Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 08/06/2023 09:52 GMT+7

Tranh thờ của các dân tộc thiểu số trước nguy cơ mai một

Biên phòng - Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, một số dân tộc như Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu... vẫn còn lưu giữ những bộ tranh thờ quý giá, độc đáo, mang sắc thái và giá trị thẩm mỹ riêng, mang tính ước lệ, biểu trưng cao về văn hóa.

Một bộ tranh thờ của người Sán Chay (Thái Nguyên) trong Lễ hội cầu mùa (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Ngọc Ánh

Giá trị văn hóa trong tranh thờ của các dân tộc thiểu số

Đồng bào Dao, Tày, Nùng, Sán Chỉ, Sán Chay... đều có tập tục sử dụng tranh thờ trong các nghi lễ cúng tế, ma chay. Đặc biệt, cộng đồng người Tày và Dao là 2 dân tộc đang sở hữu số lượng lớn các loại tranh thờ. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phan Ngọc Khuê, thì tranh thờ người Dao chủ yếu được dùng trong các nghi lễ của thầy mo, thầy cúng (thầy tào), ví dụ như lễ cấp sắc, lễ cưới, tang ma hay các nghi lễ của gia đình và dòng họ...

Tranh thờ của các dân tộc Dao, Tày, Nùng, Sán Chỉ, Sán Chay... thường có mặt các vị thần linh. Trên trời có thiên đình, thiên phủ, dưới đất có âm phủ. Ví dụ như bộ tranh Tứ Đại Nguyên Súy có 4 vị thần gồm: Thần sấm, thần mưa, thần gió và thần mây. Tranh mang tính ước lệ, biểu trưng hơn là tả thực. Các nhân vật thần linh trong tranh đều tuân theo một quy tắc xã hội nhất định: Ai có quyền năng cao được vẽ to, chiếm vị trí trung tâm; những vị thần ít quyền được vẽ nhỏ, đơn giản.

Điển hình như trong bộ tranh đôi Tả Sư Hữu Thánh, để diễn tả sức mạnh quyền lực của 2 vị quan chấp pháp, người ta đã vẽ hình ảnh lửa cháy bừng bừng trên thanh gươm của vị Tả Sư và con rắn xanh quấn quanh gươm mang nọc độc lạnh lẽo, thâm sâu của vị Hữu Thánh. Các vị thần này có sức mạnh và quyền lực siêu phàm tác động đến đời sống tâm linh.

Tranh đạo giáo miền núi phía Bắc là loại tranh được sử dụng trong các lễ cúng kỳ yên, ma chay, cầu mùa... Các dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan, Dao, Giáy và Kinh đều có loại tranh thờ cúng này, nhưng cũng có một số chi tiết được thể hiện theo quan niệm riêng của từng dân tộc. Ví dụ như tranh vua bếp của người Dao rất thanh thoát, đẹp, nhưng tranh của người Giáy lại là quỷ với mong muốn thần giữ nhà. Người Cao Lan có tranh “Dẫn hương lộ” vẽ đường về trời của người chết. Cũng với ý niệm đó, người Tày có tranh “Độ linh”, người Dao có tranh “Tầm Toòng”, người Sán Dìu lại có tranh “Cung nghinh thánh đế”. Người Giáy cúng xúi quẩy có tranh “Bát quái vô danh” vẽ trên vải dài đến 5m, vẽ đến 32 khổ tranh kể lại cả một hành trình dẫn điều xấu ra khỏi nhà...

Trong bộ tranh thờ thường chia thành 2 loại: Bên thầy và bên tạo. Bên thầy là phần hướng dạy dỗ, giảng dạy cách sống, hướng con người tới cuộc sống cao đẹp hơn. Còn bên tạo là dòng tranh thờ mang tính răn đe, giáo dục con người - nếu sống trên trần thế mà độc ác, thì khi chết sẽ chịu nhiều hình phạt khắc nghiệt.

Ông Đặng Hồng, thầy cúng người Dao ở xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong các dịp lễ, Tết khác nhau của người Dao đều có những loại tranh riêng, trong đó, phổ biến thông dụng là bộ tranh Tam Tượng và Đại Đường Quân. 2 bộ tranh này dòng họ nào cũng phải có, bởi nếu không có, thì không thể tiến hành các lễ cúng của dòng họ như lễ cầu mùa hay lễ tháng 7.

Tranh cổ đang dần mai một

Tranh thờ của các DTTS miền núi phía Bắc thường được vẽ trên chất liệu giấy dó hoặc khắc gỗ. Hiện nay, trong cộng đồng các dân tộc Dao, Tày, Nùng, Sán Chỉ... hầu như không còn nghệ nhân sáng tác tranh thờ mà chỉ có những người chép lại tranh cổ theo mẫu tranh truyền thống. Qua thời gian, nhiều bức tranh cổ trong các gia đình thầy mo, thầy tào đã bị hư hỏng, mối mọt gần hết. Hơn nữa, những bộ tranh thờ chỉ có thầy mo mới được sử dụng và bảo quản, khi họ chết thì tranh thờ cũng được họ “mang theo” nên hiện nay, tranh thờ không còn nhiều.

Để góp phần bảo tồn, tôn vinh di sản văn hóa tranh thờ của các DTTS miền núi phía Bắc, trong những năm qua, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội đã phối hợp với các họa sĩ và nhà nghiên cứu, sưu tầm tranh dân gian tổ chức một số cuộc triển lãm tranh thờ, trong đó, có hàng trăm bức tranh cổ của các dân tộc Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chỉ..., do họa sĩ Nguyễn Đức Mạnh (Hà Nội) sưu tầm, cất giữ từ nhiều năm nay. Ngoài ra, ở Hà Nội còn có nhà sưu tầm tranh Phạm Đức Sỹ hiện vẫn lưu giữ hơn 400 bức tranh thờ của đồng bào các DTTS miền núi phía Bắc.

Mới đây, trong một buổi tọa đàm với chủ đề “Tranh dân gian Việt Nam - Bảo tồn và phát huy giá trị” tại Bảo tàng Hà Nội, các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, xuất bản sách chuyên đề về tranh dân gian; xây dựng những chính sách tôn vinh nghệ nhân, nghệ sĩ dân gian; đào tạo, truyền nghề, dạy nghề cho thế hệ sau; xây dựng các trung tâm văn hóa du lịch, lấy việc sản xuất tranh dân gian để thu hút khách du lịch, tạo điều kiện để khách du lịch được trải nghiệm việc in tranh, sản xuất tranh...; đẩy mạnh việc sưu tầm các tư liệu lịch sử về tranh dân gian; phục hồi các ván in tranh theo nguyên mẫu các bức tranh mới tìm được; tăng cường giới thiệu tranh dân gian các DTTS tại các bảo tàng...

Ngọc Ánh

Bình luận

ZALO