Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 05/06/2023 02:40 GMT+7

Trái tim Trường Sa

Biên phòng - Nếu cán bộ, chiến sĩ Hải quân và nhân dân ở Trường Sa luôn hướng về và gọi đất liền bằng cái tên trìu mến là Đất mẹ, thì mọi người dân ở hậu phương lớn lại luôn dành tất cả tình cảm yêu thương và ví Trường Sa như là Trái tim của Tổ quốc. Trong chuyến hành trình ra với Trường Sa lần này, mọi người đều rưng rưng xúc động...

m7yc_10a
Người lính Hải quân chăm sóc vườn rau xanh trên đảo An Bang. Ảnh: Đăng Bảy

Làng ở Trường Sa

Khởi hành từ cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), sau 42 giờ miệt mài vượt biển, chiếc tàu mang số hiệu Trường Sa 571 của Vùng 4 Hải quân mới đưa đoàn công tác số 12 ra tới vùng đất thân yêu của Tổ quốc: Đảo Trường Sa Lớn. Chuyến đi này có hơn 200 đại biểu đại diện cho 14 đoàn thuộc các ban, bộ, ngành Trung ương, đơn vị, do đồng chí Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm trưởng đoàn.

Không ai giấu được sự xúc động khi lần đầu tiên được đặt chân lên nơi là một phần máu thịt không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Nếu không vừa trải qua hành trình dài vượt biển thì khi đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn, nhiều người sẽ lầm tưởng là đang lạc vào một làng quê thanh bình ở đất liền. Một khung cảnh đầm ấm, nên thơ đang hiện hữu ngay tại hòn đảo ở cách xa đất liền trên 650km. Màu xanh mướt mát của những cây bàng vuông, phi lao, dừa... phủ gần kín đảo đã tạo được sự thân thương, gần gũi ngay từ những phút ban đầu.

Bên này là tiếng ê a học bài của học sinh, cách đó không xa là tiếng chuông chùa, tiếng gõ mõ của sư thầy Thích Tâm Tánh. Thêm một cụm dân cư với những tay lưới đang phơi làm gợi nhớ một làng chài thanh bình trong đất liền. Có người ngay từ khi vừa bước chân lên đảo đã đứng lặng đi vì xúc động. Có người lội xuống nước rồi tự tay lấy một chai nước biển trong vắt, cũng có người lấy một ít cát... để mang về đất liền. Mọi người đều có chung tâm trạng rằng, những gì ở Trường Sa đều thiêng liêng và rất đáng được trân trọng.

Sự xúc động được thể hiện rõ nhất là tại lễ chào cờ trên đảo được tổ chức liền ngay sau đó. Mọi người như lặng đi trong tiếng nhạc trầm hùng của bài Quốc ca được vang lên ngay giữa biển khơi hùng vĩ. Nhiều khóe mắt của các chị, các em ngân ngấn nước. Tại bia biểu tượng cột mốc chủ quyền, Đại tá Hoàng Sỹ Chung, Phó Tư lệnh Binh đoàn 15 nói với tôi: “Đã từng chủ trì hàng trăm buổi chào cờ, nhưng chưa khi nào thấy xúc động và thiêng liêng như hôm nay. Mình sẽ không bao giờ quên được cảm xúc của những giây phút này”...

Chị Vũ Thị Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Hội nghị - 37 Hùng Vương, Hà Nội, miệng thì cười nhưng mắt nhòa lệ, ôm vai một chiến sỹ Hải quân còn trẻ măng, xúc động: “Còn trẻ quá, giỏi quá. Sau này có dịp ra Hà Nội, nhớ điện thoại cho cô nhé. Cô sẽ chở cháu đi thăm Lăng Bác, tham quan Hồ Gươm và chiêu đãi kem Tràng Tiền...”.

Còn ca sĩ Long Nhật và các ca sĩ Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông thể hiện tình yêu biển đảo, tình yêu với người lính giữ biển bằng những bài ca ngọt ngào, sâu lắng ngay dưới tán những cây bàng vuông. Những dòng địa chỉ, số điện thoại được trao cho các chiến sĩ Hải quân sau buổi gặp gỡ. Tuổi đời tuy còn rất trẻ, nhưng khuôn mặt chiến sỹ nào cũng thấy rắn rỏi, đầy nghị lực... Và tôi thấy trong ánh mắt họ hiện rõ cả sự tự tin, lạc quan, yêu đời...

Trường Sa bây giờ đã có nhiều thay đổi. Không chỉ chủ động được nguồn nước ngọt, nguồn điện bằng năng lượng mặt trời, điện gió mà phần lớn các đảo ở Trường Sa bây giờ đã có trạm xá, có trạm hỗ trợ kỹ thuật, hậu cần cho ngư dân. Cán bộ, chiến sỹ đã thực sự an tâm gắn bó với đảo xa. Binh nhất, đảng viên trẻ Nguyễn Đức Hiến, nhà ở quận 8, TP Hồ Chí Minh nói: “Huấn luyện tân binh xong, nghe nói đi Trường Sa cũng “có chút tư tưởng”. Nhưng khi vừa đặt chân tới đảo, thấy cảnh quan, thấy cuộc sống ở đây là yên tâm, phấn khởi liền”. Hiếu nói rất vui và tự hào khi được công tác tại Trường Sa.

