Biên phòng - Xét về binh pháp quân sự, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Đây là địa điểm nằm ở vị trí “yết hầu” quan trọng, nơi hợp lưu 3 con sông: Nhật Lệ thông ra cảng biển, Đại Giang (Long Đại) đi Trường Sơn, Kiến Giang lên thác Cốc và vào đến Vĩnh Linh. Chính vì vậy, xã Hiền Ninh trở thành một trong những căn cứ hậu cần lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Bài 2: “Kỷ luật tự giác” của nông dân
Bài 3: Căn cứ hậu cần trong dân
Nhúm tép chia đôi
Người dân thôn Đông Cổ Hiền, xã Hiền Ninh đã đồng ý cho Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên dời về ở hẳn trong nhà thờ họ Nguyễn. Còn nhà thờ họ Trương làm tổng đài thông tin phục vụ công tác chỉ huy toàn chiến trường Trường Sơn. Nhà thờ họ Lê làm kho hậu cần. Các đồng chí Phó Tư lệnh và lãnh đạo các cục, phòng, ban... thuộc cơ quan Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đều ở trong nhà dân.
Bà Nguyễn Thị Luyên, ở thôn Đông Cổ Hiền, xởi lởi: “Tui mới làm xong ngôi nhà chưa ở được ngày mô, cả gia đình tui phải dọn về dưới nhà ông ngoại (bố) ở nhờ chật chội với nhau, giao lại ngôi nhà cho ông Lê Đình Sum, Phó Tư lệnh ở và làm việc. Cây cối trong vườn hạ xuống để làm hầm trú ẩn”. Nhà ai lớn thì có nhiều cán bộ, chiến sĩ ở, còn nhà nhỏ thì ở 2 - 4 người. Trường cấp 3 cũng di dời đi nơi khác để làm văn phòng, nhà khách của Bộ Tư lệnh, đón nguyên thủ quốc gia và khách quốc tế.
Một “đại bản doanh” cấp chiến lược, chỉ huy công tác vận tải, hậu cần cho tất cả các chiến trường miền Nam và sang tận Lào, Campuchia. Thế nhưng cả Bộ Tư lệnh không có một tấm ngói nhà doanh trại của riêng mình, tất cả đều dựa vào dân. Có chăng chỉ có một cái nhà bếp tập thể làm bằng tranh tre. Đến giờ chia cơm, tất cả cán bộ, chiến sĩ đều tập trung đến nhận cơm rồi mang về từng nhà ăn.
“Dân cũng khổ, bộ đội cũng khổ. Nhưng dân đỡ hơn chút ít, vác lưới chài ra ngoài đồng, bờ sông bắt được con cá, con tôm phụ thêm. Nhà có nhúm tép, củ khoai cũng múc chia đôi cho bộ đội ăn. Người dân nuôi được con lợn, con gà..., thèm lắm, nhưng nghĩ bộ đội ngoài mặt trận, trên rừng Trường Sơn gian khổ, thiếu thốn nhiều nên gửi tặng bộ đội hết, mình ở nhà ăn rau cũng được” - Ông Trương Đình Phượng, ở thôn Đông Cổ Hiền, nói lên tấm lòng người dân ở đây son sắt với bộ đội.
Thôn Đông Cổ Hiền có lũy Đào Duy Từ sát bờ sông Kiến Giang, cây cối tốt như rừng già. Bộ đội Trường Sơn xây dựng xưởng đóng tàu, phà vận tải đường sông. Ông Phượng nhớ lại: “Nông dân cả thôn này ban ngày phải ra đồng lao động kiếm cái ăn. Đêm xuống, già trẻ, trai gái gì cũng đi đẩy phà đông như hội. Đẩy xong, chuyển sang đào âu thuyền cho tàu, phà vào ẩn nấp máy bay. Cứ làm như rứa mãi, không ai tính toán thua thiệt chi hết”. Hàng vạn tấn vũ khí, lương thực, quân trang, quân dụng... từ cảng biển Nhật Lệ theo đường sông lên tập kết tại đây, để xe ô tô từ đường Hồ Chí Minh về chuyển đi.
Ông Nguyễn Đức Thể kể câu chuyện cảm động: “Năm 1968, dân quân thôn Bắc Cổ Hiền bốc vác gạo vào kho suốt cả đêm. Nửa đêm, bộ đội cho dân quân bao gạo nấu cơm ăn đỡ đói giữa ca. Mới xúc được 6 lon ra nấu thì phát hiện là bao gạo nếp. Ông Trương Đình Biểu, Thôn đội trưởng dân quân yêu cầu anh em khâu miệng bao lại và vác trả cho bộ đội. Vì nếp quý hơn gạo phải để dành cho chiến trường. Tất cả người dân chúng tôi đều nêu cao tính “kỷ luật tự giác”.
Các “kiện tướng” bốc vác
Cụm từ “kỷ luật tự giác” luôn luôn ở trong tâm khảm những người nông dân ở đây. Từ việc lớn đến việc nhỏ, khi các đơn vị bộ đội Trường Sơn cần, họ sẵn sàng xả thân. Giai đoạn vận chuyển cao điểm, họ đi vác gạo suốt cả đêm nhưng không lấy một đồng thù lao nào. Vì vác xa, vác nhiều, nhiều phụ nữ có biệt hiệu: “Minh trốc xeng”, “Thới trốc xeng”, “Luyên trốc xeng”.
