Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:56 GMT+7

Trang bị kiến thức pháp luật cho ngư dân trên hành trình vươn khơi

Biên phòng - Nghệ An có 34 xã, phường ven biển, với hơn 250 phương tiện khai thác xa bờ. Thời gian qua, các đồn Biên phòng tuyến biển của BĐBP Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm tuân thủ luật pháp trên biển cho ngư dân.

ser4_18a
Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò, BĐBP Nghệ An tặng máy Icom cho ngư dân. Ảnh: Hải Thượng

Là một trong những cảng cá lớn nhất Nghệ An, cảng Lạch Cờn (Hoàng Mai) là nơi neo đậu, tập kết của khoảng 900 tàu thuyền, trong đó có khoảng 600 chiếc công suất hơn 90CV đánh bắt xa bờ. Những lúc biển động hay kỳ nghỉ trăng, thuyền về đậu kín cảng. Bên cạnh công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục thì đây là khoảng thời gian thuận lợi nhất để lực lượng BĐBP tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khi đánh bắt trên biển tới đông đảo bà con ngư dân.

Thượng úy Chu Văn Thống, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Cờn, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương cho biết: “Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Cờn đã làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền cho ngư dân không đánh bắt sai luồng tuyến, lấn sang vùng biển của các nước láng giềng. Cán bộ, chiến sĩ vừa làm công tác đăng ký, đăng kiểm kết hợp tuyên truyền, vừa xuống thuyền của bà con tuyên truyền, để mỗi phương tiện ra khơi không bị ảnh hưởng sự cố, cũng như gặp rủi ro trên biển”.

Đã nhiều năm hành nghề đánh bắt xa bờ, giờ đây, những ngư dân như ông Phan Văn Tuyên, ở phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai đã tự tin hơn khi đánh bắt ngoài khơi xa, không chỉ bởi thuyền to, máy lớn, trang thiết bị được đảm bảo an toàn, mà hơn hết, khi nắm vững luật pháp thì không còn lo vi phạm pháp luật.

Ông Tuyên chia sẻ: “Tàu tôi là tàu của Dự án 67, chuyên đánh bắt ngoài biển xa, ở vùng vịnh Bắc bộ, khai thác cá thu, cá hố, mực. Qua công tác tuyên truyền của cơ quan chức năng và BĐBP, chúng tôi biết được khu vực đánh cá chung, khu vực nào, vùng nào không được đánh bắt. Trong quá trình đánh bắt, chúng tôi ghi sổ nhật ký, hành trình và vị trí khai thác để đảm bảo đầy đủ thủ tục”.

“Sau khi ngư dân cập bến, chúng tôi phối hợp với các lượng chức năng kiểm tra nhật ký khai thác để xác minh nguồn gốc của các loại sản phẩm, cũng như phạm vi đánh bắt của tàu thuyền. Vì vậy, tất cả các chủ phương tiện đi đánh bắt xa bờ đều thực hiện nghiêm việc ghi nhật ký. Đặc biệt là việc trình báo nguồn gốc các loại hải sản cùng ngư trường khai thác trên biển. Sau khi về bến, sổ nhật ký khai thác thủy sản được nộp về cơ quan chức năng theo đúng quy định” - Thượng úy Chu Văn Thống cho biết thêm.

Ban đầu, các chủ tàu khai thác theo lối kinh nghiệm truyền thống, lại chưa có thói quen ghi nhật ký, như vĩ độ, kinh độ đánh bắt, nhất là tâm lý sợ lộ ngư trường nên còn dè dặt, e ngại khi thực hiện. Nhưng hiện nay, qua công tác tuyên truyền của BĐBP, ngư dân đã nhận thức được vấn đề sống còn của việc ghi nhật ký, trình báo nguồn gốc đánh bắt hải sản nên thực hiện rất nghiêm túc. Để đạt được kết quả trên, ngoài thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, kiểm chứng, BĐBP còn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.

Ông Phan Thế Huy, Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai cho biết: “Phường phối hợp với lực lượng BĐBP triển khai nhiều nội dung, biện pháp để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giúp bà con nắm được phạm vi vùng biển của Việt Nam để đánh bắt, hạn chế tối đa việc xâm phạm vùng biển nước ngoài. Ngoài ra, chúng tôi còn tuyên truyền về Luật Hàng hải và phòng, chống cháy nổ trên biển; kiểm tra chặt tại các cửa sông, cửa lạch trước khi các phương tiện ra khơi đánh bắt để đảm bảo an toàn cho bà con”.

l4nc_18b
Hải đội 2, BĐBP Nghệ An tặng áo phao cho ngư dân. Ảnh: Hải Thượng

Bên cạnh hướng dẫn nhân dân ghi nhật ký đánh bắt hải sản thì việc giám sát vi phạm nghề cá cũng được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quỳnh Phương chú trọng. Các phương tiện khi xuất bến phải có đầy đủ thủ tục, nếu không sẽ không được phép khởi hành. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tại cửa sông, cửa lạch luôn kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành của bà con, kết hợp tuyên truyền về việc đánh bắt tại các tọa độ mà bà con đã đăng ký.

Đại tá Lê Như Cương, Chính ủy BĐBP Nghệ An cho biết: “Trong những năm qua, BĐBP Nghệ An đã chỉ đạo các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới biển tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là các ngư dân đánh bắt xa bờ nâng cao hiểu biết về pháp luật, nhất là Luật Biển Việt Nam, các quy định đánh bắt hải sản trên biển. Quản lý chặt chẽ việc chấp hành ra vào, các quy định trước khi rời bến, cập bến và viết bản cam kết, hải đồ, định vị, xác định vùng biển Việt Nam và vùng biển nước ngoài để đảm bảo quản lý việc đánh bắt. Do vậy, thời gian qua, không có trường hợp nào vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài”.

Khi hành nghề khai thác, mỗi con tàu là một cột mốc trên biển, không chỉ góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, mà còn cùng nhau tạo nên sức mạnh để phát triển kinh tế biển bền vững. Và đồng hành cùng ngư dân bám biển vươn khơi luôn có những người lính Biên phòng Nghệ An.

Hải Thượng 

Bình luận

ZALO