Xanh hóa Trường Sa

Dưới bóng mát của dãy bàng vuông trước cửa nhà Ban chỉ huy, tôi thấy Trung tá Đỗ Hải Đăng, Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn đang gói ghém vỏ một con ốc để gửi về đất liền tặng con gái học lớp 3, làm quà sinh nhật. Đây là năm thứ hai Đăng công tác ở đảo Trường Sa. Xa nhà, nhưng anh nói rất yên tâm vì vợ anh cũng là bộ đội, đang công tác ở Lữ đoàn 101, Vùng 4 Hải quân, nên rất hiểu và chia sẻ với công việc của chồng.

Anh Đăng cho biết: Ngoài việc học tập, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, đơn vị luôn làm tốt công tác tăng gia sản xuất, đặc biệt là việc phủ màu xanh cho đảo. Tuy thời tiết hết sức phức tạp, nhưng với ý chí, quyết tâm và tinh thần “vượt nắng thắng mưa”, đơn vị luôn đảm bảo rau xanh đủ cho bộ đội ăn quanh năm. Ngoài 2 tấn rau xanh/năm, đơn vị còn ủ thêm giá đậu, làm đậu hũ. Hiện tại, đảo Trường Sa lớn đang nuôi trên 300 con gà, vịt và gần 40 con lợn.

Chị Nguyễn Bình Phương Ái, một người dân sống ở đảo Trường Sa Lớn nói: “Phần lớn rau, củ, quả dân trên đảo ăn hàng ngày đều của bộ đội trồng. Mấy ảnh khéo tay lắm, lại chịu khó nữa”. Theo lời kể của chị Ái, vợ chồng chị có 3 đứa con, đứa lớn 10 tuổi, nhỏ nhất mới một tuổi rưỡi. Cũng giống như phần lớn các hộ dân trên đảo, chồng chị làm nghề biển, chị ở nhà phụ việc lặt vặt. Với các hộ dân trên đảo, bộ đội Hải quân luôn là chỗ dựa vững chắc, là nơi chia bùi sẻ ngọt lúc biển lặng cũng như khi trời nổi cơn giông gió.

Tại các đảo Trường Sa Đông, Đá Tây, Núi Le, Tiên Nữ, An Bang và Nhà giàn ĐK 1 Ba Kè..., nơi chúng tôi tới, dù là đảo hay đá, cũng thấy công sức, sự quyết tâm của các chiến sĩ Hải quân thể hiện qua từng luống rau xanh. Nổi bật nhất là đảo An Bang với những luống rau xanh mướt với đủ loại cải, mùng tơi, rau muống, mướp...

Thượng úy Nguyễn Tiến Dũng, quê Quỳnh Hưng, Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết: “Ở Trường Sa, trồng được cây rau xanh rất khó, vì không chỉ thiếu phân, thiếu giống mà khí hậu ở đây cực kỳ khắc nghiệt. Có vườn rau buổi chiều đang mơn mởn xanh tươi, sau một đêm giông gió, bị sóng biển tạt vào hay gặp phải sương muối, sáng ra đã héo rũ. Do vậy, phải biết lựa thời tiết từng mùa để mà che chắn”. Anh Dũng ví von: “Với lính Trường Sa chúng em, rau xanh được ví như là hoa của đảo. Trồng rau không chỉ để ăn, mà còn để ngắm, để đỡ nhớ quê, nhớ đất liền”.

Không chỉ là điểm tựa, những năm gần đây, Trường Sa đã trở thành trái tim, là nhịp đập của ngư dân đánh bắt xa bờ. Nhiều chủ phương tiện các tỉnh Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định đang hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương ở khu vực Trường Sa đều phấn khởi nói với chúng tôi là đã hoàn toàn yên tâm khi ra Trường Sa làm ăn. Hiện nay, nhiều đơn vị Hải quân ở các đảo ngoài Trường Sa đã có thể hỗ trợ cho ngư dân về vấn đề y tế, nước ngọt, rau xanh...

Theo báo cáo của các đảo, chỉ tính từ đầu năm 2017 tới nay, đã có gần 100 lượt tàu, thuyền của ngư dân ghé vào các đảo đề nghị được giúp đỡ. Các đơn vị Hải quân ở các đảo cũng đã hỗ trợ cho bà con hàng trăm khối nước ngọt, giúp sửa chữa gần 50 trường hợp hỏng hóc máy móc. Hàng chục trường hợp ngư dân bị bệnh, bị tai nạn cũng đã được chăm sóc, cấp cứu kịp thời, chu đáo.

Trường Sa luôn vững vàng, kiêu hãnh bám trụ ngoài biển khơi xa.

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO