Biên phòng - Ngày 11-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tờ trình nhấn mạnh, luật ra đời nhằm kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối bên trong. Đồng thời giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách và giảm chi ngân sách nhà nước.

Bộ Công an cho biết, hiện toàn quốc có 126.084 Công an xã, thị trấn bán chuyên trách và 72.456 thành viên thuộc lực lượng bảo vệ dân phố. Nếu tính trung bình 1 thành viên thuộc các lực lượng trên được hưởng mức phụ cấp bằng mức lương cơ sở (tương đương 1.490.000 đồng/tháng), thì ngân sách Nhà nước 1 tháng phải bảo đảm khoảng 375 tỷ đồng.
Theo dự thảo Luật, nếu sắp xếp thống nhất 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách thành một lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự chung ở cơ sở thì có thể cắt giảm chi ngân sách cho khoảng 500 nghìn người. Bởi, sau khi sáp nhập, lực lượng này sẽ chỉ được hưởng mức bồi dưỡng, hỗ trợ. Khoản kinh phí cắt giảm từ việc không phải chi trả phụ cấp hàng tháng, các địa phương sẽ dành cho các khoản bồi dưỡng, hỗ trợ.
Bộ Công an khẳng định, việc đề xuất xây dựng, ban hành Luật không làm phát sinh tăng biên chế, mà góp phần giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách và giảm chi ngân sách nhà nước.
Mặc dù nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội lưu ý, dự thảo Luật có nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức lực lượng, kinh phí, ngân sách bảo đảm và nhiều vấn đề liên quan đến tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đáng lưu ý là nội dung của dự thảo Luật chưa đề cập đến các tổ chức tự nguyện, tự quản trong việc tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trong khi các lực lượng tự quản hoạt động với mô hình khác nhau, đơn lẻ ở địa phương, không bao trùm toàn quốc nên cần nghiên cứu đánh giá thận trọng cả về lý luận và thực tiễn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, dự thảo Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tựở cơ sở quá rộng, chưa tương ứng với vị trí, chức năng mà dự thảo Luật đã xác định là lực lượng “tham gia, hỗ trợ” lực lượng công an; một số quy định thiếu chặt chẽ, phạm vi, mức độ, biện pháp hoạt động chưa cụ thể; thiếu quy định về cơ chế ràng buộc trách nhiệm của lực lượng này khi tham gia thực hiện nhiệm vụ với lực lượng công an.
Thực tế, dự thảo Luật đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ và thực chất đều là nhiệm vụ của công an xã. Thế nên, phải xác định rõ hơn tính chất phối hợp, hỗ trợ của lực lượng này với công an xã chính quy để không chồng lấn, làm thay nhiệm vụ của lực lượng công an mà chắc chắn là không làm thay được. Mặt khác, thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính, nên việc bố trí tổ an ninh trật tự cần tính toán phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế.
Do vậy, dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn phạm vi, phương thức thực hiện nhiệm vụ và xác định trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, tránh xảy ra “lạm quyền”, xâm phạm quyền con người, quyền công dân khi thi hành luật.
Thiết nghĩ, để có thời gian tổng kết, đánh giá kỹ tính khả thi của chính sách trước khi sắp xếp, sáp nhập 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thành một lực lượng chung, cần thực hiện thí điểm mô hình này tại một số địa phương, quy định cụ thể việc sử dụng công an xã bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Thanh Thảo