Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:14 GMT+7

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh:

“Trận đồ bát quái” Trường Sơn

Biên phòng - “Bến phà Long Đại trực tiếp gần vĩ tuyến 17, nơi chiến sự ác liệt nhất, đồng thời nằm ở trung tâm các tuyến đường chiến lược: 20, 10, 16, 18… nối Đông - Tây Trường Sơn, đây là một trong những “tọa độ lửa” ác liệt nhất trên đường Hồ Chí Minh. Không quân Mỹ quyết “bịt” bến phà Long Đại, nhưng không bao giờ thực hiện được” - Cố Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã từng khái quát như vậy.

Bài 1: Mở đường mà tiến

Bài 2: “Kỷ luật tự giác” của nông dân

yndu_10a
Cầu Long Đại trên đường Hồ Chí Minh và đường sắt. Trong chiến tranh, bến phà và cầu phao Long Đại trở thành “tọa độ lửa” của không quân và pháo hạm Mỹ đánh phá dữ dội nhất. Ảnh: Hải Luận

Bà Phan Thị Thuật, nguyên Trung đội trưởng dân quân thôn Long Đại, Xã đội trưởng xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, kể về những ngày gian khó nhất: “Sức mạnh của những tốp máy bay phản lực bổ nhào xuống ném bom sát rạt khiến làng mạc, đường sá bị phá sạch. Dân đào hầm trú ẩn cho mình đã đành, còn có nhiệm vụ đào cả hầm trú ẩn cho xe ô tô vận tải ở giữa làng. Máy bay địch trút hết bom quay đầu. Trực chiến bắn 3 phát súng làm hiệu lệnh an toàn. Ngay lập tức, dân dưới hầm mang dụng cụ lên san lấp hố bom, giải phóng bến phà, mặt đường cho xe chạy qua ngay. Lúc đó, mỗi người dân Long Đại phải tự trang bị cuốc, xẻng, rổ, cáng, ván gỗ, cọc tre...”.

Mạ đi “cứu” đường, con ở nhà đói sữa

Theo bà Thuật, phải chuẩn bị trước để kịp ứng phó san lấp mặt đường ở bất kể thời điểm nào. Bà Thuật nhớ lại: “Chú tính đi, một quả bom tấn rớt xuống nổ tung lên, nó đào sâu xuống hơn 20 mét, rộng mấy chục mét. Phá như rứa có xe mô mà qua được. Cạn thì chặt cây, hốt đá bỏ xuống lấp cho xe đi tạm qua. Nếu mà sâu, dân làng phải đào núi mở đường tránh ngay trong đêm, không chậm trễ phút giây mô. Mần (làm) đến lúc mô xe chạy được thì thôi. Có khi mới mần xong đường, máy bay ra dội bom xuống phá tan nát hơn lần trước. Ngớt đợt bom, dân bắt tay làm lại đường”. Người dân ở đây luôn đề cao tính “kỷ luật tự giác”, nghĩa là chỉ nghe hiệu lệnh là xuất kích ngay, nhiệm vụ bắn máy bay, giải phóng bến phà, mặt đường là trên hết.

Nhà của Trung đội trưởng Thuật bị một quả bom nổ tung cả ngôi nhà, người thân không còn ai. Người con gái ngoài 20 tuổi này không có nhà phải đi “ăn ở tập trung” dưới hầm của dân quân và chỉ huy dân làng đánh trả và khắc phục hơn 4.000 lần máy bay Mỹ ném bom.

“Dù nhà bị bom đánh nát, tui cũng không đau xót bằng mấy chị mới sinh con được mấy tháng cũng phải bỏ con ngủ dưới hầm ban đêm để đi cứu phà, mở đường, san lấp hố bom... Mạ (mẹ) vác đá ở dưới “bão bom”, ngực đau vì căng sữa, con ở nhà khóc đói sữa cả đêm. Tối mô tui cũng lo nơm nớp cho mấy chị có con nhỏ, lỡ có chuyện chi về tính mạng thì khổ, mấy đứa con nhỏ ai nuôi? Biết đó, nhưng hết cách rồi, không đi làm thì lấy dân công mô mà thay thế. Đường bị tắc một đêm, nghĩa là chiến trường miền Nam bị lùi một bước. Tui nghĩ đơn giản như rứa nên huy động mọi người dân lên mặt đường hết” – Bà Thuật tâm sự từ đáy lòng mình.  

Bà Thuật kể lần cứu chiếc phà và 2 chiếc xe ô tô tải: “Đêm hôm đó có người về báo, phà bị máy bay đánh gần chìm ở giữa sông. Tui huy động cả trung đội dân quân vượt qua mấy bãi bom chưa nổ và cùng bộ đội kéo phà. Bất ngờ, tốp máy bay 3 chiếc thay nhau lao xuống trút bom. Một bên mạng người, một bên “mạng phà”, bên mô cũng quan trọng. Tui hô cả trung đội nhảy xuống nước đu vào 2 bên phà, vừa núp máy bay, vừa bơi đẩy phà. Không một ai rời khỏi vị trí. Vô được bờ, cả trung đội kề vai vô đẩy thay máy, thay cáp để đưa 2 chiếc xe ô tô tải chạy nhanh vào làng ẩn nấp. Cứu được hai xe hàng, tui đề nghị đơn vị bộ đội cho 5 dân quân (Thuật, Nuôi, Miện, Kiểm, Xuân) ở lại dưới phà tát nước và đưa phà lên cửa Rào Trù trốn dưới lùm cây. Lên đó cũng không được yên tí mô, máy bay trinh sát cứ bay vè vè đi tìm dọc bờ sông. Nó tìm thấy sẽ “chỉ điểm” cho máy bay phản lực mang bom ra “nện” mình tiếp. Cũng may lúc đó, dân quân đã chặt cây ngụy trang xong phà rồi”.

Đánh địch bằng phương án đổ bộ đường không

Hồi đó, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên mới chuyển về thôn Đông Cổ Hiền, xã Hiền Ninh cho thuận tiện việc chỉ huy vận tải. Hầm trú ẩn được làm trong vườn ông Trương Đình Vút. Một đêm, máy bay Mỹ “chào” ông bằng mấy quả bom cháy vào làng, trong đó có một quả ném gần trúng hầm Tư lệnh.

Sáng sớm hôm sau, ông Nguyên đến nhà ông Nguyễn Đức Thể (cách mấy trăm mét), Xã đội phó dân quân xã Hiền Ninh, hỏi chuyện: “Tôi hỏi anh xã đội. Tối hôm qua, địch đánh mấy quả bom là có ý gì? Hay chỗ Sở Chỉ huy của Bộ Tư lệnh đã bị lộ?”. Ông Thể trả lời khúc chiết: “Tư lệnh quá hiểu rồi, vùng này là trọng điểm ném bom của máy bay Mỹ. Đêm hôm qua, nó đánh chỉ mang tính thăm dò vu vơ. Vì cùng một lúc, nó đánh xuống 3 quả, nằm ở 3 vị trí khác nhau trong làng. Thế thì không thể nào hầm của Tư lệnh bị lộ được. Nếu giả sử thằng địch biết cả Bộ Tư lệnh đang nằm ở đây, chỉ trong vòng 3 giờ, nó sẽ cày xới cả làng này rồi”. 

pb73_10b
Ông Nguyễn Đức Thể, nguyên Xã đội phó dân quân xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình được Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên tặng khẩu súng này. Ảnh: Hải Luận

Ông Thể lấy bến phà Long Đại ra làm dẫn chứng cho Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên an tâm: “Chỉ có 2 chiếc xe ô tô vận tải vượt sông, thằng địch đã huy động trên 10 lượt máy bay ra ném bom. Huống hồ cả một Bộ Chỉ huy cấp chiến lược, sao mà hắn để cho mình yên được”.

Nghe ông chỉ huy dân quân du kích lập luận có lý, sát với thực tiễn và khoa học quân sự, ông Nguyên đã an tâm phần nào. Tư lệnh Nguyên tiếp lời: “Anh xã đội mà nhận định như vậy là đúng. Cả đêm hôm qua, tôi cũng có suy nghĩ như anh vậy”. Một lát sau, ông Nguyên hỏi ông Thể: “Giả sử địch đổ bộ bằng đường không, đánh thẳng vào Bộ Tư lệnh, xã có phương án bảo vệ Bộ Tư lệnh như thế nào?”.

Như đúng kế hoạch huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của dân quân xã lâu nay, ông Thể trả lời như nhà quân sự chính quy: “Thằng địch không thể đổ bộ xuống giữa làng được, vì nhà cửa, cây cối của dân chằng chịt như rừng. Phía sau làng có con sông lớn, nó cũng không dám nhảy xuống. Chỉ còn một “đường xuống” là trước làng có cánh đồng lúa. Xã đội đã cho triển khai mấy khẩu pháo cao xạ bắn phòng không và đào hầm, hào chiến đấu, nối thông với nhau theo các trục đường, từng cụm phòng ngự. Dân quân trong thôn được huấn luyện và phân công nhiệm vụ rõ ràng: Tổ cảnh giới và bắn máy bay đổ bộ, trực 24/24 giờ; Tổ chiến đấu và ém phục đánh chặn đường; Tổ chữa cháy. Mỗi khi có máy bay đến, mệnh lệnh phát ra là nổ 3 phát súng làm hiệu lệnh, cả làng phải nhanh chóng vào vị trí chiến đấu ngay lập tức. Kế hoạch đánh như rứa đó. Địch xuống đây chỉ có chết. Hết đường về”. 

Ông Nguyên tiếp tục tìm hiểu cụ thể cách bố trí lực lượng chiến đấu bảo vệ ở tình huống khẩn cấp hơn, ác liệt hơn. Ông Thể đưa ra phương án “át chủ bài” với 3 mũi đặc biệt để dẫn đường rút lui an toàn cho Bộ Tư lệnh. Mũi thứ nhất, do ông Thể trực tiếp chỉ huy và 3 dân quân dẫn Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đi đường tắt ra lũy cây rậm rạp sát bờ sông để “thoát” theo bờ sông xuống xã Tân Ninh hoặc vượt sông sang xã Duy Ninh. Mũi thứ hai, do 2 trung đội trưởng dân quân dẫn các Phó Tư lệnh đi đường Sú và cắt qua đập Hà, sang xã Tân Ninh. Mũi thứ ba, theo lũy Đào Duy Từ để thoát lên đường Hồ Chí Minh và sẽ có ô tô đến đón.

Toàn bộ kế sách này làm cho nhà chỉ huy quân sự, vận tải thao lược như ông Nguyên hoàn toàn yên tâm và đánh giá rất cao trình độ hiệp đồng, tác chiến chiến đấu tại chỗ của đội quân nông dân.

Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên hỏi ông Thể tình hình thám báo, gián điệp có hoạt động ở vùng này không? Ông Thể trả lời dứt khoát: “Loại đó sao mà sống nổi ở đây được. Mỗi người dân làng này là một chiến sĩ của Bộ đội Trường Sơn. Người lạ vô đây bị người dân theo dõi sát liền. Tư lệnh yên tâm đã có làng bảo vệ rồi thì không ai làm gì được hết”.

Bài 3: Căn cứ hậu cần trong dân

Hải Luận

Bình luận

ZALO