Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 25/03/2023 11:15 GMT+7

Trách nhiệm bảo vệ không ngừng thúc đẩy phát triển của con người về nhân quyền

Biên phòng - Tuyên ngôn nhân quyền thế giới (TNNQTG) được thông qua là một sự kiện trọng đại của Liên hợp quốc (LHQ). Vì tổ chức này ra đời, như Hiến chương của nó nhấn mạnh, là nhằm mục tiêu bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới; nhưng đồng thời còn nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn cầu...

Để nâng cao nhận thức về nhân quyền và truyền bá mạnh mẽ giá trị của Tuyên ngôn, ngày 4/12/1950, tại phiên họp toàn thể lần thứ 317, Đại hội đồng LHQ đã ban hành Nghị quyết A/RES/423 (V) chọn ngày 10-12 hàng năm là “Ngày nhân quyền” (Human Rights Day). 

Từ đó trở đi, đã thành thông lệ, cứ đến ngày này, ở khắp nơi trên thế giới đều diễn ra các hoạt động kỷ niệm, với những hình thức phong phú, sinh động. Vài năm trở lại đây, LHQ đặt ra từng chủ đề cho mỗi năm kỷ niệm. Chẳng hạn, Ngày nhân quyền năm nay chủ đề là “Bình đẳng, công lý và nhân phẩm”. Kỷ niệm Ngày nhân quyền quốc tế không đơn thuần là việc mở các lễ hội long trọng, mà nhằm nhắc nhở tất cả chúng ta về giá trị thiêng liêng, cao quý của nhân quyền mà mọi người đều có quyền thụ hưởng, đều có trách nhiệm bảo vệ và không ngừng thúc đẩy nó phát triển. 

Hiện nay, có nhiều định nghĩa khác nhau về quyền con người đã được công bố và mỗi định nghĩa tiếp cận vấn đề từ một góc độ nhất định, chỉ ra nhưng thuộc tính nhất định, nhưng không định nghĩa nào bao hàm được tất cả các thuộc tính của quyền con người. Ở cấp độ quốc tế quyền con người được hiểu chung nhất là những bảo đảm pháp lý mang tính toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm (cá nhân) chống lại các hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, những quyền và tự do cơ bản của con người.”

Ngoài ra quyền con người cũng có thể được hiểu là “là những sự được phép mà tất cả thành viên của cộng đồng nhân loại, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo, địa vị xã hội… đều có được ngay từ khi sinh ra, đơn giản vì họ là con người.” Ở Việt Nam: Quyền con người thường được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người, được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Mặc dù có nhiều định nghĩa khác nhau và không hoàn toàn thống nhất về nội dung như đã nêu, quyền con người được cộng đồng quốc tế thừa nhận là có 4 đặc tính. Tính phổ quát: các cá nhân đều thừa hưởng những quyền như nhau, không phân biệt đối xử vì bất kỳ lý do gì, chẳng hạn như chủng tộc, dân tộc, giới tính, tôn giáo, độ tuổi, thành phần xuất thân…

Tính không thể tước bỏ: quyền con người của mỗi cá nhân không thể bị tước đoạt hay hạn chế một cách tùy tiện. Tính không thể phân chia: các quyền con người đều có giá trị quan trọng như nhau và không quyền nào được coi là có giá trị cao hơn quyền nào. Tính liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau: các quyền con người tồn tại trong mối quan hệ phụ thuộc và tác động lẫn nhau. Sự vi phạm một quyền sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp đây ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm các quyền khác.

Hiện nay, cộng đồng quốc tế phân chia các quyền con người ra thành các nhóm như sau: - Dựa trên tiêu chí lĩnh vực: các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Sự phân chia theo tiêu chí lĩnh vực chỉ mang tính tương đối do một số quyền có sự đan xen giữa tính chất dân sự và chính trị, chẳng hạn như quyền tự do biểu đạt, quyền tự do hội họp hoà bình và quyền tự do lập hội. - Dựa trên tiêu chí về chủ thể nắm giữ quyền: quyền cá nhân và quyền tập thể.

P.V

Bình luận

ZALO