Biên phòng - Giữa mùa hè khô hạn, nhưng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trên bình độ nghìn mét vẫn còn lạnh, mịt mờ sương khói. Vòng qua dãy núi Keo Nưa trập trùng, tiết trời ở nước bạn Lào bỗng nắng nóng hừng hực. Chính ở nơi khí hậu khắc nghiệt này, sự gắn kết giữa BĐBP Việt Nam với đồng bào các bộ tộc Lào ở các bản giáp biên lại càng nồng ấm, hiếm nơi nào sánh được.

Cách thị trấn Lạc Xao, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô-ly-khăm-xay (Lào) 35km, Cầu Treo là địa danh gắn liền với những đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Khi Cầu Treo được xây dựng thành cửa khẩu quốc tế vào năm 1988, hơn 1.500 người Mông Lào Sủng từ các vùng lân cận di cư đến Thoọng Pẹ, cách cửa khẩu Cầu Treo 15km để phá rừng trồng hoa... anh túc! Đây là điểm dân cư cuối cùng của bạn Lào giáp Việt Nam, nằm giữa thung lũng bên dòng sông Nậm Pao.
Để giúp chính quyền và nhân dân nước bạn Lào xóa sạch tệ nạn ma túy, đói nghèo ở bản Thoọng Pẹ, đầu năm 2000, BĐBP Hà Tĩnh đầu tư san ủi, cải tạo toàn bộ sân bay Na Pei cũ thành cánh đồng, đắp đập thủy lợi, cử cán bộ Đồn BPCK quốc tế Cầu Treo sang hướng dẫn dân bản Thoọng Pẹ cách trồng lúa nước. Mùa đầu, đồng bào còn ngơ ngác đứng trên bờ nhìn bộ đội lội xuống ruộng cấy. Được bộ đội chỉ dẫn, mùa sau cả bản rủ nhau tham gia, không chỉ trồng lúa nước mà còn nghe lời bộ đội trồng gừng và cây gió tạo trầm. Năm 2007, khi tệ nạn ma túy được đẩy lùi, cũng là lúc Bộ Tư lệnh BĐBP đồng ý cho Đồn BPCK quốc tế Cầu Treo xây tặng bản Thoọng Pẹ một trạm xá quân dân y kết hợp. Đây là trạm quân dân y duy nhất của Việt Nam nằm trên đất Lào, được đầu tư trang bị y tế đủ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người bệnh các bản làng giáp biên.
Trạm xá xây xong, có nhiều giường bệnh, bếp ăn, công trình vệ sinh sạch sẽ khép kín, nhưng không bệnh nhân nào đến. Dân bản đã quen hủ tục cúng ma, khi đau ốm là nhờ cậy thầy mo, thầy cúng. Phải chờ tới lúc bản xảy ra một sự cố: Lão Choóng, thầy mo kỳ cựu nhất bản đành bó tay trước một bệnh lạ khiến cô con dâu lão trở thành bại liệt. Trạm xá hay tin, cử 2 y sĩ lặn lội tới tận nơi vận động thầy cho phép bộ đội khám chữa bệnh cứu người. Kiên trì thuyết phục không xong, cán bộ biên phòng đành "đặt cược" với lão Choóng, nếu không chữa khỏi bệnh cho con dâu ông, các y bác sĩ của trạm sẽ chịu phạt nặng với dân làng, còn chữa khỏi thì thầy mo phải giúp BĐBP vận động bà con đến chữa bệnh tại trạm xá. Lão Choóng gật đầu, thế là ngày nào 2 y sĩ của trạm cũng thay nhau vượt đèo, lội suối đến nhà thầy mo chữa bệnh cho con dâu lão.
Sau 3 tháng ròng rã được quân y châm cứu, chứng bệnh liệt thần kinh ngoại biên của cô con dâu khỏi hẳn, thầy mo Choóng trở thành một tuyên truyền viên tích cực cho BĐBP. Còn Trạm xá quân dân y Thoọng Pẹ đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân các bộ tộc Lào mỗi khi đau ốm.
Trạm xá quân dân y Thoọng Pẹ trên đỉnh đồi cao. Trưa hè nắng chang chang, một ông bố bồng con nhìn chúng tôi cười thân thiện - đó là anh Lầu Nhìa Zồng, 42 tuổi, nhà ở bản Na Cha Lay, huyện Nậm Cạ Tạ, cách trạm tới 60km. Sáng nay, anh Zồng đèo cô vợ tên Cò Già, 35 tuổi, bị suy nhược cơ thể sau khi đẻ liền tù tì 5 đứa con tới trạm xá. Anh Zồng nói: Gần nhà mình có bệnh viện của Lào, nhưng ở đó thu viện phí đắt, bác sĩ lại không giỏi, nên dù đường xa, con nhỏ, lần nào vợ ốm, mình cũng đưa vợ tới đây cho bộ đội điều trị!
Gần bên giường chị Cò Già đang nằm là bệnh nhân Khăm Phón, bị rối loạn tiền đình, đến từ bản Noọng O, huyện Khăm Cợt. Nhà cách trạm xá có 3km, mấy lần trước chị chỉ đến tiêm thuốc, truyền nước, sáng tới tối về. Đợt này bệnh nặng, phải nằm lại điều trị nội trú cả tuần, cứ áy náy việc bác sĩ Biên phòng vừa chăm sóc thuốc men, vừa nấu cơm cho ăn, thấy gia đình chị nghèo nên không thu phí.
Mải mê khám bệnh, cấp thuốc, tới quá trưa, Đại úy, bác sĩ Nguyễn Việt Đức và Thượng úy y sĩ kiêm anh nuôi Nguyễn Văn Ân mới tạm nghỉ để tiếp phóng viên. Bác sĩ Đức cho biết, bản Thoọng Pẹ nay đã có 322 hộ, 2.328 nhân khẩu, trong đó, người dân tộc Mông chiếm hơn 70%. Về đơn vị hành chính, "bản" của Lào tương đương như "xã" của ta. Trạm xá này mỗi năm tiếp nhận tới hơn 2.000 lượt người từ nhiều vùng khác nhau đến khám chữa bệnh. Tuy gọi là trạm xá bản, nhưng phạm vi phục vụ chẳng khác nào trạm xá khu vực.
Thượng úy Ân mách: Trạm có một cộng tác viên rất đặc biệt, là ông Vừ Song Dở. Nhiều bệnh nhân bệnh nặng, trạm xá phải cho chuyển lên các bệnh viện tuyến trên, phải nhờ ông tháp tùng đến tận nơi, phiên dịch giúp cho tới khi họ khỏi bệnh mới về.
Chúng tôi xuống bản Thoọng Pẹ, tìm đến tận nhà ông Dở. Gặp phóng viên từ Việt Nam qua, ông Dở vui vẻ tay bắt mặt mừng. Ông là người Mông, sinh năm 1946, ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Năm 1986, ông cùng 40 hộ đồng hương xã Tây Sơn sang đây định cư. Ông kể, lúc đó, Nhà nước Lào có chính sách chiêu dân, nên hỗ trợ ruộng cày, cấp cho mỗi gia đình 1 tấn gạo, 1ha rẫy, nhưng cuộc sống chúng tôi 5 năm đầu vẫn rất khó khăn, đau bệnh, sốt rét toàn chạy sang đồn BP Việt Nam xin bộ đội cứu giúp. Năm 2006, Việt Nam lại lũ lụt, đường lên cửa khẩu Cầu Treo sạt lở ách tắc, tôi khi đó là Chủ tịch Mặt trận bản Thoọng Pẹ đã hô hào bà con quyên góp hàng tạ gạo, rau mang lên ủng hộ bộ đội. Khi mọi sự yên ổn, bộ đội sang cảm ơn, lại còn xây sân bóng, xây trạm xá, làm đường đi, nên bản giờ có một con đường mang tên của bộ đội Việt Nam.
Không ít hộ nghèo được BĐBP Việt Nam sang hướng dẫn cách làm kinh tế, tặng bò giống, nay đã sắm được xe tải chở hàng, có đàn trâu bò vài chục con, trở nên khá giả. Ông Dở khẳng định, cả bản Thoọng Pẹ giờ có tới 30% hộ tậu được ô tô, nhà nào cũng có ti vi màu và điện thoại di động, trẻ em đến tuổi đều được đến trường học. Ông Dở nói thông thạo các thứ tiếng Lào, Mông, Thái, Việt nên nhà nào có người ốm cũng nhờ ông đi phiên dịch giúp. Các bệnh viện ở Lào thu viện phí cao, bảo hiểm y tế lại chỉ dành cho phụ nữ, nên bệnh nhân ở tận Viêng Chăn cách đây 400km cũng tới cậy ông "tháp tùng" sang Việt Nam chữa bệnh. Họ tính, cả viện phí lẫn tiền xe đi về và bồi dưỡng chút ít cho ông nữa, vẫn còn rẻ và hiệu quả hơn chữa bệnh bên Lào. Song điều đáng nói hơn cả chính là tình cảm và trách nhiệm của những thầy thuốc quân hàm xanh đối với người bệnh - luôn nồng ấm, tận tụy, "lương y như từ mẫu".
Hoàng Thiên Nga