Biên phòng - Câu chuyện sách giáo khoa (SGK) môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp, “nặng” về học thuật nhưng lại thiếu chuẩn mực trong ngôn ngữ, nhiều “sạn”, giá sách mới cao..., trở thành đề tài “nóng” tại phiên thảo luận của Quốc hội.
Không phải ngẫu nhiên mà dư luận lại có phản ứng mạnh mẽ với SGK môn Tiếng Việt lớp 1 trong thời gian qua. Bởi, những câu chuyện ngụ ngôn trong sách như Cua, cò và đàn cá; Hai con ngựa; Lừa, thỏ và cọp; Thỏ thua rùa..., được kể lại theo mục đích của người biên soạn trở nên “biến dạng”, không còn giữ được nguyên bản giá trị, không phù hợp với lứa tuổi lớp 1. Đáng lo hơn nữa, trong sách cũng không hiếm những từ ngữ mang tính địa phương, ngôn ngữ thiếu trong sáng, đầy khó hiểu đối với học sinh lớp 1 như “nhá”, “nom”, “chén”, “tợp”...
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải xem lại những bất cập trong SGK mà các chuyên gia đã chỉ ra, điển hình là một số bộ sách gây dư luận không tốt, đồng thời làm rõ trách nhiệm và xử lý, khắc phục hậu quả kịp thời.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, để xảy ra bức xúc trong dư luận xã hội về một số điểm chưa phù hợp trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 có trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, Hội đồng thẩm định và tác giả. Bộ trưởng đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 rà soát, kiểm tra, kết luận cụ thể các nội dung theo phản ánh.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã làm việc với Hội đồng thẩm định, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh và tác giả sách Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh Diều khẩn trương xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính kịp thời, thuận lợi cho giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học.
Cần phải khẳng định, đổi mới SGK, chương trình phổ thông là việc lớn, khó khăn và không tránh khỏi những thiếu sót. Đây là năm học đầu tiên triển khai chương trình SGK giáo dục phổ thông mới, bắt đầu đối với lớp 1. Đến nay, Bộ trưởng GD&ĐT đã phê duyệt, cho phép sử dụng 46 SGK thuộc 5 bộ SGK lớp 1 của 3 nhà xuất bản. Việc có nhiều bộ SGK đã tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh lựa chọn và khắc phục tình trạng độc quyền SGK như trước đây.
Tuy nhiên, với việc cả 5 bộ sách đều dính các lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn, về bản quyền, về ngữ liệu, nhiều đại biểu khẳng định việc này cho thấy quy trình thẩm định, phát hành sách lỏng lẻo, dễ dãi, vội vàng. Các đại biểu đề nghị các cơ quan có trách nhiệm dũng cảm nhìn thẳng sự thật, cho dừng sử dụng những bộ SGK chất lượng thấp. Cần thiết thì nên lùi thời gian triển khai chương trình giáo dục mới để hoàn thiện chặt chẽ.
Nhiều ý kiến cũng không đồng tình với đánh giá của Bộ GD&ĐT là đã chỉ đạo các nhà xuất bản biên soạn SGK tinh giản nội dung không cần thiết để tiết kiệm chi phí, giảm giá thành. Vì SGK lớp 1 mới có giá cao gấp đôi bộ sách cũ, khiến nhiều bậc phụ huynh bức xúc.
Rõ ràng, SGK lớp 1 được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, không được trợ cấp một phần chi phí như SGK lớp 1 cũ nên giá thành cao hơn. Do vậy, các đại biểu đề nghị, Quốc hội sớm đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá nhằm tăng cường vai trò điều tiết của Nhà nước đối với SGK, nhất là việc chính sách trợ giá đối với học sinh nghèo, vùng đặc biệt khó khăn.
Mặt khác, Bộ GD&ĐT cần rà soát chặt chẽ chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn để không gây quá tải cho học sinh, trong đó nghiêm cấm việc “ép” học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào và có chế tài mạnh hơn đối với các trường hợp vi phạm.
Thanh Thảo