanh may mắn” đã đậu trên tay em khi được Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, BĐBP Cao Bằng nhận đỡ đầu từ năm 2016 và sau đó được Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP nhận làm con nuôi.
Cậu sinh viên năm thứ 2, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội ấy đã viết: “Cháu cảm thấy vô cùng xúc động và biết ơn các bác, các chú bộ đội Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, BĐBP Cao Bằng. Nhờ sự giúp đỡ của các bác, các chú, trong suốt 3 năm học cấp 3, cháu luôn đạt được danh hiệu học sinh giỏi. Đặc biệt, trong kỳ thi đại học, cháu đạt 28,95 điểm và đỗ vào trường đại học mà cháu yêu thích. Cháu không bao giờ quên công lao to lớn, sự giúp đỡ, nuôi dưỡng của các chú BĐBP. Trên một chặng đường mới, một bước ngoặt mới của cuộc đời, cháu xin hứa sẽ luôn học tập thật tốt, phấn đấu trở thành sinh viên tiêu biểu, trở thành người công dân có ích cho xã hội để không phụ lòng mong mỏi của các bác, các chú”.
Cũng có những em đã lựa chọn con đường vừa sức mình hơn sau khi được các chú BĐBP tư vấn. Cô bé Xeo Thị Hoa gầy yếu, dân tộc Khơ Mú, ở bản Huồi Phuôn 1, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An ngày nào được Đồn Biên phòng Keng Đu, BĐBP Nghệ An nhận đỡ đầu, nay đã là thiếu nữ phổng phao, chăm ngoan, đảm đang. “Sau nhiều năm được hỗ trợ trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”, con đã tốt nghiệp cấp 2. Nhờ sự định hướng của các chú và để phù hợp với điều kiện của gia đình, con đã đăng ký học hệ bổ túc của Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An. Ở đây, con vừa được học chữ, vừa được học nghề dệt may với mong muốn sớm tự lập, đỡ đần cho các em và bà ngoại của con. Con đi học xa, các chú BĐBP vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm, động viên, điều đó đã trở thành niềm mong chờ và hạnh phúc của con sau mỗi ngày học tập. Con xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các bác, các chú và mong chương trình sẽ giúp đỡ nhiều bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn như con”.
Từ biên giới Tây Nguyên cao xanh, em Ksor Chơnh, dân tộc Jrai, hiện là học sinh lớp 8A2, Trường Trung học cơ sở Chu Văn An, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã viết: “Con sinh ra trong một gia đình nghèo, gia đình con có 4 chị em, bố mẹ con không may qua đời vì bệnh hiểm nghèo, chúng con không còn ai để nương tựa. Con được các chú Đồn Biên phòng Ia O đưa về nuôi dưỡng tại đơn vị, các chú sắp xếp cho con phòng riêng, có góc học tập rất gọn gàng, ngăn nắp. Tối đến, con được các chú kèm cặp, chỉ dạy, kiểm tra bài vở, hướng dẫn làm bài tập về nhà. Từ học lực trung bình, con dần vươn lên đến học lực khá và năm lớp 7, con đã đạt danh hiệu học sinh giỏi”.
Sức sống của tình nhân ái
Đến nay, toàn lực lượng BĐBP đã đỡ đầu cho trên 15.000 lượt học sinh khu vực biên giới có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với số tiền khoảng 95 tỷ đồng. Trong đó, có gần 1.000 em mồ côi không nơi nương tựa và gần 200 em của nước bạn Lào, Campuchia. Ngoài ra, các đồn Biên phòng đang nhận nuôi 359 cháu, trong đó, có 41 cháu mồ côi cả cha và mẹ; 180 cháu mồ côi cha hoặc mẹ; 5 cháu là con liệt sĩ; 3 cháu bị tật nguyền...

Chương trình đã đạt được hiệu quả đáng khích lệ, được minh chứng qua thành tích học tập, rèn luyện của các cháu được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ học sinh khá, giỏi năm sau đều cao hơn năm trước. Trong đó, có 59 cháu đạt giải ở kỳ thi học sinh giỏi các cấp; gần 3.000 lượt cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp trường; 132 cháu đỗ các trường đại học, cao đẳng, trong đó, nhiều cháu đỗ điểm cao vào các trường chất lượng.
Trong quá trình thực hiện, các đơn vị BĐBP đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo để hỗ trợ, bổ trợ, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình, như: Mô hình “Bữa sáng cho em” (BĐBP Sơn La), “Bánh mì bộ đội” (BĐBP Quảng Trị), “Bếp ăn tình thương” (BĐBP Gia Lai), “Tủ sách thanh niên - Nâng bước em tới trường” (BĐBP Quảng Ngãi), “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm” (BĐBP Bình Định), “Sân trường cho em” (BĐBP Phú Yên), “Tiết kiệm tiền lẻ - Chia sẻ khó khăn” (BĐBP Cà Mau) và các Chương trình “Học kỳ Quân đội” (BĐBP Sơn La), “Thắp sáng ước mơ cho em” (BĐBP Nghệ An), “Tay kéo Biên phòng” (BĐBP Lai Châu)...
Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” đã được lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương ghi nhận, đánh giá cao; đồng thời, được lan tỏa trong cả nước, với sự vào cuộc của các bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội. Năm 2016, chương trình được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bình chọn là “Công trình Thanh niên tiêu biểu toàn quốc”; năm 2017, được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam bình chọn là một trong 8 giải thưởng “Tình nguyện quốc gia”.
Những kết quả đó cho thấy, chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc vùng biên, khích lệ bà con quan tâm hơn tới việc học tập của con em mình. Đồng thời, phát huy được vai trò của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị-xã hội và cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác giáo dục-đào tạo; thể hiện sự tri ân của cán bộ, chiến sĩ BĐBP với đồng bào các dân tộc biên giới, biển đảo.
“Trong thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nâng cao chất lượng, hiệu quả của chương trình, chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các nhà trường và gia đình nắm tâm tư, nguyện vọng của các cháu học sinh. Đồng thời, phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Trung ương đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các cháu có nguyện vọng học nghề. Cùng với đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Bộ Quốc phòng đã giao cho Bộ Tư lệnh BĐBP chủ trì xây dựng, triển khai Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”” - Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP cho biết.
Lê Hoa