Biên phòng - Trạm xá quân dân y bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh được xây dựng nhằm chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP và đồng bào dân tộc Chứt trên địa bàn. Do BĐBP Hà Tĩnh bố trí bác sĩ quân y có trình độ chuyên môn giỏi, y đức tốt về làm việc nên đã thu hút đông đảo nhân dân, kể cả bà con các vùng lân cận đến khám bệnh hàng ngày. Không phải tốn kém đi xa khi ốm đau, bà con địa phương thường gọi Trạm xá quân dân y Rào Tre là trạm xá giúp dân xóa đói, giảm nghèo.
![]() |
Bác sĩ Nguyễn Nam Giang khám chữa bệnh cho nhân dân. |
Với mục đích tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe, phát triển thể chất cho đồng bào Chứt, Trạm xá quân dân y kết hợp bản Rào Tre đã được BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với Quỹ nghĩa tình Trường Sơn, báo Sài Gòn giải phóng kêu gọi đầu tư xây dựng. Sau một thời gian thi công, tháng 7-2013, công trình y tế với quy mô 3 phòng khám, hơn 10 giường bệnh và phòng lưu trú cho bệnh nhân đã được khánh thành đưa vào sử dụng. Giữa đại ngàn Trường Sơn đã xuất hiện một công trình trạm y tế được xây dựng khang trang để khám, chữa bệnh cho bà con, BĐBP Hà Tĩnh đã cử Thượng úy, bác sĩ đa khoa Nguyễn Nam Giang về giữ vai trò Trạm xá trưởng, trực tiếp khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân.
Với trình độ chuyên môn vững vàng, chu đáo tận tình, Thượng úy Giang nhanh chóng lấy được niềm tin yêu của bà con dân bản. Giờ đây, mỗi khi ốm đau, bệnh tật, thay vì mời thầy mo, thầy cúng, đồng bào lại tìm đến gõ cửa Trạm xá quân dân y để được chữa trị kịp thời, bất kể thời gian nào trong ngày. Không chỉ khám, chữa những bệnh thông thường, Thượng úy Giang còn được bà con trong vùng biết đến như một bà đỡ mát tay. Khi nhận được sự yêu cầu của các gia đình, cán bộ quân y Biên phòng sẵn sàng đến trực tiếp cùng nhân viên y tế địa phương giúp đỡ các sản phụ khó sinh. Biết bao em bé đã cất tiếng khóc chào đời trên tay người bác sĩ quân y Biên phòng luôn tận tụy vì sức khỏe của người dân này. Thế nhưng, khi nói về bản thân, anh chỉ khiêm tốn: "Nhân dân ở đây chủ yếu mắc các chứng bệnh thông thường như cảm cúm, sốt rét, suy nhược cơ thể… Những bệnh này thì chỉ cần dùng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý thì sẽ nhanh khỏi. Còn chuyện đỡ là công việc bình thường của bất cứ cán bộ nhân viên y tế nào".
Trong khi y tế tuyến xã tại các xã Hương Liên, Hương Lâm… của huyện Hương Khê chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Nhiều trường hợp, bệnh nhân phải được đưa về Bệnh viện đa khoa của huyện (tại thị trấn Hương Khê) cách đó khoảng 25km để được khám chữa bệnh. Do điều kiện phương tiện giao thông công cộng chưa có, nếu thuê xe ôm cả đi lẫn về, họ cũng phải mất ít nhất 200 nghìn đồng. Đó là chưa kể đến những ca mắc bệnh hiểm nghèo, cấp cứu phải thuê cả ô tô vận chuyển bệnh nhân rất tốn kém. Chính vì thế mà nhân dân ở đây rất sợ ốm đau.
Trước đây, mỗi khi bị mắc bệnh, người dân thường tìm đến thầy mo, thầy cúng mong được đuổi ma, trừ tà. Đã có không ít trường hợp bị tử vong do không được cứu chữa kịp thời. Từ khi Trạm xá quân dân y Rào Tre đi vào hoạt động, cùng với sự có mặt của bác sĩ Nguyễn Nam Giang thì bà con không còn phải lo lắng mỗi khi ốm đau. Dù mắc các chứng bệnh thông thường, bà con đều được đưa đến trạm xá để được khám và điều trị. Trường hợp đặc biệt, nếu bệnh nhân không thể đi lại được hay ốm nặng thì bác sĩ Giang sẽ đến tận nhà để chữa trị cho nhân dân. "Khám chữa bệnh ở đây thì phải luôn xác định là hết lòng phục vụ nhân dân. Phải cẩn thận từ lời ăn tiếng nói đến những cử chỉ nhỏ nhất, nếu để bà con phật ý, họ sẵn sàng bỏ về ngay mặc dù đang mang bệnh. Thường thì khi bệnh nhân đến, sau khi nắm chắc các triệu chứng, chẩn đoán bệnh, tùy theo mức độ mà chúng tôi sẽ quyết định cho họ về nhà hay giữ lại điều trị lưu trú. Bà con sẽ đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với việc di chuyển lên cơ sở y tế tuyến trên như trước đây" - Bác sĩ Nguyễn Nam Giang khẳng định.
Hôm chúng tôi có mặt tại cơ sở y tế này thì gặp anh Nguyễn Văn Hùng, ở thôn 3, xã Hương Lâm vừa đưa cậu con trai tới trạm xá và đang chờ đến lượt khám bệnh. Con của anh bị sốt mấy ngày hôm nay, anh tâm sự: "Thời gian trước, muốn khám bệnh thì nhân dân trong vùng phải xuống tận Bệnh viện huyện, vừa xa, lại tốn kém. Bà con chúng tôi rất vui mừng khi có Trạm xá quân dân y kết hợp. BĐBP Hà Tĩnh còn bố trí bác sĩ quân y giỏi về địa bàn công tác. Giờ đây, chúng tôi không còn phải đi xa tốn kém nữa nên thường nói với nhau, đây là công trình xóa đói, giảm nghèo hiệu quả nhất của bà con".