Ông Thể giải thích cụm từ “trốc xeng”: “Thường mỗi bao gạo chỉ có 50kg thôi, nhưng trong đó có nhiều bao đóng lên 70 - 80kg/bao, phía ngoài bao có ký hiệu vòng tròn màu xanh. Chị Minh, Thới, Luyên... thường xung phong vác những bao có ký hiệu 70 - 80kg. Mấy chị này người nhỏ, thấp nhưng tính tập thể cao lắm”. Còn bà Lê Thị Thảnh, ở thôn Đông Cổ Hiền, vừa là dân công bốc vác, vừa là chủ nhà và thủ kho, bộc bạch: “Nhà tui có 3 gian lợp ngói, từ năm 1966 đến năm 1971 cho bộ đội làm kho đựng gạo, xoong nồi, thuốc men... Chồng đi kháng chiến, cả mấy mẹ con ở dưới hầm là chủ yếu”.
- Thời đó, nhà cho Quân đội làm kho chắc lúc nào cũng ăn no” – Tôi tò mò.
- Ai mà dám đụng vào của Nhà nước, một hạt gạo rơi ra ngoài cũng lấy chổi quét vào kẽo sợ hao chứ đừng nói lấy một nắm mà ăn. Không phải chỉ có nhà tui mô, cả làng này ai cũng bảo vệ như rứa. Phía sau lũy Thầy, vật tư hậu cần của Quân đội chất từng đống cao như núi cũng được bà con bảo vệ như bỏ trong nhà.
Thôn Đông Cổ Hiền còn là trạm trung chuyển thương binh từ các chiến trường chuyển ra. Bà Trương Thị Thới nhớ lại như in: “Đa số thương bình từ các chiến trường phía Nam đều vận chuyển đi đường tắt giữa đồng, tránh né bom bắn phá bến phà Long Đại. Người nào bị nhẹ thì đưa đò chở sang bên bờ sông, rồi cáng đi qua giữa cánh đồng xuống Quán Hàu. Còn những người bị thương quá nặng thì chở đò chèo cả đêm xuống tận Đồng Hới. Trên đường đi có nhiều chuyến bị máy bay Mỹ theo đuổi thả bom hy sinh cả đoàn. Dân không sợ, lớp khác xung phong đi thay thế”.
Đất nước hòa bình, ông Đồng Sĩ Nguyên trở lại thăm Sở Chỉ huy – nhà thờ họ Nguyễn, xúc động tâm sự với bà con: “Riêng bản thân tôi may mắn được bà con cho ở và làm việc ngay trong nhà thờ họ Nguyễn, ấm cúng, an toàn và được bà con đùm bọc suốt cả thời gian tại đây”.
“Ở “đất lửa” Quảng Bình, ngày đêm phải gồng mình chống chọi với chiến tranh phá hoại. Một hạt thóc, củ khoai trên đồng ruộng phải cõng bao nhiêu bom đạn, bão giông... Người dân lấy khoai thay cơm, dành gạo chi viện chiến trường. Trên mặt trận giao thông vận tải, hầu như người dân Quảng Bình là một dân công, trai gái đều là thanh niên xung phong. Nhà dân là doanh trại bộ đội, là quân y xá, kho tàng... Mỗi chủ nhà là một thủ kho bản lĩnh và phẩm chất sáng ngời. Cả gia đình sắn, khoai là chủ yếu trong bữa ăn hằng ngày, nhưng gạo của chiến trường không mất một hạt” – Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên từng nhận xét.
Theo ông Nguyên, có 4 sự kiện lịch sử hiếm có đối với Bộ đội Trường Sơn đóng tại xã Hiền Ninh. Thứ nhất, Tổng Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã đến thăm và làm việc, trực tiếp giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn: “Phải bằng mọi giải pháp táo bạo, hữu hiệu để nâng cao năng lực chi viện của tuyến đường chiến lược Hồ Chí Minh. Kịp thời đón và phát huy thời cơ, góp phần rút ngắn thời gian giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.
Thứ hai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và làm việc, giao nhiệm vụ: “Đẩy nhanh tốc độ xây dựng đường Đông Trường Sơn, phát huy quy mô các binh chủng hợp thành. Tạo cơ sở khi có thời cơ đến, nhanh chóng hành binh thần tốc, mở các chiến dịch quy mô cực lớn...”.
Thứ ba, Quốc vương Campuchia Sihanouk và Hoàng hậu đã đến thăm Bộ Tư lệnh Trường Sơn và đề nghị: “Giúp đỡ chuyên chở cơ động các loại vũ khí hạng nặng do Trung Quốc viện trợ về Campuchia để chuẩn bị đánh giải phóng Thủ đô Phnom Penh”. Thứ tư, Bộ Tư lệnh Trường Sơn sau 14 năm chiến đấu ác liệt, lần đầu tiên tổ chức lễ mừng công và đón danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 46 đơn vị và cá nhân.
Hải Luận