Biên phòng - Mỗi người cầm một bông huệ trắng thả xuống vùng biển Tây Nam. Có cựu binh mắt đỏ hoe; có người lính trẻ miệng run run cầu nguyện... Tất cả đều một niềm tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong trận chiến đổ bộ đường biển Tà Lơn, 40 năm trước.

40 năm, một tràng hoa bất tử
Tại vùng biển xã An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, sáng 24-12, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân trang trọng tổ chức lễ tưởng niệm và thả hoa viếng các liệt sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh trong Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn, 40 năm trước (1/1979 - 1/2019).
Trong niềm xúc động và tri ân các anh hùng liệt sĩ, các tướng lĩnh Quân đội, đặc biệt là những cựu chiến binh đã trực tiếp chiến đấu trên chiến trường ngày ấy và đông đảo thế hệ cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các đơn vị Hải quân phía Nam, đã cùng nhau ôn lại một thời chiến đấu, chiến thắng, kiên cường bám biển với quyết tâm: “Sống bám tàu, bám trận địa, chết kiên cường, dũng cảm”; “Còn một tổ cũng đánh, một người cũng tiến công. Còn người còn trận địa”; “Hãy anh dũng và sẵn sàng hy sinh”... của cán bộ, chiến sĩ Hải quân trên những con tàu của Hạm đội 171, Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 126, Vùng 5 Hải quân làm nhiệm vụ giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary và giải phóng vùng biển Tây Nam của Việt Nam, năm 1979.
Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn diễn ra vô cùng ác liệt, từ ngày 6 đến ngày 10-1-1979. Quân chủng Hải quân đã sử dụng lực lượng gồm: Vùng 5, Lữ đoàn 126 Hải quân đánh bộ, Hạm đội 171, Lữ đoàn 125... phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, trực tiếp là một số đơn vị thuộc Quân đoàn 2, Quân chủng Phòng không - Không quân và Quân khu 9, bí mật đánh chiếm bãi đổ bộ tại chân núi Tà Lơn, tạo bàn đạp tổ chức phát triển chiến đấu; đánh nhanh, đánh mạnh, đánh cả dưới nước, trên bờ, đẩy địch vào thế bị bao vây, cô lập, bị chia cắt với lực lượng ở phía Đông; đẩy chúng vào tình thế không chống cự nổi và tan rã tại chỗ. Kết thúc chiến dịch, ta đã tiêu diệt hơn 1.200 tên địch, bắt sống 132 tên, bức hàng hơn 1.500 tên; bắn chìm, bắn cháy 44 tàu, thuyền các loại; làm tan rã Sư đoàn Hải quân 164 và Trung đoàn 17 Biên phòng địch; đập tan tuyến phòng thủ của địch ở hướng Nam, thu được nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật của địch.
Thắng lợi của Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn có ý nghĩa lịch sử, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và góp phần cùng với các lực lượng vũ trang Việt Nam và quân dân Campuchia đập tan toàn bộ lực lượng của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary và bộ máy chính quyền phản động, mở ra thời kỳ hồi sinh và phát triển cho đất nước Campuchia...
Bưng tràng hoa bất tử thả xuống vùng biển Tây Nam, Phó Đô đốc, Tư lệnh Hải quân Phạm Hoài Nam xúc động không nói nên lời. 40 năm trước, linh hồn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây như hóa thành sóng, thành gió, thành san hô biển... 40 năm sau, các anh vẫn bất tử trong lòng cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng và cả nước nói chung. Hơn 90 triệu người dân đất Việt đời đời nhớ ơn và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên vùng biển Tây Nam và dưới chân núi Tà Lơn ngày ấy.
Sáng ngời tinh thần quốc tế cao cả
Buổi lễ diễn ra trong niềm xúc động, trân trọng, lắng sâu. Cựu chiến binh Hải quân, Trung tá Nguyễn Viết Chức, nguyên Thuyền trưởng tàu 07, Hạm đội 171 năm xưa bày tỏ: “Chiến thắng Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn năm 1979 không chỉ thể hiện tài thao lược, mưu trí, sáng tạo về cách đánh của bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam, mà còn thể hiện tinh thần quốc tế cao cả của QĐND Việt Nam đối với quân đội và nhân dân nước bạn Campuchia. Việt Nam luôn sẵn sàng giúp nước bạn, trong bất kỳ tình huống nào”.
Cũng như nhiều cựu binh có mặt trong lễ tưởng niệm, là người trực tiếp cầm “vô lăng” lái tàu chiến đấu trên vùng biển ngày ấy, Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công, nguyên chiến sĩ hàng hải, mắt đỏ hoe xúc động nói: Chiến tranh bom rơi, đạn lạc, người lính chỉ có sứ mệnh chiến đấu và quyết thắng. Nếu có hy sinh cũng vì Tổ quốc, vì dân tộc. Xin kính cẩn nghiêng mình trước các đồng chí - những người đã dệt nên chiến thắng vang dội trên vùng biển Tây Nam và dưới chân núi Tà Lơn 40 năm trước.
Lần đầu tiên viếng các anh hùng liệt sĩ và biết về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Hạm đội 171 năm xưa trong Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn, qua câu chuyện kể của Chuẩn Đô đốc, Chủ nhiệm Chính trị Hải quân Phạm Văn Vững, Binh nhất Nguyễn Mạnh Hải đến từ Vùng 5 Hải quân xúc động nói: “Tôi vô cùng tự hào khi nghe câu chuyện kể về thế hệ cha anh đi trước. Với những người trẻ như chúng tôi, ngoài học tập, việc phấn đấu và noi gương cha anh là nếp sống cao đẹp. Chính sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã nhân lên trong tim chúng tôi niềm kiêu hãnh, thôi thúc chúng tôi sống và cống hiến cho Tổ quốc. Nhất định chúng tôi sẽ phát huy trí tuệ, tâm huyết, tinh thần xung kích của tuổi trẻ để cống hiến, góp phần gìn giữ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Mai Thắng