Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 02:18 GMT+7

Trắng đêm cùng ngư dân vượt bão

Biên phòng - 22 giờ, ngày 1-12, chuyến xe của Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên đón 6 ngư dân trên con tàu bị nạn PY96182TS của Thuyền trưởng Lê Vũ Sơn xuất phát từ Trụ sở Vùng Cảnh sát Biển (CSB) 3, tại bến cảng Vân Phong đã về đến Đông Tác, kết thúc 48 giờ đầy sóng gió, kinh hoàng của người đi biển và cả những người thân đang ngóng đợi ở đất liền.  Phút đoàn tụ như vỡ òa trong nước mắt mừng vui. Ông Lê Đính, cha của Thuyền trưởng Lê Vũ Sơn nắm chặt tay Đại úy Nguyễn Văn Tuấn, Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ Đồn BP Tuy Hòa, nghẹn ngào: "Không thể nói lời nào cho thấu được lòng biết ơn của gia đình".

13a-1.jpg
Con tàu bị nạn của ngư dân Lê Vũ Sơn đã được tàu cứu nạn Vùng Cảnh sát Biển 3 kéo về vịnh Vân Phong. 
 
Hành trình giông bão    
                          
Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ nằm ở cuối con hẻm nhỏ cạnh bến cá  Đông Tác, ngư dân Lê Văn Hải, anh trai của Thuyền trưởng Lê Vũ Sơn, cũng là một lao động trên chuyến tàu bị nạn ấy vẫn chưa hết bàng hoàng. Đôi mắt đỏ hoe, anh Hải thổ lộ: "Cứ nhắm mắt lại là trong đầu mình hiện lên cảnh 6 anh em buộc chùm trong sợi dây neo rồi bị sóng nhấn chìm hết cả". Nỗi ám ảnh đến giờ nghĩ đến, anh vẫn còn rùng mình. Hải cho biết, khi tàu CSB đưa 6 anh em cập bờ tại bến cảng Vân Phong, Đồn BP Tuy Hòa đã có mặt tại bến tiếp nhận, đón anh em ngư dân lên xe để về nhà. Thuyền trưởng Lê Vũ Sơn còn ở lại cảng để trông coi sửa chữa con tàu.

Nhắc lại những giờ phút kinh hoàng khi tàu bị nạn, anh Hải cho biết, 10 giờ ngày 28-11, con tàu đang tăng tốc trên hải trình chạy tránh bão thì bỗng nghe tiếng máy tàu nhẹ tênh. Một thuyền viên xuống hầm kiểm tra mới biết hộp số đã bị bể. Anh em thay nhau, người lo tát nước boong tàu, người xuống hầm khắc phục sự cố máy. Song, tàu chỉ chạy thêm được hơn 1 hải lý thì ngừng hẳn.

"Chúng tôi lên máy đàm gọi về Đài thông tin duyên hải xin liên lạc với gia đình, từ đó người nhà đến Trạm KSBP xin gọi ứng cứu. 20 phút sau, máy đàm thoại của Trạm KSBP đã kết nối liên lạc với chúng tôi. Bên đầu kia, tiếng anh em Trạm KSBP Đà Rằng trấn an và căn dặn chúng tôi ráng giữ bình tĩnh, mặc áo phao vào, cột tất cả can nước lại" - Anh Hải nhớ lại.

16 giờ, tin tàu CSB xuất bến đi cứu nạn được Trạm KSBP Đà Rằng báo ra khiến ngư dân trên tàu bị nạn mừng khôn xiết. Nhưng màn đêm xuống nhanh, biển động mạnh, nhìn những cột sóng bắt đầu dâng cao, gió rít mạnh dần lên, mọi người biết bão đã cận kề, nỗi hoang mang lớn dần. Càng về đêm, những cột sóng cao 4 đến 5 mét bắt đầu phủ qua boong tàu. Tiếng máy đàm thoại từ Trạm KSBP vẫn lao xao, cứ 10 phút, 20 phút, anh em lại gọi qua máy đàm trấn an, hỏi chuyện. "Trên con tàu bị nạn, chúng tôi nhìn về bờ, mong tìm thấy ánh sáng ngọn đèn của tàu CSB, lòng hoang mang cùng cực. Tôi hình dung cảnh mình không trở về, ba đứa con sẽ bơ vơ, bỏ học mà nước mắt cứ trào ra" -  Ngư dân Hải nghẹn ngào bộc bạch.

2 giờ sáng, một đợt sóng bổ mạnh khiến con tàu chao đảo như muốn đánh úp. 6 ngư dân chuẩn bị thả dàm xuống biển để giữ tàu không bị lật thì đúng lúc Thuyền trưởng Sơn phát hiện có 2 đốm sáng phía trước. Đoán biết đó là 2 chiếc đèn của con tàu CSB, 6 anh em mừng khôn xiết. Nhưng, "tàu cứu nạn ở vị trí này thì cũng cách nơi chúng tôi độ 5 hải lý, vẫn chưa hết nỗi lo sợ khi những ngọn sóng cao 4 đến 5 mét cứ phủ qua tàu" - Anh Hải cho biết.

Nhưng rồi cuối cùng, tàu cứu nạn cũng đã tiếp cận được tàu bị nạn. Ngư dân thả thúng, dùng dây neo cột một đầu vào con tàu, một đầu dây đem theo xuống thúng. Anh Hải và hai đứa cháu xuống thúng trước, chèo qua tàu CSB, nhưng một con sóng dữ đẩy họ vọt thẳng tới trước. 3 anh em còn lại trên tàu kéo dây, đưa thúng quay về lại vị trí ban đầu. Con tàu CSB trườn lên chắn gió, đón chiếc thúng đưa họ lên.

"Sau khi 3 chú cháu tôi lên boong tàu, chiếc dây đã được các anh CSB cột vào đầu bên này, thiết lập một đường dây nối 2 chiếc tàu. 3 người còn lại lần theo đầu dây, bơi qua, lên tàu cứu nạn an toàn. Đó là giây phút chúng tôi biết mình đã được sống để trở về với gia đình" - Anh Hải trải lòng.

Mệnh lệnh trái tim người lính

Hơn 50 năm bám biển, lão ngư Lê Đính có thừa sự dày dạn với bão tố. Vậy nhưng, người đàn ông của biển cả này không khỏi xúc động khi tận mắt nhìn con tàu công suất 420 mã lực của con trai mình được CSB kéo về bờ gần như bị sóng gió của bão biển xé nát. "Trong cơn hoạn nạn này, nếu những người lính thiếu quyết tâm, tình thương và trách nhiệm, tang thương sẽ thật lớn" - Ông Đính bày tỏ cảm kích.

Theo ông Đính, sau khi đưa ngư dân lên tàu cứu nạn, anh em CSB đã dùng dây neo cột để kéo tàu bị nạn về bờ. Để chạy đua với sức gió cấp 8, cấp 9 của bão, con tàu CSB phải tăng hết tốc lực, chạy 25 hải lý một giờ trên biển để kịp đưa người về bờ an toàn trước khi bão ập đến. "Chỉ chống chọi sức gió đã không dễ, chưa nói cả một ngày dài, anh em chỉ ăn mì tôm khô để qua cơn đói" - Ông Đính nói

zjye_13-1.JPG
Ngư dân Lê Văn Hải kể chuyện bị nạn giữa biển và được những người lính BĐBP, Cảnh sát Biển ứng cứu trong bão số 4.
 
Trung úy Nguyễn Thanh Cường, Trợ lý bảo vệ biên giới của BĐBP Phú Yên xúc động cho biết, ngay sau khi nhận tin từ chỉ huy Đồn BP Tuy Hòa báo có tàu bị nạn, bộ phận trực ban tác chiến đã nhanh chóng gửi báo cáo về Thường trực Ban Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đồng thời phát thông báo cho các cơ quan, ngành chức năng, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn Khu vực IV và các đơn vị quân đội trong khu vực đề nghị cứu nạn ngư dân.

Chỉ 1 giờ sau, đã có điện thoại từ anh em Vùng CSB 3 thông báo sẽ cho tàu đi ứng cứu ngư dân. Lúc tàu xuất kích ra biển, Thượng úy Nguyễn Đăng Đức, Thuyền trưởng tàu CSB 2009 của Hải đội 302 còn nhắn gửi: "Các anh BĐBP hãy yên tâm, chúng tôi ra biển sẽ làm hết sức mình để đưa ngư dân về an toàn". "Lời nhắn gửi của một người đồng chí đang cùng chung "chiến hào" nhiệm vụ ứng cứu dân khiến cho chúng tôi xúc động, càng thấy nhiệm vụ của mình thiêng liêng và thật sự ý nghĩa". 

Trong nhiệm vụ cứu tàu, tất cả các công cụ thông tin liên lạc như điện thoại, máy đàm thoại của những người lính đã được huy động sử dụng hết công suất cho việc tổ chức ứng cứu ngư dân. Cùng với những vòng tròn khoanh màu mực đỏ đánh dấu vị trí, tọa độ con tàu bị nạn thả trôi trên bản đồ tác chiến, trên nhật ký điện thoại của Trung úy Nguyễn Thanh Cường vẫn còn lưu dày kín, liên tục các cuộc gọi kể từ 16 giờ, ngày 28-11. Cả những cuộc gọi giữa đêm lúc 1, 2 giờ sáng cho đến 15 giờ, ngày 29-11, liên lạc với Thượng úy Nguyễn Đăng Đức, với Trạm phó của Trạm KSBP Đà Rằng Nguyễn Thanh Hà và gia đình ngư dân.

24 giờ từ khi con tàu CSB 2009 xuất kích đi cứu ngư dân bị nạn là 24 giờ, Trạm KSBP Đà Rằng trở thành nơi người dân làng biển tập trung ngóng trông tin tức người dân từ biển. Bên chiếc máy đàm thoại Icom 780, Đại úy, Trạm phó Trần  Mạnh Hà cùng với 2 đồng đội của mình lại thức trắng đêm để kết nối liên lạc. Đại úy Hà chia sẻ, máy đàm thoại của tàu bị nạn liên lạc với tàu CSB rất khó do gió bão. Vì vậy, Trạm KSBP Đà Rằng trở thành cầu nối, trung chuyển thông tin, vừa liên lạc với anh em tàu bị nạn để nắm được vị trí, tọa độ tàu đang trôi, vừa thông báo cho tàu CSB vị trí đến ứng cứu ngư dân. 24 giờ, chúng tôi đều phải mở máy, sẵn sàng liên lạc.  

Câu chuyện cùng ngư dân vượt nạn giữa biển khơi trong ngày mưa bão được nghe từ làng biển Đông Tác không chỉ giúp tôi hình dung được sự phối hợp khẩn trương, nhịp nhàng và trách nhiệm với tinh thần "cứu dân là nhiệm vụ thiêng liêng" của lực lượng quân đội, mà còn hiểu sâu sắc điều vẫn nghe bà con các làng biển thường nói, "giờ đây, trong cuộc mưu sinh giữa biển khơi, ngư dân chúng tôi biết mình không còn đơn độc".
Phương Oanh

Bình luận

ZALO