Biên phòng - Theo số liệu của Liên hợp quốc có khoảng hơn 1 tỉ người trên thế giới mắc những khuyết tật ở các cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, một nửa trong số những người này không nhận được sự chăm sóc y tế đầy đủ, trong khi nhiều người phải đối mặt với các rào cản trong việc hòa nhập vào các lĩnh vực đời sống, xã hội, như khó khăn trong việc tiếp cận cơ hội đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm là rào cản đối với người khuyết tật trong quá trình hội nhập.

Công tác dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật trên cả nước còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do ngành nghề đào tạo tại các trường nghề chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp nên chỉ phù hợp với những người có sức khỏe bình thường. Hạn chế khác của các cơ sở dạy nghề là chưa có đội ngũ giáo viên chuyên dạy nghề cho người khuyết tật, cơ sở vật chất còn thiếu thốn.
Người khuyết tật học được nghề đã khó, học xong muốn tìm được việc làm phù hợp càng khó khăn hơn. Việc này cũng giống như người khuyết tật được trao cần câu nhưng lại không có ao để câu cá vậy. Thực tế này khiến ước mơ có được một việc làm ổn định để tự lo bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và hội nhập xã hội của người khuyết tật càng trở nên xa vời.
Không chỉ tìm việc khó khăn, người khuyết tật muốn tự tạo việc làm bằng cách kinh doanh, buôn bán nhỏ cũng gặp rào cản về vốn. Người khuyết tật thường có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có việc làm và thu nhập ổn định nên các ngân hàng rất ngại cho vay vì sợ khó thu hồi nợ. Mặt khác, dù có quy định người khuyết tật là đối tượng được ưu tiên khi thuê mướn mặt bằng kinh doanh do chính quyền địa phương quản lý song thực tế để thuê mướn cũng không dễ, chưa nói tới việc ưu tiên.
Trước tình trạng trên, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chương trình hành động thiết thực và nhân văn, như hưởng ứng ngày Quốc tế người khuyết tật, với chủ đề “Trao quyền cho người khuyết tật, đảm bảo hòa nhập và bình đẳng”. Ngày Quốc tế người khuyết tật năm nay tập trung vào việc huy động hỗ trợ các giá trị, quyền và phúc lợi cho người khuyết tật; nâng cao nhận thức cho người khuyết tật tham gia các lĩnh vực của đời sống của xã hội; tạo cảm hứng, truyền động lực cho những người khuyết tật tích cực tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây cũng là một trong những mục tiêu trong Chương trình Phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc, với cam kết “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Thúy An