Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:01 GMT+7

Trại tăng gia nơi thâm sơn cùng cốc

Biên phòng - Một người lính không mang quân hàm, khuôn mặt hơi khó đoán tuổi bước ra từ ngôi nhà cũ là trại tăng gia của Đồn Biên phòng Hương Nguyên, BĐBP Thừa Thiên Huế. Chiếc áo của anh sờn vết gai rừng. Cuộc sống nơi đây gian khổ vô cùng, nhưng trong ngôi nhà của đội tăng gia nơi thâm sơn cùng cốc luôn căng tràn sức xuân.

dr8x_10a
Thượng úy Nguyễn Văn Tám bên dây phơi đầy ắp quần áo ẩm ướt. Ảnh: Lê Văn Chương

Đồn Biên phòng Hương Nguyên nằm tận trong rừng sâu, nơi cách biệt, không có dân cư. Trại tăng gia nằm cách vài con dốc men theo bìa rừng, vách núi. Mới 15 giờ, nhưng cả cánh rừng Hương Nguyên đã mịt mù sương giăng, mây mù, lạnh cắt da thịt. Trại tăng gia bên cạnh dòng suối nước tuôn ào ạt. Dây phơi quần áo căng ngang trước cửa phòng chật ních quần áo ẩm ướt, bởi thời tiết (ở đây quần áo giặt, phơi 7 ngày chưa khô). Tôi cầm chiếc áo sĩ quan trong dây phơi ra săm soi và bắt đầu từ câu chuyện với Thượng úy Nguyễn Văn Tám (sinh năm 1977), vì sao lưng áo đầy vết gai, vai áo lủng lỗ chỗ và không đeo quân hàm?

Thượng úy Nguyễn Văn Tám là người dân tộc thiểu số ở địa phương, nên đã quen với cuộc sống núi rừng; tiếng suối reo giúp anh nhớ về buôn làng, thời thơ ấu vất vả. Anh Tám cười và lý giải về chiếc áo có vai toàn lỗ gai đâm kia còn do những chuyến cắt rừng để đi lên cột mốc. Thượng tá Hồ Viết Hải, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hương Nguyên cho biết: “Lần nào tuần tra mốc cũng có đồng chí Tám đi. Đồng chí cắt rừng đi giỏi lắm, chỗ nào cũng tới được”. Thượng úy Tám cười, cứ nói chuyện gian khổ thì anh cười và nói “có chi mô”. Anh cho biết, “chừ mốc 672 gần là tôi chưa đi, còn đã đi hết từ mốc 668 đến 675. Tôi quen rừng rồi nên cắt rừng được”.

Ai lên khu vực Đồn Biên phòng Hương Nguyên mới thấm được “mùi” gian khổ của những người lính Biên phòng ở huyện A Lưới. Anh nuôi từ đồn đi xuống chợ trung tâm thị trấn huyện A Lưới khoảng 80km, mua xong lại tranh thủ chạy về. Bình quân mỗi tháng anh nuôi phải chạy xe máy khoảng vài nghìn km trên đường Hồ Chí Minh với giỏ rau, túi cá. Mùa nắng, cung đường Hồ Chí Minh đi lại thuận lợi, còn mùa mưa thì trở thành tuyến đường nguy hiểm. Trời mưa to, đường sạt lở, đá lao, cây ngã. Thỉnh thoảng đường bị nghẽn, đồn Biên phòng bị cô lập trong rừng sâu.

Vì điều kiện khó khăn và cách trở như vậy, nên đơn vị phải “chọn mặt gửi vàng”, khi phân công một cán bộ phụ trách trại. Thượng úy Nguyễn Văn Tám xung phong đảm nhận nhiệm vụ này. Thấy anh Tám chịu cực ở trang trại lâu rồi nên có lúc anh em đề xuất đơn vị chuyển anh về Đội trinh sát của đồn, nhưng anh có nguyện vọng chỉ ở lại với trại tăng gia.

Trại tăng gia nằm tại vị trí đóng quân của Đồn Biên phòng Hương Nguyên trước đây, cách đơn vị mới vài con dốc dài khoảng 7km. Từ năm 2001, anh Tám về đơn vị và bắt đầu tham gia vào việc chăn nuôi. Đàn heo của trại tăng gia có lúc lên gần 100 con, toàn bộ là heo lai, thịt thơm, ngon và chắc, vì được chăn nuôi bằng thức ăn tự nhiên, uống nước suối. Đàn bò, gà, vịt của trại tăng gia cũng phát triển tốt.

Trong suốt thời gian được giao đảm nhận công việc, anh Tám luôn hoàn thành tốt chỉ tiêu về thực phẩm cho đơn vị. Anh cười hiền và cho biết: “Tôi có một năm đi học nghiệp vụ ở Vũng Tàu, mấy tháng đi học tiếng Lào, 2 năm công tác ở Tiểu đoàn Huấn luyện, còn lại là lên đơn vị làm việc ở trại tăng gia. Mà tôi thấy công việc này rất thú vị, cũng vui”.

Chữ “vui” của Thượng úy Tám được anh kể rất hồn nhiên, đó là đồn thì không có điện lưới, còn ở trại tăng gia thì tự gắn máy thủy điện nước nên có điện suốt ngày. Khi nào mất điện thì thay bi là máy lại chạy. Tôi hỏi đùa: “Điện đủ chạy máy nóng lạnh cho anh em tắm không?”, Thượng úy Tám lại cười và bảo: “Tắm suối quen rồi, lạnh nhưng mà quen”. Tôi giật mình vì “cái quen” của anh quả là kỳ lạ và đáng khâm phục. Vì nhiệt độ nơi đây đang xấp xỉ 11 độ C.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO