Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:57 GMT+7

Trao yêu thương cho phụ nữ biên cương

Biên phòng - Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” với những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đã mang lại một làn gió mát lành cho phụ nữ vùng biên, tạo ra hiệu ứng và sự lan tỏa sâu rộng. Với sự giúp đỡ thiết thực, “trúng đích”, chương trình đã là điểm tựa, động lực để chị em phụ nữ, nhất là những chị em yếu thế vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

j3z8_11b
Quân y BĐBP Đắk Lắk khám chữa bệnh miễn phí cho phụ nữ  khu vực biên giới. Ảnh: Nguyễn Dân

Một số chỉ tiêu về đích trước thời gian

Được triển khai từ đầu năm 2018, ngay tại lễ ra quân (tổ chức tại huyện biên giới Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn), Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, tổ chức xã hội, đặc biệt là sự hiện diện của đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước. 

Khẳng định chương trình có ý nghĩa thiết thực và mang tính nhân văn sâu sắc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chia sẻ mong muốn các ngành, các cấp và nhân dân cả nước tích cực tham gia hưởng ứng để đạt được hiệu quả thiết thực nhất, giúp phụ nữ biên giới xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Ý nghĩa nhân văn của chương trình đã tạo sự lan tỏa tới các tầng lớp trong xã hội. Tại lễ ra quân, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam dành tặng 220 suất học bổng trị giá 286 triệu đồng cho các em học sinh nghèo học giỏi của các xã biên giới đặc biệt khó khăn thuộc 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc. Bộ Tư lệnh BĐBP trao công trình phụ trợ cho nhà văn hóa 14 thôn xã Bắc Xa và 40 con bò giống cho phụ nữ nghèo biên giới tỉnh Lạng Sơn trị giá 684 triệu đồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam hỗ trợ xây dựng phòng khách quân nhân cho Đồn Biên phòng Bắc Xa, BĐBP Lạng Sơn trị giá 200 triệu đồng và tặng phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nhiều phần quà có giá trị. 

Ngay sau khi phát động chương trình, đã có 61/63 Hội LHPN các tỉnh/thành, tất cả các ban, đơn vị Trung ương Hội, các đơn vị, tổ chức thành viên đã triển khai và trực tiếp nhận hỗ trợ 110 xã khó khăn (vượt 20 xã so với kế hoạch) thuộc 26 tỉnh biên giới, hải đảo, trong đó, nhiều đơn vị nhận hỗ trợ thêm từ 1 – 3 xã so với dự kiến phân công. Tính từ cuối tháng 10-2018 đến nay, tổng nguồn lực huy động hỗ trợ các xã biên giới khó khăn được trên 37 tỷ đồng. Nguồn lực huy động cơ bản dành để tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (khoảng 40%), hỗ trợ xây dựng Mái ấm tình thương (khoảng 30%), các hoạt động an sinh xã hội khác (khoảng 30%).

Với nhiều hoạt động thiết thực, một số chỉ tiêu quan trọng tại các xã biên giới trong chương trình đạt và vượt kế hoạch trong năm 2018, có chỉ tiêu đã về đích trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Trong đó, 100% xã đạt các chỉ tiêu về tuyên truyền giáo dục chính trị, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ; xây dựng, biểu dương, tuyên truyền gương điển hình phụ nữ tiêu biểu, mô hình, cách làm hay. Một số chỉ tiêu khác đạt tương đối cao (105/110 xã đăng ký với cấp ủy, chính quyền thực hiện ít nhất một hoạt động thiết thực, phù hợp tham gia xây dựng nông thôn mới; 100/110 xã đạt chỉ tiêu tập hợp được trên 50% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên). 100% xã nhận được các hỗ trợ cơ sở vật chất, nhu cầu thiết yếu cho hội viên, phụ nữ (trong đó, tập trung hỗ trợ Mái ấm tình thương, khám chữa bệnh cho phụ nữ nghèo, xây dựng nhà vệ sinh...). Có 77/110 xã được nhận hỗ trợ mô hình sinh kế từ các nguồn lực xã hội hóa. Mặc dù chỉ tiêu là đến cuối nhiệm kỳ, nhưng đến nay, đã có 108/110 xã đạt chỉ tiêu hướng dẫn, hỗ trợ để hầu hết cán bộ Hội cơ sở chủ động công tác, biết và tổ chức thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của tổ chức Hội cơ sở; Chủ tịch Hội cấp xã đạt chuẩn chức danh theo quy định; 100% chi hội trưởng được bồi dưỡng nghiệp vụ ít nhất 1 lần... 

Phát huy nội lực của phụ nữ

Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, mục đích của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là khơi dậy ý chí vươn lên, phát huy nội lực của phụ nữ vùng biên giới, hải đảo xa xôi thông qua sự tiếp lực của cộng đồng mà trước hết là các cấp Hội phụ nữ và BĐBP. Để làm được điều đó, “chúng ta sẽ đồng hành cùng phụ nữ biên cương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như nâng cao kiến thức, hướng dẫn kỹ năng cho phụ nữ, phát huy vai trò chủ động, tích cực của phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng nông thôn mới...” - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nói.

3vbz_11a
Cán bộ Đồn Biên phòng Đức Long, BĐBP Cao Bằng tới thăm, động viên vợ liệt sĩ do đơn vị nhận phụng dưỡng. Ảnh: Bích Nguyên

Với mục tiêu đó, tiếp đà thành công của năm 2018, bước sang năm 2019, các hoạt động hỗ trợ/đồng hành cùng phụ nữ biên cương trong cả nước diễn ra hết sức đa dạng, thiết thực, bám sát nhu cầu hội viên, phụ nữ và Hội LHPN xã biên giới. Tổng nguồn lực huy động hỗ trợ các xã biên giới đạt gần 65 tỷ đồng. Các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động, chú trọng hỗ trợ theo hướng phát huy nội lực của phụ nữ và thế mạnh từng địa phương như hỗ trợ sinh kế mang tính lâu dài thông qua việc xây dựng mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ cây, con giống, vốn vay cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho phụ nữ và trẻ em, trao Mái ấm tình thương, trao học bổng tiếp bước đến trường... 

Chia sẻ về hiệu quả của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, chị Vương Thị Danh, Chủ tịch Hội LHPN xã Cánh Linh, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng cho biết: “Chúng tôi được hỗ trợ cả vật chất và tinh thần từ chương trình. Ngoài những món quà thiết thực, chương trình còn tổ chức tập huấn, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế. Chị em được vay vốn rất phấn khởi và tự tin là sẽ thoát được nghèo trong vòng 3 năm. Thông qua các hoạt động của chương trình, chị em thạo hơn về công tác hội, được kết nối thông tin, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế. Đặc biệt, chị em có ý thức hơn trong việc phối hợp với BĐBP tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Đến nay, cả 3 chi hội phụ nữ thôn, bản biên giới đều thành lập câu lạc bộ phụ nữ tự quản vùng biên có quy chế rõ ràng, chị em đều tự giác tham gia. Qua tuyên truyền của chị em, ý thức của người dân về biên giới được nâng lên rõ rệt”.

Năm 2019, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã hỗ trợ phụ nữ vùng biên giới gần 7.000 con giống, 2,4 tỷ đồng vốn vay, 18 bộ máy tính, 673 công trình dân sinh, 186 Mái ấm tình thương, trên 40.000 suất quà tặng, 3.000 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Ngoài ra, chương trình đã tổ chức 279 lớp tập huấn, truyền thông nâng cao năng lực cho phụ nữ, khám chữa bệnh cho gần 9.000 người, tặng 493 tủ sách cho Hội LHPN cơ sở, thành lập mới 84 mô hình sinh kế.

Nguyễn Bích

Bình luận

ZALO