Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:26 GMT+7

Trà Vinh nỗ lực giảm nghèo bền vững

Biên phòng - Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng quyết tâm cao của các ngành, các cấp cùng sự đồng tâm, hiệp lực của người dân, công tác giảm nghèo ở Trà Vinh đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

elgw_16
Các chương trình hỗ trợ sản xuất đã phát huy hiệu quả giúp nhiều hộ dân ở Trà Vinh thoát nghèo bền vững. Ảnh: Phương yên

Từ nguồn vốn Trung ương phân bổ để thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Trà Vinh đã đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. 

Ông Nguyễn Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết: “Năm 2019, từ nguồn vốn Trung ương phân bổ, tỉnh đã giải ngân hơn 106 tỉ đồng để hỗ trợ các địa phương đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu... Các ngành chức năng cũng thực hiện tốt việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn; phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo ở các xã vùng bãi ngang ven biển; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài... Tính đến cuối năm 2019, tỉnh đã cấp phát 479.168 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân với tổng kinh phí 379 tỉ đồng. Trà Vinh hiện còn 9.214 hộ nghèo (chiếm 3,2%), trong đó, hộ nghèo là người dân tộc Khmer còn 5.394 hộ (chiếm 6% số hộ người dân tộc Khmer)”.

Bên cạnh đó, tỉnh Trà Vinh thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, đa dạng nguồn vốn tín dụng, tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các chương trình, dự án phát triển sản xuất; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về nhà ở, sử dụng nước sạch, hỗ trợ chi phí học tập để con em hộ nghèo được đến trường... Đến cuối năm 2019, từ các chương trình cho vay, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Trà Vinh đã giải ngân cho 47.505 lượt hộ dân vay vốn sản xuất với tổng số tiền 968 tỉ đồng, trong đó có 3.042 hộ nghèo, 4.864 hộ cận nghèo và 17.087 lượt hộ mới thoát nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Trà Vinh còn tạo điều kiện cho 2.416 hộ vay giải quyết việc làm; 358 hộ vay xuất khẩu lao động và 764 hộ nghèo vay làm nhà ở... Từ đó, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi cách thức làm ăn cho hàng vạn hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là tại các huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Ông Lâm Phene, ở ấp Ba Se, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer chia sẻ: “Trước kia, cuộc sống nhân dân khó khăn, thiếu thốn; đến khi Nhà nước có nhiều chủ trương hỗ trợ cho đồng bào Khmer, cuộc sống người dân trong xã đã cải thiện hơn rất nhiều. Bà con có điện thắp sáng, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đường sá được bê tông hóa, rải nhựa tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Đặc biệt, từ khi thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, các tuyến đường liên ấp, liên xã ngày càng được mở rộng. Trường học được xây dựng khang trang, có đầy đủ trang thiết bị để các cháu học tập. Người dân vô cùng phấn khởi”.

Gia đình Danh Dự, ở ấp Tha La, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú cho biết: “Gia đình tôi có 5 người con, trước đây, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi cho tới khi được Nhà nước hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi và đặc biệt là được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên đã thoát nghèo năm 2017”. Hiện tại, nguồn thu nhập khoảng 70-80 triệu đồng/năm của gia đình ông Dự có được từ việc bán dừa, nuôi tôm sú, chăn nuôi bò. Niềm vui còn được nhân lên gấp bội khi ông đang sửa chữa lại căn nhà từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và sự tích góp của gia đình với trị giá trên 100 triệu đồng.

Ông Lê Văn Hẳn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: Năm 2020, tỉnh đặt mục tiêu giảm tối thiểu 1,5% số hộ nghèo, riêng hộ dân tộc Khmer nghèo giảm từ 2-3%. Tỉnh cũng dành hơn 2,3 tỉ đồng hỗ trợ 563 hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội đảm bảo có mức thu nhập hằng tháng cao hơn chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn với mức hỗ trợ tối đa 600 nghìn đồng/người/tháng. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đã yêu cầu các huyện, hằng năm, rà soát hộ có khả năng thoát nghèo, thoát cận nghèo; rà soát nhu cầu về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm của người trong độ tuổi lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo để có giải pháp hỗ trợ kịp thời; đề xuất các ngành tập trung nguồn lực giúp bà con thoát nghèo bền vững.

“Các huyện xem xét phân công cán bộ trong cấp ủy, các hội, đoàn thể... hỗ trợ các xã thực hiện giảm nghèo; đỡ đầu các hộ có khả năng thoát nghèo. Các địa phương tăng cường phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ các hộ đủ điều kiện tham gia dự án phát triển sản xuất. Ngành nông nghiệp và các đơn vị chức năng đánh giá các mô hình giảm nghèo đã triển khai có hiệu quả để nhân rộng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo triển khai thực hiện” – Ông Lê Văn Hẳn chia sẻ.

Phương Yên

Bình luận

ZALO