Biên phòng - Trong đội hình báo chí Quân đội, những người làm báo trong lực lượng BĐBP đã có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những nhà báo - chiến sĩ trong lực lượng BĐBP không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, mà còn không ngại gian khó, làm tốt công tác tuyên truyền, đưa ánh sáng của Đảng, Nhà nước tới đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2018), Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với một số người làm báo thuộc Liên chi hội Nhà báo Biên phòng về nghĩa vụ và trách nhiệm của người làm báo đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình hiện nay.

Thượng tá Nguyễn Trọng Kiên, Phó Tổng Biên tập (phụ trách) Tạp chí Khoa học Giáo dục Biên phòng (GDBP), Học viện Biên phòng:
“Với vai trò phụ trách Tạp chí Khoa học GDBP của Học viện Biên phòng, tôi luôn bám sát tôn chỉ, mục đích của tạp chí và nhiệm vụ về công tác quân sự - quốc phòng, quản lý, bảo vệ biên giới, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của lực lượng BĐBP để tổ chức tuyên truyền. Tôi cùng các đồng nghiệp đã tích cực viết nhiều loạt bài về khoa học-xã hội và nhân văn quân sự; đấu tranh phòng, chống chiến lược "diễn biến hòa bình", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ta và vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động ở khu vực biên giới. Bên cạnh đó, tôi cũng luôn nhanh nhạy phát hiện và nắm bắt những vấn đề mới, những vấn đề phức tạp, nhạy cảm đang diễn ra trên các tuyến biên giới, kịp thời chuyển tải đến đội ngũ giảng viên, cán bộ của Học viện Biên phòng để tạo ra các "diễn đàn khoa học" nhằm nghiên cứu sâu, tổng kết thành lý luận phục vụ cho nhiệm vụ lãnh đạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Học viện Biên phòng”.
Thiếu tá Lê Văn Chương, phóng viên Báo Biên phòng, thường trú tại khu vực miền Trung:
“Tuyến địa bàn mà tôi phụ trách gồm 4 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Trong 4 tỉnh này thì 2 tỉnh là Quảng Nam và Thừa Thiên Huế vừa có tuyến biên giới đất liền giáp với nước bạn Lào, vừa có biên giới biển. Riêng biên giới biển thuộc địa bàn 4 tỉnh này là khu vực có hoạt động đánh bắt thủy hải sản sôi động và đa dạng nhất trong cả nước. Ngư trường truyền thống của ngư dân miền Trung là ở Hoàng Sa, Trường Sa. Thông qua những chuyến đi tác nghiệp trên biển, tiếp cận với ngư dân, thu thập và xử lý kịp thời những tin tức “nóng” về tình hình biển đảo, tôi đã góp phần tuyên truyền cho bà con nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo, làm lan tỏa ý nghĩa của Ngày Biên phòng toàn dân đối với bạn đọc, làm cho những người dân Việt Nam thêm yêu biển đảo quê hương, chung tay với BĐBP trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển đảo của Tổ quốc”.

Đại úy Phạm Vân Anh, Trợ lý Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị BĐBP, nguyên phóng viên Báo Biên phòng:
“Để trở thành một nhà báo giỏi, nhất là đối với phụ nữ thì không chỉ cần đến tài năng, mà còn đòi hỏi sự bền bỉ và đầu tư rất lớn về thời gian cho hoạt động nghiệp vụ. Tôi có niềm tự hào là đã gần như “du khảo” khắp chiều dài đất nước Việt Nam. Có những chuyến đi tưởng như sẽ chẳng thể trở về bởi dốc cao, vực thẳm hiểm trở, thiên tai gây sạt lở hay vượt truông mùa lũ lớn... Nhưng rồi tôi lại gạt những thấp thỏm, lo âu đó sang một bên để lên đường, bởi tôi biết, ở đó có đồng đội cùng những người dân biên giới hồn hậu, mộc mạc đang đợi tôi.
Nghề báo cho tôi quyền chia sẻ và cảm nhận. Mỗi vùng đất, mỗi con người, tôi đã gặp đã cho tôi những tình cảm mến thương, tặng cho tôi tri thức mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, tuy không làm báo, nhưng tôi vẫn tiếp tục đồng hành cùng những người làm Báo Biên phòng và tôi tin tưởng, những năm tháng trong lực lượng BĐBP đã mang đến cho tôi sự trưởng thành trong nhận thức, tư tưởng và cả bản lĩnh người làm báo”.

Đại úy Nguyễn Minh Tùng, Trưởng ban Thư ký biên tập, Điện ảnh - Truyền hình BĐBP:
“Những nhà báo BĐBP như tôi luôn có quyền tự hào vì đã đặt chân đến nhiều vùng đất biên cương gian khó của Tổ quốc. Từ những chuyến đi đó, luôn thôi thúc tôi phải có trách nhiệm với công việc của mình để có những tác phẩm phản ánh kịp thời hơi thở của cuộc sống, chiến đấu của quân và dân nơi biên giới; các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện... của các chiến sĩ Biên phòng. Tôi mong muốn qua các tác phẩm của mình được góp một phần cổ vũ, động viên bà con các dân tộc và những người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, hết mình cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, phát triển về kinh tế, xã hội, nâng cao dân trí cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa biên giới”.

Thượng úy Nguyễn Viết Lam, phóng viên Ban Chuyên đề, Báo Biên phòng:
“Khi đặt chân đến bất kỳ vùng đất nào trên dải biên cương của Tổ quốc, tôi đều cảm thấy sự gần gũi như chính quê hương của mình vậy. Ở đó, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng mọi người sống với nhau bằng sự bao dung, rộng lượng, chung sức đồng lòng bảo vệ mảnh đất phên giậu của Tổ quốc. Tôi thấy mình mang nợ những người lính, mang nợ nhân dân ở vùng đất địa đầu Tổ quốc, nên viết về biên giới, con người đang sinh sống, công tác nơi đây luôn là nguồn cảm hứng vô tận trong tôi. Vì thế, khi đứng trước những vấn đề xã hội cần phản ánh, đặc biệt nó diễn ra ở địa bàn biên giới, tôi luôn đặt ra và tự trả lời những câu hỏi: Viết như thế nào? Kết quả cuối cùng mà bài báo mang lại là gì?... Cùng với những tác phẩm báo chí, tôi thấy mình phải có trách nhiệm của một công dân đóng góp, đồng hành cùng xã hội để hỗ trợ cho cán bộ, đặc biệt là nhân dân khu vực biên giới nâng cao chất lượng cuộc sống. Tôi thường xuyên kết nối các hoạt động từ thiện về với đồng bào. Bởi, tôi mong muốn góp một phần nhỏ cho sự bình yên của những vùng đất biên giới".
Thanh Thuận (thực hiện)