Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 12:54 GMT+7

Trách nhiệm công vụ

Biên phòng - Báo cáo chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2018 (SIPAS 2018) mới được Bộ Nội vụ công bố khiến nhiều người nức lòng về kết quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ. Nhiều chỉ số đã vượt mục tiêu của CCHC Nhà nước giai đoạn này là “Bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đạt mức trên 80% vào năm 2020”.

hanh-chinh
Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Theo ghi nhận tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ số hài lòng về tiếp cận dịch vụ nói chung là 80,62%; chỉ số hài lòng về thủ tục hành chính nói chung là 86,40%; chỉ số hài lòng về công chức nói chung là 85,10%. Đáng chú ý là chỉ có 2,45% người dân (trong tổng số 32.715 người được hỏi) cho rằng có việc cán bộ sách nhiễu gây phiền hà và chỉ 1,42% số người cho rằng có chuyện công chức chủ động “đòi quà”.  

Kết quả trên khiến nhiều người bất ngờ trong bối cảnh dư luận còn nhiều ca thán về đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống dịch vụ hành chính công. Bởi, tại buổi phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” diễn ra hôm 19-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Trong thời gian qua, đội ngũ công chức, viên chức ngày càng hướng đến sự chuyên nghiệp; phong cách giao tiếp, ứng xử đã có những tiến bộ rõ rệt.

Tuy nhiên, còn tồn tại, hạn chế trong thực hiện văn hóa công sở. Ở một số nơi, công tác tiếp công dân chưa thường xuyên, chưa đi vào thực chất. Một bộ phận cán bộ công chức mang nặng tư duy cửa quyền, thiếu trách nhiệm với dân, không nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế, có lời nói, hành xử không chuẩn mực, không tôn trọng cấp trên, thiếu công bằng với cấp dưới, gây bức xúc trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Thực tế, người dân chưa thể hài lòng với chất lượng dịch vụ hành chính công khi trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương chưa xóa bỏ được “thứ văn hóa “không nhúc nhích”, văn hóa để “nước đến chân mới nhảy”, văn hóa đợi nhắc thì mới làm, chậm trễ trong xử lý nhiệm vụ được giao mà nhân dân, cơ quan đang mọi đợi” như người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.

Báo cáo kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức năm 2018 của 19/33 bộ, ngành ở Trung ương và 45/63 địa phương của Bộ Nội vụ trình Quốc hội xác nhận chỉ có 0,59% công chức và 0,38% viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội chỉ ra độ “vênh” giữa con số đẹp và thực tế. 

Hàng chục vụ việc nổi cộm khiến dư luận bức xúc thời gian qua đều xuất phát từ sự xuống cấp đạo đức, trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức như: Sai phạm nghiêm trọng của công chức, viên chức ngành giáo dục ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Lạng Sơn trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018; vụ buông lỏng quản lý dẫn tới phá rừng nghiêm trọng tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng... Ngay như tại Bình Định, nơi mà người dân đánh giá chỉ có 6,04% cán bộ sách nhiễu, phiền hà người dân thì trong năm 2018, các cơ quan chức năng đã xử lý 31 công chức, 32 viên chức mắc sai phạm, khuyết điểm nghiêm trọng.

Thế nên, người dân vui mừng và tin tưởng khi Chính phủ quyết tâm nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, một trọng tâm của CCHC Nhà nước. Cụ thể hơn, Thủ tướng đề nghị biến phong trào thi đua thành chiến lược xây dựng văn hóa công sở dựa trên 3 trụ cột: Xây dựng lại hệ giá trị chuẩn mực trong văn hóa công sở; kiến tạo nên môi trường làm việc có văn hóa và hiệu quả và hình thành hình ảnh, tác phong, cốt cách của cán bộ, công chức chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực, sáng tạo vì người dân phục vụ.

Thiết nghĩ, mỗi cán bộ, công chức, viên chức nhận thức đúng đắn và tích cực xây dựng văn hóa công sở sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền hành chính công vụ hiện đại, hiệu quả và thân thiện với nhân dân.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO