Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 11/09/2024 06:00 GMT+7

Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao về biên phòng

Biên phòng - “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN” là hai nhiệm vụ chiến lược, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Để xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam quy định cụ thể về trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương, trong đó, Bộ Ngoại giao giữ vị trí quan trọng thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại biên phòng.

Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai và lực lượng quản lý biên giới tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức lễ ra quân tuần tra liên hợp năm 2021. Ảnh: Quang Dũng

Vấn đề này là sự thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia: “Tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân trong bảo vệ biên giới quốc gia”. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao được quy định tại Điều 30 như sau:
“Điều 30. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương thực hiện các nội dung sau đây:

1. Đề xuất chủ trương, chính sách và các biện pháp quản lý về biên giới quốc gia;

2. Thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại biên phòng; hướng dẫn lực lượng nòng cốt, chuyên trách về nghiệp vụ đối ngoại biên phòng;

3. Chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp tỉnh nơi có biên giới quốc gia thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia;

4. Trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoặc hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền vấn đề phát sinh trong hoạt động của bộ, ngành, địa phương liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia;

5. Bồi dưỡng, hướng dẫn lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng giải quyết vụ việc liên quan đến biên giới và người nước ngoài”.

Theo quy định trên, với trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương, Bộ Ngoại giao thực hiện các nội dung luật định sau đây:

Thứ nhất, đề xuất chủ trương, chính sách và các biện pháp quản lý về biên giới quốc gia.

Các chủ trương, chính sách và các biện pháp quản lý về biên giới quốc gia là những vấn đề quan trọng trong khi triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Chính vì vậy, Bộ Ngoại giao được Chính phủ giao có trách nhiệm trong việc đề xuất chủ trương, chính sách và các biện pháp quản lý về biên giới quốc gia để đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Thứ hai, thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại biên phòng; hướng dẫn lực lượng nòng cốt, chuyên trách về nghiệp vụ đối ngoại biên phòng.

Bộ Ngoại giao có trách nhiệm trong quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại biên phòng; hướng dẫn lực lượng nòng cốt, chuyên trách về nghiệp vụ đối ngoại biên phòng, vấn đề này được thể hiện tại Điều 11, Nghị định số 22/2016/NĐ-CP ngày 31-3-2016 của Chính phủ quy định về hoạt động đối ngoại quốc phòng. Như vậy, Bộ Ngoại giao hỗ trợ Bộ Quốc phòng tổ chức các sự kiện đối ngoại quốc phòng lớn tại Việt Nam và hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức đối ngoại và nghiệp vụ ngoại giao cho cán bộ làm công tác đối ngoại quốc phòng; phối hợp với Bộ Quốc phòng trong triển khai hợp tác quản lý biên giới quốc gia với các nước láng giềng. Đặc biệt, hướng dẫn lực lượng nòng cốt, chuyên trách của BĐBP về nghiệp vụ đối ngoại biên phòng, đây là lực lượng có trách nhiệm thực hiện các chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện hoạt động đối ngoại biên phòng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của Bộ Ngoại giao để quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Thứ ba, chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp tỉnh nơi có biên giới quốc gia thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia.

UBND cấp tỉnh có biên giới quốc gia là một trong những chủ thể thực hiện chức năng quản lý nhà nước về biên giới quốc gia. Vấn đề này đã được quy định tại Điều 37, Luật An ninh quốc gia: “UBND các cấp nơi có biên giới quốc gia thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia theo quy định của Chính phủ”. Để UBND cấp tỉnh thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình trong quản lý nhà nước về biên giới quốc gia thì phải có sự chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, cơ quan ngang bộ, trong đó, Bộ Ngoại giao giữ vai trò chính trong việc chỉ đạo, hướng dẫn UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về biên giới quốc gia.

Thứ tư, trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoặc hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền vấn đề phát sinh trong hoạt động của bộ, ngành, địa phương liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Theo điểm đ, khoản 18, Điều 2, Nghị định số 26/2017NĐ-CP ngày 14-3-2017 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao thì Bộ Ngoại giao là cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ xử lý hoặc hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền các vấn đề phát sinh trong hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, địa phương có liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên đất liền, vùng trời, các vùng biển, hải đảo và thềm lục địa. Như vậy, trong quá trình quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia khi có những vấn đề vướng mắc, bất cập phát sinh giữa các bộ, ngành, địa phương thì Bộ Ngoại giao trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tiến hành báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một cách cụ thể sát với tình hình thực tế để giải quyết các vấn đề nảy sinh giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Thứ năm, bồi dưỡng, hướng dẫn lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng giải quyết vụ việc liên quan đến biên giới và người nước ngoài.

Vấn đề “lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng” đã được xác định rõ trong các văn bản như: Tại quan điểm thứ 2 trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đã xác định: “BĐBP là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia”; khoản 2, Điều 31, Luật Biên giới quốc gia quy định: “BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật”. Như vậy, lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng giải quyết vụ việc liên quan đến biên giới và người nước ngoài là BĐBP. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm bồi dưỡng, hướng dẫn BĐBP thực thi nhiệm vụ biên phòng, giải quyết vụ việc liên quan đến biên giới và người nước ngoài.

Thạc sĩ Nguyễn Trọng Thắng, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

Bình luận

ZALO