Biên phòng - Tại các xã biên giới huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, các Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới ngày càng được củng cố, phát triển và hoạt động có hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng Biên phòng trong công tác đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng biên.

Con đường trải nhựa rộng, bằng phẳng từ trung tâm thị trấn A Lưới lên khu vực cửa khẩu Hồng Vân dài chừng 30km lúc nào cũng tấp nập xe cộ. Hai bên đường, những nếp nhà gỗ thô sơ, cũ kỹ trước đây đã được thay bằng những ngôi nhà cao tầng, kiên cố.
Những bãi đất vốn bỏ hoang, trơ trọi sỏi đá, nay được người dân cải tạo, phủ xanh bằng đồi tràm, nương lúa xanh ngát, đời sống của đồng bào được cải thiện nhiều... Đó là những hình ảnh đầu tiên về sự “thay da đổi thịt” của người dân tại xã biên giới Hồng Vân mà chúng tôi được chứng kiến trên đường tuần tra cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân và Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới thôn Ka Cú 2, xã Hồng Vân, huyện A Lưới.
Cột mốc 645 nằm ngay cửa khẩu Hồng Vân – Kô Tài. Đây là điểm đến đầu tiên trên tuyến biên giới để chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình theo con đường tuần tra đến cột mốc 644. “Tổ chúng tôi có 30 thành viên, đa số anh em đều làm ăn trên nương rẫy nên thường xuyên lên khu vực biên giới. Bây giờ bắt đầu mùa mưa nên đi tuần tra cũng gặp rất nhiều khó khăn do địa hình đồi núi hiểm trở, phức tạp” - Đó là những chia sẻ mà chúng tôi được nghe qua lời kể mộc mạc của anh Trần Văn Hiền, Tổ trưởng Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới thôn Ka Cú 2.
Anh Trần Văn Hiền cho biết: “Bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia là nhiệm vụ hết sức vinh quang, nhưng cũng lắm gian nan, vất vả. Tổ chúng tôi được thành lập cách đây hơn 1 năm, nhưng địa bàn rộng, địa hình đồi núi hiểm trở, các dụng cụ hỗ trợ lại thô sơ...
Ngoài những lúc tuần tra cùng cán bộ Đồn BPCK Hồng Vân, khi các thành viên trong tổ đi làm trên rẫy có lúc gặp các đối tượng khai thác lâm, khoáng sản trái phép nhưng không có khả năng khống chế vì không đảm bảo an toàn. Do vậy phải nhanh chóng di chuyển về thông báo cho cán bộ Biên phòng biết xử lý”.
Đồn BPCK Hồng Vân quản lý địa bàn 3 xã gồm Hồng Trung, Hồng Vân, Hồng Thủy. Đây là khu vực giáp với huyện Xá Muội, tỉnh Salavan, nước bạn Lào và huyện Đắkrông của tỉnh Quảng Trị. Thời gian qua, địa bàn này được coi là điểm nóng về hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt là tình trạng buôn bán, sử dụng ma túy, chất nổ...
Chính sự ra đời của mô hình Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, đang hoạt động có hiệu quả đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng Biên phòng trong phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.
Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, từ nguồn tin của các thành viên Tổ tự quản về đường biên, mốc quốc giới cung cấp và công tác trinh sát địa bàn, Đồn BPCK Hồng Vân đã phối hợp với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Thừa Thiên Huế cùng các lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ hơn 2m3 gỗ vô chủ; bắt giữ 1 vụ với 1 đối tượng vận chuyển, mua bán vật liệu nổ; bắt giữ 2 vụ với 4 đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ 183 viên ma túy tổng hợp, 5,7g heroin, 1kg thuốc nổ.
Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu tá Hồ Văn Việt, Chính trị viên phó Đồn BPCK Hồng Vân cho biết: “Xác định công tác bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, đặc biệt từ khi thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, đơn vị đã tham mưu và phối hợp với chính quyền địa phương thành lập được 7 Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới với 201 hộ dân tự nguyện tham gia.
Thông qua mô hình này, lực lượng Biên phòng cùng với các thành viên trong tổ đã tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân ở khu vực biên giới về những quy định, quy chế về biên giới, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, bà con rất hăng hái cùng lực lượng Biên phòng giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn”.
Các thành viên ở Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới đều sinh sống lâu năm ở địa phương và có uy tín trong nhân dân. Vì thế, khi tuyên truyền, vận động bà con chấp hành các hiệp định, hiệp nghị, quy chế biên giới, Luật Biên giới quốc gia, quy định của địa phương về an ninh trật tự..., bà con ai cũng tự giác thực hiện.
Có thể khẳng định rằng, sự ra đời các Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới đã góp phần quan trọng trong việc đấu tranh, phòng ngừa hoạt động của các loại tội phạm. Vì thế, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn biên giới luôn được đảm bảo, cuộc sống của người dân từng bước ổn định. Bà con ngày càng ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới nơi mình đang sinh sống.
Võ Tiến