Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 06:59 GMT+7

Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

Biên phòng - Ngày 12-12 tại Hà Nội, Cục phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) tổ chức Hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

8hjat12gen-9885_f_jr0267yv1_3
Ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục phòng, chống tệ nạn xã hội. 

Theo số liệu từ Bộ Công an, từ năm 2010 đến hết quý III/2018, toàn quốc phát hiện hơn 3.000 vụ mua bán người với 4.500 đối tượng, lừa bán gần 7.000 nạn nhân. Tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng. Gần 85% vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào, Trung Quốc (sang Trung Quốc chiếm 75%)...

Từ 2012 đến hết 2017, các lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận khoảng 7.500 người. 100% nạn nhân sau khi được tiếp nhận đã được lực lượng chức năng (Công an, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương cấp huyện, xã) tổ chức gặp gỡ, tư vấn, thực hiện chế độ hỗ trợ để nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng theo quy trình, quy định chế độ chính sách. 

Ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ,TB&XH cho biết: Hầu hết các nạn nhân bị mua bán trở về bị tổn thương nặng nề về thể chất lẫn tinh thần. Sức khỏe của họ bị giảm sút do bị ép buộc lao động làm việc quá sức, bị đánh đập tra tấn, bị giam giữ, bị bóc lột tình dục, bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác; tinh thần hoảng loạn, không ổn định do sợ hãi, bị đe dọa, bị đưa đi bán lại nhiều lần, thậm chí có một số trường hợp bị xâm hại đến tính mạng. Không chỉ nạn nhân mà ngay cả gia đình, người thân cũng chịu nhiều hậu quả của tội phạm mua bán người. 

5c403075feb5b7700d000278
Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó trưởng phòng 5, Cục cảnh sát hình sự, Bộ Công an.

Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó trưởng phòng 5, Cục cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, các thủ đoạn phạm tội của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp. Trong đó 22% là đối tượng lưu manh, có tiền án, tiền sự; người nước ngoài thông qua công ty môi giới vào Việt Nam dưới dạng thăm quan, du lịch, kinh doanh rồi móc nối, cấu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, dẫn đến hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia, quốc tế. Có những người từng là nạn nhân rồi lại trở thành tội phạm lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác, kể cả người thân trong gia đình. 

“Đa số các nạn nhân bị mua bán trở về đều có hoàn cảnh khó khăn, học vấn thấp, tâm lý thường hay thay đổi, thiếu định hướng vì vậy gây khó khăn cho cán bộ thực hiện công tác tiếp cận, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề”, ông Tráng nói. 

Tại hầu hết các địa phương đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm. Một số nạn nhân khi trao trả hoặc tự trở về địa phương do sợ bị kỳ thị hoặc không hợp tác với cơ quan điều tra hoặc bỏ đi nơi khác vì vậy gây nhiều khó khăn cho công tác xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ làm rõ vụ việc. Các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại Trung tâm bảo trợ xã hội, Trung tâm công tác xã hội tại các địa phương còn hạn chế. Mô hình hỗ trợ nạn nhân chưa da dạng; số các địa phương có mô hình chưa nhiều...

Tại hội thảo, các ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam cần xây dựng, thống nhất với các nước về tiêu chí xác định nạn nhân, cơ chế phối hợp trong việc trao đổi thông tin hồi hương nạn nhân; thường xuyên tập huấn, trao đổi kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác xác minh, xác định nạn nhân; tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phương thức thủ đoạn của tội phạm mua bán người cho người dân ở sát biên giới, đặc biệt là các địa bàn có nguy cơ cao... Đặc biệt, cần lấy công tác phòng ngừa làm trọng tâm, lựa chọn một số nạn nhân bị mua bán trở về làm cộng tác viên tuyên truyền trong cộng đồng dân cư. Cân đối kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác phòng chống mua bán người.  

Nguyên Thanh

Bình luận

ZALO