Biên phòng - Tính đến sáng 13-10, vẫn còn 217 xã, hơn 111.000 hộ dân tại các tỉnh miền Trung bị ngập lụt. Trong khi đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo trong vài ngày tới, khu vực Trung Bộ sẽ tiếp tục đón một đợt lũ lớn. Các đơn vị BĐBP đã và đang duy trì quân số ứng trực tại các địa bàn trọng điểm để kịp thời giúp dân khắc phục hậu quả của mưa lũ.
Trong những ngày qua, mưa lũ đã làm gần 100 xã, phường của tỉnh Quảng Trị bị ngập sâu trong nước lũ, 8 người bị chết, 5 người mất tích. Đến thời điểm hiện tại, huyện Đakrông vẫn bị chia cắt, cô lập hoàn toàn.
Ngay từ đầu đợt lũ, cùng với các lực lượng khác, BĐBP Quảng Trị đã có mặt hỗ trợ nhân dân ứng phó với mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng và giảm thiệt hại về tài sản.
Đến sáng 13-10 vẫn còn 81 xã của tỉnh Quảng Trị bị ngập sâu, chia cắt, khiến cho cuộc sống sinh hoạt của người dân gặp muôn vàn khó khăn. Hiện, BĐBP Quảng Trị đang duy trì 579 cán bộ, chiến sĩ và nhiều phương tiện bám địa bàn để giúp dân ứng phó với mưa lũ. BĐBP Quảng Trị cũng đã trích quỹ và vận động các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ lương thực, nước uống chuyển tới nhân dân đang bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Trong ngày 12-10, các tổ công tác của BĐBP Quảng Trị đã vận chuyển 700 két mì tôm, trên 100 két nước đến tay người dân bị ngập tại huyện Hải Lăng. Chị Đặng Diệu Anh, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng cho biết: “Nước lũ bao vây, cuộc sống của chúng tôi gặp nhiều khó khăn, nhất là lương thực và nước uống. Những món quà của BĐBP lúc này rất thiết thực với chúng tôi”.
Tương tự Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa rất to, nước các sông lên nhanh gây ngập úng, chia cắt nhiều khu vực dân cư. Trong đó, địa bàn huyện A Lưới, mưa lớn kéo dài khiến một số tuyến đường giao thông bị sạt lở, một số thôn, bản bị ngập úng. Trên địa bàn huyện A Lưới, 9 giờ tối ngày 11-10, hơn 20 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đã cơ động ứng cứu gia đình 2 hộ dân tại thôn Đụt Lê Chiêng 2, bị nước lũ chia cắt. Mưa lớn khiến cho nước kéo đất đá mọi nơi đổ về, trong khi trời tối nên việc tiếp cận để ứng cứu gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên những người lính Biên phòng vẫn rất nỗ lực. Dưới những ánh đèn lờ mờ trong đêm, sau gần 1 giờ vật lộn với mưa lũ, đất đá, BĐBP mới tiếp cận được 2 hộ dân này. Đến gần 1 giờ sáng ngày 12-10, lực lượng chức năng mới di dời toàn bộ 12 người cùng tài sản của 2 gia đình nói trên đến nơi an toàn.
Khi đã được an toàn, anh Hồ Văn Nhon mới thở phào nhẹ nhõm: “Từ trước đến giờ ở đây chưa có mưa lũ lớn như vậy. Trời tối om, chúng tôi không biết nước lên nhanh như vậy. May nhờ BĐBP cùng chính quyền địa phương cứu kịp thời chúng tôi mới được an toàn tính mạng”.
Cho đến ngày 13-10, mưa lũ tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm 5 người chết, 1 người mất tích, 7 người bị thương; 115 xã, phường vẫn còn đang bị ngập. Hầu hết các tuyến đường ngập sâu gây ách tắc giao thông. Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Chỉ huy trưởng BĐBP Thừa Thiên Huế cho biết, BĐBP Thừa Thiên Huế đã huy động 416 cán bộ, chiến sĩ; 27 phương tiện tổ chức sơ tán, di dời 822 hộ/2.166 khẩu, khắc phục sự cố sạt lở đường sá... BĐBP Thừa Thiên Huế đã mua 1,2 tấn gạo, 350 thùng mì tôm, các nhu yếu phẩm khác; tổ chức tiếp nhận 500 thùng mì tôm do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp để kịp thời cung ứng cho người dân khu vực bị ngập sâu.
Cùng chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, 32 xã của tỉnh Quảng Bình vẫn trong tình trạng ngập lụt. Mưa lũ làm 2 người chết. Trong ngày 12-10, một số khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tiếp tục có mưa như trút nước khiến cho 15 xã vẫn bị ngập. Điều khiến người dân ấm lòng là hàng trăm cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Bình vẫn đang ngày đêm bám trụ tiếp tục giúp dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra; cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân các vùng bị chia cắt, vùng ngập sâu. Hiện, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đang tích cực kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, giúp đỡ nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ.
Đến ngày 12-10, nhiều khu vực ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam vẫn bị chia cắt do sạt lở đường. Trong đó, 2 xã Ga Ry và Ch’ơm bị sạt 22 điểm. Sau khi khắc phục tạm thời, xã Ch'ơm còn 7 điểm sạt nghiêm trọng. BĐBP Quảng Nam đã cử 185 lượt cán bộ, chiến sĩ bám nắm địa bàn giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Sáng 12-10, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam đã phối hợp với các tổ chức, nhà hảo tâm chuyển nhu yếu phẩm thiết yếu đến trao tận tay cho bà con tại các thôn đang bị nước lũ cô lập trên địa bàn xã Bình An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Hiện tại, các tỉnh phía Bắc đang chuẩn bị các phương án ứng phó với bão số 7. BĐBP từ Quảng Ninh đến Bình Định đang duy trì thường trực 6.271 cán bộ, chiến sĩ/230 phương tiện phối hợp với các lực lượng kêu gọi, sắp xếp neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn trật tự và sẵn sàng xử lý tình huống khi có yêu cầu. Các đơn vị đã thông báo cho hơn 51.000 phương tiện/gần 230.000 người biết hướng di chuyển của bão số 7 để chủ động vòng tránh. Dự báo, đến 4 giờ ngày 14-10, vị trí bão số 7 ở trên khu vực Tây Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển tỉnh Nghệ An khoảng 320km, sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.
PV-CTV