Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 10/09/2024 12:48 GMT+7

Trách nhiệm

Biên phòng - Sau nhiều ồn ào tranh cãi, ngày 19-4, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định mới phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Đức Huyện (60 tuổi) - người lái xe Lexus tông chết 4 người ở đường Nguyễn Công Trứ (phường Lê Hồng Phong, thành phố Quy Nhơn), vào ngày 11-4, để điều tra về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. Kết quả giám định nồng độ cồn của ông Huyện khi gây tai nạn là 0,315mg/lít khí thở.

d36e2d3097717e2f2760
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: TTXVN

Vụ việc trên là một trong hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng liên quan đến rượu bia, khiến dư luận bàng hoàng trong thời gian qua, đồng thời cho thấy ý thức chấp hành giao thông xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân vì sao và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước ở đâu là vấn đề cần đặt ra.

Tình trạng tài xế uống rượu bia rồi điều khiển xe là hành vi cực kỳ nguy hiểm, cần phải xử lý nghiêm. Luật Giao thông đường bộ đã có quy định chế tài rất rõ đối với hành vi điều khiển ô tô, xe máy sau khi đã uống rượu bia. Tuy nhiên, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, 3 tháng đầu năm 2019, số người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn ngày càng gia tăng (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018), kéo theo tình trạng TNGT tăng cao.

Con số khổng lồ mỗi năm Việt Nam có đến 15.000 người chết vì TNGT, khiến nước ta bị liệt vào nhóm quốc gia bất an nhất khi tham gia giao thông. Thế nhưng, chế tài xử phạt để răn đe, nhằm hạn chế TNGT còn nhẹ, thậm chí đang nới rộng cửa với sai phạm. Cụ thể, Bộ luật Hình sự 2009 quy định người vi phạm quy định về giao thông đường bộ gây thiệt hại sức khỏe người khác với tỷ lệ thương tật 31% bị xử lý hình sự, nhưng Bộ luật Hình sự mới năm 2015 lại tăng mức gây thiệt hại sức khỏe cho người khác lên 61% mới xử lý hình sự. 

Ngay cả quy định xử lý lái xe quá thời gian quy định cũng tạo ra kẽ hở mất an toàn giao thông. Nếu lái xe vi phạm quy định trên gây tai nạn nghiêm trọng bị xử lý theo luật hình sự, còn không gây ra tai nạn thì xử lý theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Mức phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng). Quy định pháp luật khá chặt chẽ, tuy nhiên để phát hiện vi phạm (nếu không xảy ra tai nạn) không phải dễ dàng. Theo nhiều chuyên gia, đây là một trong những lý do khiến ngày càng có nhiều người xem thường pháp luật, dẫn đến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra.

Trong khi đó, dư luận bức xúc trước tình trạng thực thi pháp luật chưa nghiêm minh. Mấy tháng trước, Công an thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương không khởi tố tài xế không có bằng lái xe đâm chết 2 người. Dù luật quy định rõ, không có bằng lái thuộc khung hình phạt tăng nặng, nhưng Công an thị xã Dĩ An tự nhận định “dù không có bằng lái nhưng tài xế có khả năng lái xe” và không khởi tố hình sự đối với tài xế. Chỉ khi dư luận phẫn nộ, công luận lên tiếng thì công an tỉnh mới rút hồ sơ lên để khởi tố...

Không thể “đổ lỗi” hết lên những cơ quan chức năng về tình trạng an toàn giao thông xuống cấp. Nhưng ở góc độ xử lý, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất TNGT, các cơ quan, đơn vị liên quan cần rà soát lại việc thực thi trách nhiệm của mình. Nếu mỗi đơn vị, mỗi cá nhân làm hết trách nhiệm giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, chắc chắn rằng sự sống của nhiều người sẽ được đảm bảo an toàn.

Thanh Thảo  

Bình luận

ZALO