Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 08/12/2023 04:55 GMT+7

Tránh cách làm du lịch “lạc điệu” ở Tây Bắc

Biên phòng - Nét hoang sơ và tự nhiên của vùng Tây Bắc được coi là tiềm năng du lịch bất tận mà suất đầu tư mới chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong khối tài nguyên lớn thuộc các lĩnh vực văn hóa, đời sống, tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Hiện tượng làm du lịch kiểu thiếu vốn văn hóa, tùy tiện, lạc điệu với quang cảnh tự nhiên trở nên không đúng hướng và kém bền vững.

zmpr_8a
Một khu du lịch đang đầu tư mới tại Lai Châu. Ảnh: TTH 

Mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái bản làng thu hút chủ yếu những đối tượng khách du lịch ưa thiên nhiên tươi đẹp, thích khám phá văn hóa bản địa và đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Đáp ứng nhu cầu này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư làm du lịch bằng quang cảnh thiên nhiên sẵn có. Các hạng mục bao gồm cải tạo cảnh quan bắt mắt, cải thiện môi trường cảnh quan cho khách du lịch nghỉ tại nhà, kèm theo dịch vụ ăn uống theo văn hóa của người dân tộc thiểu số.

Cùng với sự phát triển của xã hội, “nhu cầu được sống trong một không gian đẹp” đang là cụm từ nóng nhất của giới đầu tư hạ tầng du lịch. Bởi xu hướng hưởng thụ không gian đẹp đang thôi thúc một bộ phận lớn những người thành thị có thu nhập tốt, có nhu cầu dịch chuyển và muốn làm mới cuộc sống của mình bằng cách đi về miền núi, nông thôn và biển, đảo mỗi cuối tuần.  

Như vậy, nền tảng để đầu tư du lịch bền vững phải giữ được môi trường không gian trong lành, đặc trưng của miền núi, đời sống thiên nhiên con người như tự nhiên không bị lai căng và pha tạp. Điều đáng nói là một số nhà đầu tư bao gồm cả chính những người dân ở trong vùng du lịch lại không hiểu đúng về xu hướng này. Khi có nguồn lực đầu tư, ai cũng dễ nghĩ rằng, cứ xây nhà bê tông, lắp điều hòa công nghiệp, xây bể bơi lớn tiện nghi và trang trí hoa giả, đèn đuốc, cây giả lộng lẫy để thu hút người giàu đi du lịch. 

Trước mắt, hướng đầu tư đó sẽ làm mất không gian sinh hoạt tự nhiên của người bản địa, pha loãng và lệch hướng vốn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong số những điều không hợp lý, có việc thêm nếm vào trong đó thứ văn hóa lạc lõng, không phù hợp. Ví như việc đắp tượng bê tông những con thú, làm nhà giả, hoa giả, xa lạ với cảnh quan và con người ở đây, hoặc trồng các loại cây cảnh, cây hoa giống lạ mà vùng đất này vốn không hợp thổ nhưỡng, khí hậu và đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây chưa thấy bao giờ.

Năm 2019, cây cầu kính Mộc Châu được xây dựng tại khu vực thác Dải Yếm, ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là cây cầu đầu tiên ở Việt Nam sử dụng công nghệ kính 5D hiện đại nhất thế giới cùng với hệ thống mắt cảm ứng 3.2 gồm 30 hiệu ứng biến đổi, tạo ra sự tương tác thú vị với du khách tham quan. Nhà đầu tư xây dựng công trình thu hút du lịch này cũng đồng thời “sắm” cho công trình nhiều chứng nhận kỷ lục mà không có kiểm chứng so sánh.

Việc tạo hiệu ứng maketting cho một khu du lịch cuối cùng đã gây phản cảm. Công trình khoác một vẻ “lạc quẻ” giữa núi rừng, không những không tu bổ được cảnh quan, còn khiến thiên nhiên mất vẻ hoang sơ quyến rũ, rất dễ nhàm chán. Ngay sau kì ra mắt hoành tráng và ồn ào, lập tức xuất hiện những bình luận thẳng thắn cho rằng, cây cầu không thật sự xuất sắc như quảng bá, thậm chí kém phù hợp với không gian chung, không tối ưu trong thiết kế và “sang chảnh xa hoa lạc quẻ với núi rừng Tây Bắc”. 

Trường hợp cây cầu kính tại Mộc Châu chỉ là một trong số nhiều công trình đầu tư du lịch theo hướng làm “xơ cứng hóa” không gian núi rừng. Một số công trình khác như đường hầm chong chóng tại Đà Lạt, tượng thú bằng đá xa lạ tại Đồ Sơn, vạn lý trường thành giả tại Đà Lạt... từng bị chính du khách tẩy chay. Về lâu dài, những nơi này sẽ chỉ còn là rác công nghiệp trong một không gian đã bị phá nát trước đó. 

Đối với vùng Tây Bắc, việc đầu tư công trình lớn khó khăn hơn do địa hình phức tạp và chi phí tốn kém. Các bản làng tại khu vực này hầu hết còn thanh sạch và dễ đầu tư đẹp. Tuy nhiên, đã xuất hiện các khu du lịch san bạt đất núi, làm phẳng bề mặt địa hình nhưng thiếu  tự nhiên, khiến khu du lịch trở thành xa lạ, kém gần gũi thu hút. Nếu trồng cây giả, hoa giả thì hoàn toàn thất bại trong đón khách du lịch mà đối tượng khách lại hướng về mục tiêu gần gũi với thiên nhiên. Họ từ chối những khu nghỉ dưỡng trong hàng rào, bê tông hóa, phòng kín mít che mất cảnh quan với điều hòa bức bí.

Du khách Nguyễn Thị Yến (Hà Nội) chia sẻ, khi tới khu du lịch sắc hoa Tây Bắc tại Lai Châu: “Chúng tôi đã rời Hà Nội để tìm đến với thiên nhiên, nên ngại những công trình bê tông. Nhốt mình trong đó, sẽ không được hiểu gì về thiên nhiên, về đồng bào ở đây. Còn cảnh quan, khí hậu mát lành của núi rừng có lẽ không tiền nào mua được”. 

Thân thiện với thiên nhiên và thuận tự nhiên sẽ là xu hướng du lịch mới trong vòng một thập kỷ tới. Bản làng nông thôn rất cần gọi nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, tuy nhiên, việc cần làm ngay của địa phương là tích cực tuyên truyền, vận động bà con gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, giữ nếp sống tự nhiên, bản làng sạch, đẹp, khôi phục làng nghề, trồng hoa ở các bản du lịch. Đó mới là kế sách phát triển bền vững.

Về tương lai lâu dài, miền núi hình thành các vùng sản xuất tập trung như trồng lúa nước, rau sạch, cây ăn quả... để tạo dựng điểm đến lý tưởng của du khách, song song với đó là làm du lịch sinh thái bền vững. Như vậy mới không nảy sinh xung đột lợi ích và tài nguyên văn hóa của địa phương mới sử dụng hiệu quả, sinh lời và được bảo tồn.

Thụy Văn

Bình luận

ZALO