Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:44 GMT+7

Tranh thủ nguồn lực quốc tế phát triển vùng dân tộc thiểu số

Biên phòng - Trong những năm qua, cùng với nguồn lực nội tại, thông qua sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong thực hiện chính sách dân tộc, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã có những thay đổi mạnh mẽ về diện mạo kinh tế - xã hội. Đến nay, 98,4% xã có đường đến trung tâm, 98% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, cuối năm 2017, ở các huyện nghèo còn dưới 40%, ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%/năm.

2pcx_11a
Người dân khám, chữa bệnh tại Trạm y tế xã Xín Cái, Mèo Vạc, Hà Giang. Ảnh: Bích Nguyên

Một trong những đối tác lớn hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững vùng DTTS là Chính phủ Ireland. Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam đã hỗ trợ phát triển cho các vùng DTTS và miền núi ở Việt Nam trong suốt nhiều năm qua, bắt nguồn từ cam kết toàn cầu của Ireland “Vì một thế giới không đói nghèo” đặc biệt tập trung vào các nhóm yếu thế. 

Chiến lược hỗ trợ quốc gia 2007-2010 là chiến lược đầu tiên của Ireland tại Việt Nam, trong đó có mục tiêu hỗ trợ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi (Chương trình 135). Trong giai đoạn này, Ireland hỗ trợ Việt Nam 29 triệu euro. Trong Chiến lược quốc gia 2011-2016, Ireland hỗ trợ 30,5 triệu euro cho Chương trình 135 để xây dựng 400 công trình hạ tầng quy mô nhỏ tại các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Trị, Kon Tum và Trà Vinh.

Năm 2017, Ireland bắt đầu triển khai chiến lược mới cho giai đoạn 2017-2020, tiếp tục đặt ưu tiên lớn vào phát triển DTTS. Với khoản hỗ trợ 12 triệu euro, chương trình được triển khai tại 5 tỉnh: Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Kon Tum và Trà Vinh trong 4 năm. Khoản viện trợ này dự kiến được sử dụng xây dựng khoảng 250 dự án hạ tầng quy mô nhỏ. Ireland cũng tài trợ dự án hỗ trợ kỹ thuật trị giá 600.000 euro cho Ủy ban Dân tộc (UBDT) trong 4 năm, để hỗ trợ vận động, xây dựng và đánh giá chính sách, nâng cao năng lực, nghiên cứu. 

UBDT cho biết, ngoài Ireland, trong giai đoạn 2014-2018, nước ta đã huy động được nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và miền núi gồm: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, JICA, CARE, Quỹ Kuwait,  Tổ chức Halvetas, Thụy Sỹ, Caritas, Quỹ We Effect Thụy Điển, Plan Canada, Saigon Children Charity tập trung vào các lĩnh vực giảm nghèo và an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng, giao thông, y tế, đào tạo bồi dưỡng cán bộ người DTTS, nông nghiệp, môi trường.

Theo thống kê của UBDT, trong 5 năm qua có khoảng 252 dự án về giáo dục, đào tạo dạy nghề và giải quyết việc làm cho người DTTS. Các khoản hỗ trợ được đầu tư xây dựng phòng học, mua sắm trang thiết bị trường học, sân chơi tại các trường mầm non, tiểu học, đào tạo nghề cho thanh niên DTTS... đã giúp con em trong vùng DTTS được đến trường, có nghề nghiệp, giúp cải thiện bộ mặt giáo dục trong vùng DTTS.

Ông Hoàng Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, UBDT cho biết, các dự án tài trợ từ nguồn vốn nước ngoài đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện điều kiện y tế, giáo dục, nâng cao dân trí, sức khỏe... cho đồng bào DTTS; góp phần phục vụ bền vững hơn cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và miền núi.

Về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, có 19 dự án (8 dự án viện trợ không hoàn lại) hỗ trợ cho vùng Tây Nguyên và Tây Bắc, với tổng kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho cả vùng khoảng gần 200 triệu USD. Các dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng, tiền ăn và tiền đi lại cho đồng bào DTTS điều trị nội trú tại các cơ sở công lập. Nhờ các dự án này, người nghèo, đồng bào DTTS, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân vùng biên giới, hải đảo ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. 

Trong lĩnh vực nông nghiệp, có trên 100 dự án ODA và phi Chính phủ nước ngoài tập trung vào việc giúp đồng bào làm quen với phương thức, kiến thức sản xuất mới, tiếp cận với các công cụ sản xuất hiện đại hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào. Ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng, có gần 20 dự án xây dựng công trình hạ tầng quy mô nhỏ, nhà ở cho hộ nghèo DTTS. Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong 5 năm qua, có trên 80 dự án liên quan đến phổ biến, tuyên truyền về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trong vùng đồng bào DTTS. 

Thanh Hằng

Bình luận

ZALO