Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 31/03/2023 02:27 GMT+7

Trải lòng của những người làm báo

Biên phòng - Nhà báo trong Quân đội cũng chính là người lính trên tuyến đầu, luôn trong tư thế “có lệnh là đi”, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với những người làm báo trong lực lượng BĐBP, dù là chuyên nghiệp hay nghiệp dư, phóng viên hay cộng tác viên, bước chân của họ là cuộc hành trình không mệt mỏi trên khắp mọi nẻo đường biên giới để truyền tải cái hay, cái đẹp, cái tiến bộ đến với bạn đọc... Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2018), một số phóng viên, cộng tác viên của Báo Biên phòng trải lòng về chuyện đời, chuyện nghề trong những lần tác nghiệp ở biên giới, hải đảo.

Cộng tác viên, Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng (BĐBP thành phố Hồ Chí Minh)

Gần 10 năm tham gia làm báo, những chuyến đi thực tế tìm hiểu đề tài và tác nghiệp đã cho tôi nhiều trải nghiệm về cuộc sống và con người, nhất là mỗi lần đến với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào vùng biên giới, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, đều để lại cho tôi những ấn tượng và kỷ niệm khó quên. Trực tiếp chứng kiến cuộc sống của mọi người, được lắng nghe bà con “trải lòng” về những tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của mình đã mang lại cho tôi nhiều cảm xúc và động lực để viết.

51w4_10a

Tôi nhớ, thời gian công tác tại BĐBP An Giang, có lần theo chân các đồng chí trong Đội đặc nhiệm của Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP đi mật phục bắt đối tượng buôn lậu thuốc lá. Chúng tôi nằm phục trên một bờ ruộng giữa cánh đồng mênh mông. Muỗi ở đây nhiều vô kể, mặc dù đã bôi thuốc chống muỗi lên người song vẫn không ăn thua, chúng tôi vẫn phải cố gắng “chịu trận” để không làm lộ mục tiêu. Đến gần sáng lại gặp một cơn mưa tầm tã, mọi người đều ướt. May mà biết trước kiểu thời tiết “đỏng đảnh” ở đây nên tôi đã chuẩn bị sẵn túi áo mưa, nếu không thì các thiết bị quay phim, chụp hình đã bị ướt hết.

Có lần, tôi cùng đoàn công tác của Việt Nam sang Campuchia để khám chữa bệnh miễn phí và tặng quà cho bà con ở huyện Borey Cholasar, tỉnh Ta Keo. Mặc dù quãng đường không quá xa, nhưng lại khó đi, vừa phải di chuyển bằng xuồng, vừa bằng xe cải tiến (chở đồ nghề) và đi bộ. Lúc đó đang là cao điểm mùa khô, con đường dẫn đến nơi khám bệnh đầy ổ gà và bụi khủng khiếp. Mỗi trận gió to là chúng tôi “lãnh đủ”. Khi đến nơi thì từ đầu đến chân, người nào cũng phủ kín một lớp bụi.

Các y, bác sĩ được thay quần áo chuyên môn, còn chúng tôi thì cứ để nguyên như thế mà tác nghiệp. Tuy thời tiết rất nóng bức, nhưng người dân ở đây vẫn xếp hàng rất trật tự và nhẫn nại chờ đợi đến lượt được khám. Vì số lượng người tập trung khá đông nên từ lúc bắt đầu là 8 giờ sáng đến gần 14 giờ thì công việc của chúng tôi mới kết thúc. Tuy rất mệt và đói, nhưng ai cũng cảm thấy nhẹ nhõm vì đã làm được một việc rất ý nghĩa, không chỉ giúp đỡ cho bà con mà còn góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết ở hai bên biên giới.

Phóng viên Trương Thúy Hằng

Với nhiều năm đi công tác ở các khu vực miền núi biên giới, hải đảo, tôi và các đồng nghiệp thường chia sẻ với nhau kinh nghiệm khi tác nghiệp và tiếp cận với người dân địa phương. Mọi người thường nghĩ tới miền núi là khó khăn về giao thông cách trở, đường xa, thời tiết khó lường; lên núi thì gặp mưa nguồn, gió thốc rồi mưa vùi nơi rừng thiêng nước độc; xuống biển thì say sóng trên các hải trình nguy biến. Nhưng đó mới chỉ là những khó khăn nhìn thấy được, dễ khắc phục với đa số phóng viên có kinh nghiệm đi cơ sở, có kỹ năng sinh tồn tối thiểu và có sức trẻ, sức khỏe, chấp nhận môi trường công tác đa dạng và thử thách. Còn có những khó khăn không nói được thành lời, nhất là đối với phóng viên nữ.

esla_10b

Tôi cho rằng kỹ năng tiếp cận, giao tiếp với người dân địa phương để khai thác tư liệu phục vụ bài viết mới là quan trọng để có sản phẩm bài viết tốt. Độc giả thường mong muốn qua lăng kính của phóng viên có thể nhìn thấy gương mặt của miền biên giới xa một cách chân thực nhất, sống động nhất. Điều đó không cho phép phóng viên thiếu tư duy, thiếu nhạy bén, thiếu các kỹ năng giao tiếp và nhiều yếu tố khác làm sai lệch sự thật.

