Biên phòng - Tình đoàn kết, hữu nghị giữa Đại đội Bảo vệ biên giới 531, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông (Lào) với Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP Thừa Thiên Huế (Việt Nam) đã cho “trái ngọt” là những thành quả đạt được sau gần 10 năm kết nghĩa. Sự hiệp đồng, thống nhất trong công tác của lực lượng bảo vệ hai bên biên giới đã góp phần xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

Kết nghĩa để nâng cao hiệu quả công tác
Thực tế đã cho thấy, việc kết nghĩa giữa Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt và Đại đội Bảo vệ biên giới 531 là chủ trương đúng đắn và hiệu quả, nhằm tăng cường sự đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt-Lào, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Chính bởi vậy mà quá trình tổ chức thực hiện, hai bên luôn nhận được sự quan tâm của cấp trên, sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn sâu sát của cơ quan chuyên môn cũng như sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ hai đơn vị.
Thượng tá Hồ Sỹ Hòa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt cho biết, công tác kết nghĩa giữa hai đơn vị không chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị, ngoại giao, giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, mà nó còn là hoạt động thiết thực trong việc phối hợp thực hiện Hiệp định, Hiệp nghị, quy chế khu vực biên giới đất liền, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, xây dựng biên giới Việt-Lào đoàn kết, hữu nghị.
Từ khi kết nghĩa, hai bên đã thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền cho công dân hai nước thực hiện việc qua lại biên giới đúng thủ tục và tự giác chấp hành các văn bản pháp luật về Quy chế biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu mỗi nước.
Việc tổ chức tuần tra song phương trở thành hoạt động thường xuyên, qua đó, phát hiện vấn đề nghi vấn về đường biên, mốc quốc giới và kịp thời phát hiện nhiều vụ việc xâm phạm an ninh quốc gia…
Thông qua các đợt gặp mặt, hội đàm, giao ban, hai bên đã trao đổi kinh nghiệm công tác, học hỏi nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để áp dụng trong thực tiễn. Mỗi khi Đại đội Bảo vệ biên giới 531 yêu cầu, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt lại cử cán bộ sang hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ và ngược lại. Hai bên cũng chủ động trao đổi về công tác nắm, quản lý tình hình địa bàn, đối tượng, tiến hành xác minh nhanh chóng đối tượng và thông báo kịp thời cho nhau.
Nội dung phối hợp cũng tập trung giải quyết các vấn đề người dân vượt biên qua biên giới để khai khác lâm, khoáng sản, săn bẫy động vật hoang dã trái phép, phòng, chống tuyên truyền đạo trái pháp luật, các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, nhân quyền để tuyên truyền, kích động gây rối, gây mất trật tự công cộng có liên quan đến hai bên biên giới.
Không chỉ tổ chức các hoạt động thăm hỏi, chúc mừng nhau vào các dịp lễ, Tết, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã hỗ trợ Đại đội Bảo vệ biên giới 531 chăm lo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ. Đơn vị đã hỗ trợ bạn trồng 3.000 cây keo tràm, sao đen và bời lời; tặng dê giống, xây dựng cột cờ; vận động Ban quản lý chợ Đông Ba tặng 50 bộ chăn màn cho người dân nước bạn.
Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt tặng Đại đội Bảo vệ biên giới 531 kg lương thực, 200 bộ quần áo và một số vật dụng như tủ lạnh, tôn…, với tổng trị giá hơn 50 triệu đồng. Mới đây nhất, qua thực tế, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã tham mưu cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt cho Đại đội Bảo vệ biên giới 531, trị giá khoảng 2 tỷ đồng.
Cùng chăm lo, chia sẻ với nhân dân
Đại đội Bảo vệ biên giới 531 và Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt luôn quan tâm đến việc cùng giúp đỡ người dân trên địa bàn. Đó là việc tạo điều kiện cho nhân dân qua lại trao đổi hàng hóa, thăm thân, khám chữa bệnh, qua lại làm ăn, hướng dẫn cho bạn chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế. Kinh tế nhân dân bản Ka Lô chủ yếu là tự cung, tự cấp, săn bắt động vật, trao đổi nông sản trồng được qua Việt Nam để mua lương thực và các đồ nhu yếu phẩm dùng trong cuộc sống hàng ngày. Với lối lao động sản xuất nhỏ lẻ, phát đốt trỉa nương, người dân bản Ka Lô thiếu ăn từ 4 đến 6 tháng trong 1 năm.

Những năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế, Hội Hữu nghị Việt-Lào, quân y Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Trung tâm Y tế huyện A Lưới đã tổ chức nhiều đợt khám, chữa bệnh, cấp thuốc cho dân bản Ka Lô trị giá hàng trăm triệu đồng.
Trong những năm qua, Phòng khám quân dân y của Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã thăm khám cho hàng trăm lượt người dân bản Ka Lô, trong đó, khám và cấp thuốc miễn phí tại nhà và làm thủ tục nhập cảnh, chuyển viện cho nhiều trường hợp đi Trung tâm Y tế huyện A Lưới điều trị.
Cuối năm 2019, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân. Cửa khẩu A Đớt tạm ngừng các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu để phòng, chống dịch, do đó, nhân dân bản Ka Lô, Đại đội Bảo vệ biên giới 531, Đồn Công an Tà Vàng gặp rất nhiều khó khăn về nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh thông thường và vật tư phòng chống dịch.
Trước tình hình trên, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã tham mưu cho các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các đoàn từ thiện hỗ trợ lương thực, thực phẩm và vật tư phòng, chống dịch Covid-19 cho lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân Lào, với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, ngày 26/3/2020, Đại đội Bảo vệ biên giới 531 và Đồn Công an Tà Vàng đã liên hệ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt nhờ cứu chữa cho ông Cu Đi (sinh năm 1945, trú tại bản Ka Lô) đang trong tình trạng nguy kịch.
Sau khi được sự nhất trí của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, đơn vị đã làm thủ tục, tiếp nhận công dân và phối hợp với Trung tâm Y tế huyện A Lưới cứu chữa kịp thời cho nạn nhân. Sau nửa tháng điều trị, ngày 10/4/2020, tại cửa khẩu A Đớt, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã bàn giao ông Cu Đi cho Đại đội Bảo vệ biên giới 531 và Đồn Công an Tà Vàng.
Và cứ như thế, bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, những người lính Biên phòng Việt Nam đã cùng những người anh em kết nghĩa ngày ngày vun đắp để tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Lào luôn “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
Trúc Hà