Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 06/12/2023 08:39 GMT+7

Trách nhiệm và chế độ, chính sách của cơ quan, tổ chức, công dân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng

Biên phòng - Thực hiện phương châm “dựa vào dân, phát huy sức mạnh toàn dân và của cả hệ thống chính trị; bảo vệ biên giới quốc gia là sự nghiệp “của dân, do dân, vì dân” đã được xác định trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) một mặt quy định về nhiệm vụ biên phòng và lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, mặt khác, quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, công dân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng và chế độ, chính sách được hưởng khi thực hiện trách nhiệm đó.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sen Thượng, BĐBP Điện Biên tặng quà ông Pờ Xuân Chừ - người có uy tín tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc tại xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Kim Nhượng

Cụ thể như sau:

“Điều 7. Trách nhiệm và chế độ, chính sách của cơ quan, tổ chức, công dân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng

1. Cơ quan, tổ chức, công dân có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng thực hiện nhiệm vụ.

2. Công dân ở khu vực biên giới có trách nhiệm tham gia xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân và các phong trào bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

3. Cơ quan, tổ chức, công dân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng có thành tích thì được khen thưởng; bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương tích, tổn hại sức khỏe, tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật”.

“Trách nhiệm” thường được hiểu là bổn phận, vai trò của một chủ thể trong một mối quan hệ xã hội cụ thể. Trong pháp luật thực định, “trách nhiệm” là thuật ngữ xác định phạm vi thẩm quyền (quyền hạn và nhiệm vụ) mà một chủ thể mang quyền lực Nhà nước phải thực hiện trong một lĩnh vực quản lý Nhà nước (ví dụ: Trách nhiệm của Chính phủ trong quản lý Nhà nước về biên phòng theo Điều 28, Luật BPVN) hay những công việc mà một chủ thể được Nhà nước trao quyền phải tiến hành trong phạm vi chức năng do pháp luật quy định (ví dụ: Trách nhiệm của BĐBP trong quản lý Nhà nước về biên giới quốc gia theo Điều 30, Nghị định số 140/2005/NĐ-CP ngày 25-6-2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia) hoặc là những công việc thuộc trách nhiệm của Nhà nước mà công dân, các tổ chức khác phải tham gia gánh vác.

Đối với việc thực thi nhiệm vụ biên phòng - một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp về tính chất, bao hàm cả quốc phòng, an ninh, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội..., được thực hiện trên địa bàn trọng yếu, luôn đòi hỏi sự phối, kết hợp nhiều nguồn lực, thì việc quy định trách nhiệm của toàn xã hội trong việc thực thi nhiệm vụ biên phòng là vấn đề mang tính tất yếu nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”.

Theo quy định tại khoản 1, 2, Điều 7, Luật BPVN, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng là các cơ quan, tổ chức có trụ sở trong nội địa và không phải là những “cơ quan, tổ chức... ở khu vực biên giới, cửa khẩu”, các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy, quản lý của các cơ quan, tổ chức đó, bởi các cơ quan, tổ chức này là bộ phận của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng theo Điều 6, Luật BPVN.

Trách nhiệm của công dân được xác định tại khoản 3, Điều 7, Luật BPVN đã khẳng định: Công dân Việt Nam, bao gồm cả công dân ở khu vực biên giới và ở trong nội địa là nguồn lực quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ biên phòng, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, thế trận lòng dân của Đảng và Nhà nước ta. Quy định trách nhiệm của công dân là cơ sở pháp lý cho việc huy động các nguồn lực xã hội vào việc thực hiện thành công nhiệm vụ biên phòng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nhân dân ta đoàn kết nhất trí thì khó khăn gì cũng khắc phục được, công việc to lớn mấy cũng làm được”(*). Song song với việc quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, công dân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, Luật BPVN còn quy định chế độ, chính sách đối với các chủ thể này trên tinh thần thực hiện nguyên tắc Hiến định “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”. Quy định này thể hiện sự kết hợp giữa phương pháp thuyết phục và phương pháp kinh tế mà Nhà nước sử dụng nhằm động viên, khuyến khích, thúc đẩy cơ quan, tổ chức, công dân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng.

So với quy định tại Điều 31, Pháp lệnh BĐBP năm 1997 “Người có thành tích trong việc bảo vệ biên giới, giúp đỡ BÐBP được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước”, quy định tại khoản 3, Điều 7, Luật BPVN thể hiện sự kế thừa và phát triển ở mức độ cao nhằm góp phần thực hiện chế định quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013, trực tiếp là quy định: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”

(*) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.410.

Tiến sĩ Trần Minh Nguyệt, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

Bình luận

ZALO