Tôi rất may mắn, khi đi công tác tới cơ sở, thường được anh em BĐBP đóng quân ở biên giới hết sức giúp đỡ, tạo điều kiện công tác. Họ tôn trọng lao động nghề nghiệp đặc thù của phóng viên. Tôi được họ kể cho nghe những câu chuyện về tình quân dân, về cuộc sống của người miền núi. Đó là một kho tư liệu phong phú, hấp dẫn, không bao giờ có đủ sức khai thác được hết.

Mảng đề tài về cuộc sống văn hóa của người dân tộc thiểu số miền núi luôn là đề tài hấp dẫn, nhưng phóng viên không dễ tiếp cận. Nếu không hiểu về văn hóa, ngay từ đầu đã tiếp cận sai thì người viết không thể chạm đến những tầng sâu trầm tích văn hóa nhiều thời kỳ, nhiều thành tựu của bà con. Nếu truyền thông đúng dẫn đến chính sách dân tộc thỏa đáng, miền núi phát triển tức là đóng góp của phóng viên vào động lực phát triển không nhỏ.

Trên hết, muốn tiếp xúc và được phép quan sát cuộc sống của người dân tộc thiểu số, người tiếp cận phải có được sự tin tưởng của họ. Một trong số những sai lầm mà tôi và các đồng nghiệp thường nói với nhau là chúng ta không chấp nhận sự khác biệt, phán xét văn hóa và cách sống của người dân tộc thiểu số. Chúng ta lấy cái nhìn của người thành thị để soi xét cuộc sống của họ, cho rằng họ lạc hậu, hủ tục, chứ chưa có cái nhìn đồng cảm, sẻ chia để cùng hướng đến những chuyển biến tích cực, tạo động lực để miền núi phát triển.

Cộng tác viên, Đại úy Nguyễn Đức Duẩn (BĐBP Lai Châu)

Hơn 20 năm gắn bó với công việc tuyên truyền văn hóa, việc được đi khắp các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới của Lai Châu đã cho tôi bản lĩnh và kinh nghiệm chiến thắng sự khó khăn của địa hình, thời tiết miền biên ải. Công việc làm báo của chúng tôi bận như phụ nữ nuôi con mọn. Tốn thời gian nhất là việc di chuyển, có những nơi phải đi cả ngày đường, vượt qua nhiều đèo dốc mới tới nơi. Cũng may, trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi luôn được sự giúp đỡ của đồng đội và đồng bào các dân tộc nơi biên giới.

9051_10c

Ở vùng biên giới Lai Châu, đồng bào rất thật lòng, nơi đây lại có nhiều tư liệu để khai thác. Tôi còn nhớ kỷ niệm đến với đồng bào La Hủ ở bản Nhóm Pố, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè để làm phim về sự phát triển của đồng bào nơi đây. Phim đề cập từ lúc họ còn lang thang trong rừng sâu, đời sống nghèo khó, bệnh tật, đến khi họ được BĐBP giúp đỡ về quây quần hai bên bờ suối làm lúa nước, ở trong những ngôi nhà thưng gỗ, mái lợp tôn, có điện. Hiện nay, họ đã biết trồng cây ngô, ngăn nước suối để nuôi cá... Trong niềm hạnh phúc của họ có sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, trong đó có những người làm báo trong lực lượng quân hàm xanh như chúng tôi.

Phóng viên, Trung úy Vũ Thị Trang

Nghề báo, cái nghề “gừng càng già càng cay” vốn đã khó lại càng khó hơn với những phóng viên trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề như tôi. 23 tuổi, tôi có chuyến công tác xa nhà đầu tiên tại huyện biên giới Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa. Đặt chân đến Đồn Biên phòng Pù Nhi khi trời nhá nhem tối, cộng với cơn mưa rào giữa một miền rừng núi heo hút khiến sự háo hức ban đầu của tôi đã trốn biệt đi đâu mất. Tìm hiểu và viết về 1 bản có 2/3 số gia đình có người chết vì nghiện, tôi đã được đồng chí trong Đội Vận động quần chúng của đồn không ngần ngại chở đi bằng xe máy vượt qua từng ngọn đồi, lội qua suối, đi tới từng bản, vào từng nhà dân để tôi chụp ảnh, phỏng vấn nhân vật và tìm tư liệu. Vì chưa có kinh nghiệm nên tôi đã gặp không ít khó khăn trong quá trình hoàn thành bài viết.

vfm1_10d

Qua chuyến thực tế đầu tiên đó, tôi nhận ra kiến thức trên giảng đường đôi khi khác xa thực tế. Công việc của một phóng viên không chỉ đòi hỏi sự năng động, linh hoạt trong những tình huống tác nghiệp mà cần có cả kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm về đề tài mà mình tiếp cận; nhất là tư duy đa chiều, suy xét, mổ xẻ vấn đề ở nhiều góc cạnh khác nhau.

Nhận thức được điều đó giúp tôi hình thành thói quen tốt trong cả công việc lẫn cuộc sống cá nhân. Qua mỗi lần hoàn thành tin, bài, tôi lại có thêm cho mình kỹ năng tác nghiệp, kiến thức, kinh nghiệm sống. Và hơn hết, công việc của một phóng viên cho tôi những trải nghiệm sâu sắc về tình người, tình đồng nghiệp, tình đồng chí, đồng đội. Là một phóng viên trẻ, tôi cần phải cố gắng nhiều hơn nữa bằng những chuyến đi thực tế để trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm sống, phấn đấu có những bài viết chất lượng.

Nhóm PV (Thực hiện)

Bình luận

ZALO