Biên phòng - BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống. Để phát huy vai trò, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, BĐBP phải được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; đặc biệt là phải có trang bị phương tiện, thiết bị phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Luật Biên phòng Việt Nam đã quy định về trang bị của BĐBP như sau:
“Điều 22. Trang bị của BĐBP
1. BĐBP được trang bị phương tiện quân sự, dân sự, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
2. Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của BĐBP”.
Theo quy định trên, BĐBP được trang bị 2 nhóm phương tiện, thiết bị, đó là: i) Phương tiện quân sự, dân sự, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; ii) Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Quy định về trang bị của BĐBP trong Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện trên những phương diện cơ bản sau đây:
Một là, quy định trang bị của BĐBP đã thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng QĐND nói chung và lực lượng BĐBP nói riêng.
Quy định của Luật Biên phòng Việt Nam đã góp phần thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đặc biệt, quy định này đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, đó là: Xây dựng lực lượng toàn dân bảo vệ biên giới rộng khắp, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách; tập trung đầu tư phương tiện, trang bị tiên tiến, hiện đại, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, công tác của BĐBP theo định hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả.
Hai là, quy định trang bị của BĐBP đã kế thừa quy định của Pháp lệnh BĐBP, đồng thời có sự phát triển phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới.
Điều 11, Pháp lệnh BĐBP quy định: “BĐBP được bố trí lực lượng và cơ động trong khu vực biên giới trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và các cửa khẩu; được trang bị và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ an ninh, các loại phương tiện, vũ khí, khí tài, kỹ thuật quân sự, công cụ hỗ trợ và xây dựng các công trình bảo vệ biên giới quốc gia theo yêu cầu nhiệm vụ". Bên cạnh việc kế thừa quy định trên, Luật Biên phòng Việt Nam còn khẳng định việc trang bị phương tiện dân sự, vũ khí, vật liệu nổ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho BĐBP.
Ba là, quy định trang bị của BĐBP thống nhất với các quy định khác của Luật Biên phòng Việt Nam và phù hợp với quy định pháp luật nói chung, đặc biệt là quy định trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Trong đó, trang bị của BĐBP là điều kiện thiết yếu để thực hiện các nhiệm vụ của BĐBP (Điều 14), sử dụng các quyền hạn của BĐBP (Điều 15) quy định tại Luật Biên phòng Việt Nam. Đồng thời, quy định này phù hợp với việc thực hiện các quyền hạn cụ thể của BĐBP khi sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và Điều 17, Luật Biên phòng Việt Nam.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 4, Điều 19, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì Nghị định do Chính phủ ban hành là một loại văn bản quy phạm pháp luật, quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. Do đó, Quốc hội đã giao Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của BĐBP.
Việc xây dựng và ban hành nghị định này sẽ giúp cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP thống nhất về nhận thức và tổ chức thực hiện đối với các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Để có thể sử dụng trang bị có hiệu quả, nhất là phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, BĐBP cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có đủ trình độ, khả năng sử dụng thành thạo các trang thiết bị này.
Có thể khẳng định, quy định về trang bị của BĐBP trong Luật Biên phòng Việt Nam thể hiện sự đánh giá của Nhà nước về tầm quan trọng của công tác quốc phòng nói chung và công tác biên phòng nói riêng cũng như sự cần thiết trang bị phương tiện, thiết bị cho lực lượng BĐBP đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong điều kiện, tình hình mới.
Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để BĐBP quản lý, khai thác và phát huy tối đa hiệu quả các phương tiện vật chất trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về chủ trương, quan điểm xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu đến năm 2030 xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Thạc sĩ Phạm Công Minh, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng