Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 29/09/2023 07:42 GMT+7

Trách nhiệm của Chính phủ trong quản lý nhà nước về Biên phòng

Biên phòng - Chương V, Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) năm 2020 quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức về biên phòng. Trong đó, trách nhiệm của Chính phủ được ghi nhận tại Điều 28, Luật BPVN năm 2020 như sau:

“Điều 28. Trách nhiệm của Chính phủ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về biên phòng.

2. Nội dung quản lý nhà nước về biên phòng bao gồm:

a) Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật về biên phòng, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng;

b) Tổ chức, chỉ đạo thực thi nhiệm vụ biên phòng;

c) Hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng;

d) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng về biên phòng;

đ) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên phòng”.

Điều luật trên quy định về hai nhóm vấn đề, đó là: Vai trò của Chính phủ trong quản lý nhà nước về biên phòng và nội dung quản lý nhà nước về biên phòng.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cùng lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, BĐBP Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ trên biên giới (tháng 1-2021). Ảnh: Minh Toàn

Quy định này xuất phát từ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội” (Điều 94); Chính phủ “Thống nhất quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, thông tin, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội...” (Điều 96).

Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; trong đó, nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện các biện pháp để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được quy định tại Điều 18, 20.

Do đó, Luật BPVN quy định: “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về biên phòng” bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, tạo lập cơ sở pháp lý thống nhất cho việc thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về biên phòng.

Với vị trí, chức năng là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, nội dung quản lý nhà nước về biên phòng của Chính phủ mang tính chất vĩ mô, thể hiện rõ nét vai trò đặc biệt quan trọng của Chính phủ trong tổ chức, điều hành, chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước thực hiện trách nhiệm về biên phòng.

Luật BPVN năm 2020 đã quy định 5 nhóm nội dung quản lý nhà nước về biên phòng. Trong đó, trách nhiệm của Chính phủ trong thực hiện các nội dung đó là:

Thứ nhất, để thống nhất triển khai thực thi Luật BPVN năm 2020 trong phạm vi cả nước, ngày 2-3-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật BPVN năm 2020 kèm theo Quyết định số 286/QĐ-TTg. Trong đó, giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan liên quan tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách; điều ước quốc tế, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới phù hợp với Luật BPVN.

Đồng thời, giao Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp xây dựng 2 nghị định (1- Quy định chi tiết một số điều của Luật BPVN; 2- Quy định quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của BĐBP) trình Chính phủ ban hành; Đề án xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới và Dự án tăng cường lực lượng; nâng cao năng lực; sửa chữa, trang bị, nâng cấp phương tiện chuyên dụng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật của BĐBP giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Thứ hai, về tổ chức, chỉ đạo thực thi nhiệm vụ biên phòng, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể theo quy định của pháp luật, Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi trách nhiệm phối hợp cụ thể giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có biên giới quốc gia thực hiện nhiệm vụ biên phòng. Qua đó, tránh sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; phát huy được thế mạnh của từng chủ thể, tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ biên phòng.

Thứ ba, về hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng, Chính phủ trực tiếp đàm phán, ký kết với các nước láng giềng các hiệp ước về hoạch định biên giới quốc gia, phân định vùng biển, thềm lục địa; các hiệp định về quản lý biên giới, cửa khẩu; giải quyết những vấn đề về biên giới, lãnh thổ thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương, trực tiếp là Bộ Quốc phòng, chính quyền địa phương có biên giới thực hiện hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ vững an ninh, trật tự ở khu vực biên giới.

Thứ tư, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng về biên phòng là nội dung hết sức quan trọng trong quản lý nhà nước về biên phòng. Thực hiện nội dung này, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về biên phòng; thường xuyên sơ kết, tổng kết để biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân có thành tích trong thực thi nhiệm vụ biên phòng, thấy được những hạn chế, thiếu sót, bất cập trong các chính sách, pháp luật về biên phòng và quá trình phối hợp tổ chức triển khai thi hành giữa các bộ ngành, cơ quan, lực lượng để có giải pháp khắc phục, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Thứ năm, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên phòng nhằm bảo đảm sự thống nhất, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân về biên phòng và tham gia thực thi nhiệm vụ biên phòng. Thực hiện nội dung này, trong Quyết định số 286/QĐ-TTg ngày 2-3-2021 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật BPVN năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Dân tộc, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, cơ quan báo chí và cơ quan, tổ chức có liên quan biên soạn tài liệu phục vụ công tác tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền, phổ biến Luật BPVN năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này.

Thạc sĩ Khuất Duy Thùy, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

Bình luận

ZALO