Biên phòng - Việt Nam đã bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện. Đây là giai đoạn khó khăn hơn khi dịch đã lan ra hơn 100 nước, nên phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả.

Thế nhưng, trong khi các lực lượng chức năng ra sức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, lại có một số người coi thường sức khỏe, tính mạng của chính mình và cộng đồng, gây thêm hiểm họa dịch bệnh, khiến dư luận rất bức xúc, phẫn nộ.
Mới đây nhất là một cô gái Hà Nội (bệnh nhân thứ 17) đi thăm người thân ở Anh, rồi du lịch Italia, Pháp. Khi biết chị gái mình mới gặp bị nhiễm Covid-19 và chính mình cũng có dấu hiệu bị lây nhiễm, cô không đi khám bệnh, mà vẫn đáp chuyến bay về Hà Nội. Trở về Hà Nội, cô cũng không khai báo đầy đủ thông tin, dẫn đến cơ quan chức năng đã bỏ sót trường hợp phải cách ly bắt buộc, tập trung.
Hậu quả bệnh nhân thứ 17 đã lây nhiễm cho một số hành khách ngồi chung khoang máy bay và những người thân của cô, khiến hơn 60 hộ gia đình gần nơi bệnh nhân cư trú, hàng trăm nhân viên y tế, nhiều người tiếp xúc với bệnh nhân thứ 17 và người tiếp xúc với người tiếp xúc phải cách ly bắt buộc, 1 bệnh viện phải tạm ngưng hoạt động. Những thống kê sơ bộ này cho thấy những thiệt hại rất lớn nếu có thêm một ca bệnh không được cách ly và kiểm soát do khai báo y tế không trung thực.
Việt Nam đã áp dụng khai báo y tế từ đầu mùa dịch Covid-19, sau đó áp dụng biện pháp mạnh hơn là cách ly khách từ vùng dịch, mới nhất là áp dụng với khách nhập cảnh Việt Nam từ Iran và Italia. Mỗi tờ khai đều bao gồm địa điểm khởi hành, nơi đến, thông tin 14 ngày qua có đến quốc gia/vùng lãnh thổ nào khác, cùng địa chỉ liên lạc tại Việt Nam, các triệu chứng sức khỏe, loại vắcxin đã sử dụng và lịch sử bệnh lý trong 14 ngày gần đây...
Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, việc khách có khai báo trung thực về những điểm đã đi/đến hoàn toàn trông đợi vào sự tự giác và trung thực của hành khách. Bởi, trên thực tế, nếu hành khách xuất phát từ EU thì hộ chiếu không có dấu đầy đủ của các quốc gia họ có đi qua, ngoại trừ dấu của cơ quan xuất nhập cảnh của quốc gia cuối cùng. Đơn cử như trường hợp bệnh nhân thứ 17 đã đi đến vùng dịch của Italia, nhưng điểm xuất phát trước khi về Việt Nam là từ Anh.
Mặt khác, các cửa khẩu quốc tế đang sử dụng máy theo dõi nhiệt độ từ xa, phát hiện các hành khách có dấu hiệu ốm, sốt, cách ly ngay tại cửa khẩu. Nhưng thực tế bệnh nhân ở giai đoạn ủ bệnh không có dấu hiệu gì, thậm chí có người đã dương tính với virus cũng không bị sốt, hay về nhà mới sốt nên máy không phát hiện được.
Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả các khu vực cách ly, tuyên truyền cho người dân đồng thuận, thì cần xử lý nghiêm hành vi trốn cách ly hoặc khai báo gian dối làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác. Đây không đơn giản chỉ là vi phạm pháp luật đơn thuần, mà thực chất là hành vi vô đạo đức, có thể gián tiếp gây nên đại dịch.
Rõ ràng, việc thực hiện khai báo y tế bắt buộc với mọi người nhập cảnh vào Việt Nam là chưa đủ, mà cần triển khai ngay khai báo y tế với mọi người Việt Nam, để toàn dân chung sức, đồng lòng chống dịch. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các nhà mạng, các đơn vị công nghệ thông tin khẩn trương hoàn thiện phương án tổ chức, các công cụ công nghệ để chậm nhất là từ sáng 10-3 thực hiện khai báo sức khỏe toàn dân trên toàn quốc.
Thanh Thảo